10:28 27/10/2022

Cần có các quy định đủ mạnh để phòng ngừa bạo lực gia đình với trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Thảo luận về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định để có biện pháp đủ mạnh phòng ngừa những nguy cơ bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hiện nay, bạo lực gia đình đối với trẻ em vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc đau xót, thương tâm, gây bất bình trong dư luận. Trước thực trạng này, thảo luận về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định để có biện pháp đủ mạnh phòng ngừa những nguy cơ bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Nhấn mạnh trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị bạo lực gia đình và thực tế đã có rất nhiều vụ bạo lực gia đình với trẻ em gây hậu quả rất thương tâm xảy ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị quy định về hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình không áp dụng trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em.

Quan tâm đến biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của Chủ tịch UBND cấp xã, quy định tại Điều 25 và của Tòa án nhân dân quy định tại Điều 26, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhận thấy, điều kiện áp dụng biện pháp này mới chỉ phù hợp trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là người lớn, người đã thành niên, chưa phù hợp trong trường hợp là trẻ em bị chính cha mẹ bạo hành.

tam
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Dẫn chứng thống kê cho thấy, 80% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi đã từng bị bạo lực gia đình và các đối tượng khác, như người cao tuổi, người khuyết tật cũng thường là đối tượng của bạo lực gia đình. Với tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề xuất, nên nghiên cứu thành lập Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Hành vi bạo lực càng kéo dài thì càng gây ra nhiều tổn thương cho nạn nhân, tổn thương tới mối quan hệ gia đình. Điều này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu hành vi bị phát hiện và xử lý kịp thời. Từ góc độ người làm công tác Mặt trận cũng như qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thấy rằng, bạo lực gia đình do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về kinh tế; còn quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội. Cho nên cần bổ sung thêm một số chính sách như tạo việc làm, thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh an toàn.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng luật việc quan tâm những chính sách cụ thể để bảo vệ trẻ em trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình là một tinh thần xuyên suốt. Nội dung này đã được thể hiện ngay trong nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 4 dự thảo Luật là bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cũng như ở nhiều điều luật khác. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ thêm về nội hàm mà đại biểu quan tâm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận