09:14 24/08/2024

Cần những biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng bớt xén bữa ăn học đường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Luật sư Ngô Thế Hiệp: "Với thực trạng hiện nay, việc đưa tiêu chuẩn bữa ăn học đường vào luật và quy định cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng của từng bữa ăn là cần thiết để thống nhất triển khai trên toàn quốc".

Nhiều bữa ăn học đường của học sinh bị cắt xén 

Mới đây, tại Hà Nội, một lớp mầm non độc lập có tên Zing Zing (quận Đống Đa) đã bị đình chỉ hoạt động sau khi bị phụ huynh tố cho trẻ 1 tuổi ăn mì tôm. Theo đó, sự việc bắt nguồn từ một bài viết trên Facebook. Người đăng bài cho biết hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở khu vực Phương Mai cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm hai lần một tuần, kèm ảnh chụp mâm có 8 bát mì "không người lái" và vài hộp caramen, trong khi học phí là 4 triệu đồng/1 tháng, tiền ăn là 50 nghìn đồng mỗi ngày.

Ngoài ra, bài đăng còn chia sẻ video các bữa ăn khác, khi là bát mì trắng, bữa là cháo rau xay loãng... Trẻ thường được cho ăn mì tôm vào bữa phụ lúc 14h30, ảnh do giáo viên chủ nhiệm cung cấp. Gia đình nhiều lần hẹn gặp cô hiệu trưởng để hỏi nhưng bị trì hoãn hoặc phủ nhận.

cắt xén bữa ăn học đường
Suất ăn mì tôm khiến phụ huynh bức xúc đăng trên Facebook (Ảnh: Vnexpress).

Sau khi nắm thông tin vụ việc, quận Đống Đa đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhóm lớp trên vi phạm nhiều quy định trong quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ. Cụ thể, số giáo viên ở đây (4 người) không đúng với hồ sơ xin cấp phép, thiếu hợp đồng lao động, bằng cấp, giấy khám sức khỏe. Hai trong 4 giáo viên không có bằng về giáo dục mầm non.

Chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng trẻ không đảm bảo: Cơ sở không có hệ thống sổ quản lý nhóm lớp; xây dựng thực đơn chưa phù hợp, không tính khẩu phần ăn cho trẻ hàng ngày, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến...

Để chấn chỉnh tình trạng cắt xén bữa ăn học đường, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 ngày 14/8, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức bữa ăn bán trú, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần của học sinh, tuyệt đối không bớt xén.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu, tất cả địa phương, cơ quan chức năng lưu tâm đặc biệt tới vấn đề này “bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm để chăm lo cho trẻ”.

Câu chuyện bớt xén bữa ăn bán trú không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà từng xuất hiện tại nhiều địa phương. Thí dụ vào tháng 11/2023, quá trình làm nhân viên nấu ăn tại Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Trần Thị Thiên Kim phát hiện nhiều bất thường trong việc thực hiện bữa ăn bán trú cho trẻ và đã làm đơn tố cáo.

w-to-cao-tieu-cuc-bot-xen-bua-an-cua-tre-1-911
Bà Trần Thị Thiên Kim (Ảnh: Vietnamnet).

Bà Kim cho biết, từ tháng 6/2022, bà đã làm đơn tố cáo và đề nghị các cơ quan chức năng huyện Châu Đức vào cuộc làm rõ việc bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, đối với hiệu trưởng và những người liên quan tại trường mầm non này.

Theo bà Kim, quá trình làm việc, bà nhận thấy có sự thiếu hợp lý trong cách điều hành, lãnh đạo. Bởi, hiệu trưởng mới phân công nhiệm vụ với nhân viên tiếp phẩm kiêm luôn nhập khẩu phần ăn và chi thực phẩm kho hàng ngày cho trẻ sẽ dẫn đến tiêu cực, thiếu minh bạch do không có sự giám sát ở các khâu từ Ban giám hiệu trường.

Để có cơ sở chứng minh, bà Kim sau đó thu thập số liệu và đối chiếu các khoản chi thực tế theo hoá đơn ngày, phát hiện trong 3 ngày, từ 23-25/5/2022 số tiền dôi dư mỗi ngày dao động từ hơn 800 nghìn đến gần 2,4 triệu đồng. Sau sự việc được bà Kim phát hiện và phản ánh, hội đồng trường đã tổ chức họp và được nhân viên tiếp phẩm giải thích số tiền dư trên dùng để bù vào tiền gas bị âm. Thế nhưng, qua kiểm tra, số tiền gas từ tháng 2 đến ngày 23/5 còn dư gần 4 triệu đồng. Ngoài ra, bà Kim còn tố cáo tình trạng nâng giá thực phẩm đột ngột, sử dụng sữa không theo thực đơn và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn của trẻ từ những tháng trước đó. 

Từ đơn tố cáo của bà Kim, UBND huyện Châu Đức ban hành văn bản thông báo kết quả giải quyết tố cáo, trong đó kết luận nội dung số tiền dôi dư trong các ngày 23 - 25 là có cơ sở, bà Kim tố cáo đúng. Cũng theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo, qua kiểm tra quá trình triển khai phân công nhiệm vụ và hồ sơ thanh quyết toán của trường nhận thấy một số nội dung chưa tuân thủ theo quy định, trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng (trực tiếp chỉ đạo tiếp phẩm lên thực đơn, trong khi đó nhiệm vụ này của phó hiệu trưởng), phó hiệu trưởng, kế toán trường…

Sự việc ở Trường Mầm non Ánh Dương chưa lắng xuống thì vào tháng 12/2023, một bản tin tối của VTV24 phát đi thông tin 11 trẻ em Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cai chia nhau 2 gói mì tôm chan cơm khiến nhiều người sửng sốt. Cụ thể, khẩu phần mỗi em được một gói mì tôm nhưng thực tế 11 em ăn chung 2 gói mì nấu loãng, chan cơm. Ngoài ra, thực đơn liên quan đến thịt, giò, rau xanh..., của trường này cũng được cho là có bất thường.

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai), thông tin bữa ăn bán trú của học sinh trường này bị cắt xén là có cơ sở; phụ huynh chưa nhận được tiền ăn thừa và chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập của con em. Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bớt xén. Hình ảnh nhà trường sử dụng rau bắp cải đã hỏng, những người có liên quan đều thừa nhận hình ảnh này được chụp và quay tại bếp ăn của trường, không ai nhớ vào thời gian nào chỉ nhớ là thời điểm năm trước.

anh-chup-man-hinh-2023-12-19-luc-11-crop-1702962725751
11 học sinh chia nhau 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai (Ảnh: VTV24).

Bên cạnh đó, nhà trường không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh. Nhiều hồ sơ nhập, xuất, công khai hiệu trưởng nhà trường chưa ký nhận. Quy trình mua và giao nhận thực phẩm không thực hiện đúng trình tự quy định. Số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch. Thông tin về việc người dân không nhận được tiền ăn thừa của học sinh cũng được đoàn kiểm tra khẳng định có cơ sở, qua xác minh chứng từ kế toán, hiện số tiền này còn tồn quỹ chưa chi trả.

Phụ huynh canh cánh nỗi lo bữa ăn học đường

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, anh Huỳnh Thái Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện đang gửi con 2 tuổi ở một trường mầm non tư thục với mức học phí 4 triệu/tháng. Anh chia sẻ, anh vẫn canh cánh nỗi lo vì thực sự không được biết chất lượng bữa ăn như thế nào. Trường có camera và thông tin tới phụ huynh món ăn theo tuần, các món được giáo viên thông tin về cũng đa dạng nhưng thực tế có như vậy không thì phụ huynh không thể nào biết được.

“Những trường chuẩn phải cung cấp hết hình ảnh, thông tin thức ăn cho các bé cho phụ huynh cũng như quay lại các giờ bé ăn rồi chiếu cho phụ huynh xem, trường tốt họ còn cho phụ huynh thích đến trường cả ngày để theo dõi”, anh Minh nói.

Chị Nguyễn Thu Lan (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, nếu không nhìn địa chỉ của nhà trẻ thì nhìn thoáng qua hình chị lầm tưởng đây là bữa ăn của các em vùng sâu, vùng xa, miền núi. Theo chị Lan, phụ huynh chấp nhận thu 50 nghìn/ngày tiền ăn là muốn con cái được ăn uống vệ sinh và đủ chất, hơn nữa trẻ 1 tuổi ăn cũng không nhiều nhưng nhà trường lại để các bé phải ăn mì tôm là loại thực phẩm không phù hợp làm bữa chính với trẻ nhỏ, dùng để ăn chơi, ăn vui, ăn cho qua bữa khi cơ nhỡ thì đúng là vô lương tâm. Bởi ai cũng biết mì tôm có nhiều hóa chất gây hại và đặc biệt dễ gây sặc nghẹn cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, nó còn phá hủy hệ miễn dịch của các con, thậm chí của cả người lớn nếu ăn thường xuyên. 

"Đề nghị các cơ quan chức năng cần thanh tra kiểm tra toàn diện, giám sát chặt quy trình hoạt động của bếp ăn bán trú ở các trường công lập để chi phí mà phụ huynh chúng tôi bỏ ra được tương xứng với chất lượng bữa ăn của các con", một vị phụ huynh khác nói.

Theo Công văn số 4128/BGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2023 – 2024 của Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non về việc thực hiện nghiêm túc công tác nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở GDMN: Phối hợp với ngành y tế bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong các cơ sở GDMN theo quy định; số bữa ăn đáp ứng nhu cầu khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, thời gian tổ chức ăn cho trẻ thực hiện theo lịch sinh hoạt hằng ngày bảo đảm đúng quy định tại Chương trình GDMN; không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ em tại các cơ sở GDMN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn và ATTP, kịp thời chấn chỉnh, xử lí những sai phạm trong công tác nuôi dưỡng cho trẻ tại các cơ sở GDMN.

Bớt khẩu phần ăn của học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Ths. Luật sư Ngô Thế Hiệp - Giám đốc điều hành JWLEGAL, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, trong trường hợp phát hiện tình trạng cắt xén suất ăn của học sinh, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về người đứng đầu cơ sở. Người này có thể là hiệu trưởng, giám đốc hoặc chủ cơ sở, tùy thuộc vào tính chất của cơ sở giáo dục.

Nếu là cơ sở công lập, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, còn đối với cơ sở ngoài công lập, trách nhiệm có thể thuộc về người chủ cơ sở hoặc người ký hợp đồng cung cấp suất ăn. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp suất ăn cũng phải chịu một phần trách nhiệm do không đảm bảo chất lượng và số lượng thực phẩm cung cấp. Cuối cùng, cơ quan quản lý địa phương cũng có thể bị xem xét trách nhiệm nếu không thực hiện tốt chức năng giám sát và xử lý các vi phạm.

z5314884924602_d2b095dd7a3bb5fa2e44dc37708e2118
Ths. Luật sư Ngô Thế Hiệp - Giám đốc điều hành JWLEGAL, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Hiện nay có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể về hình sự, có thể vi phạm các nhóm tội: Tội tham ô (Điều 353 Bộ Luật Hình sự), nhóm tội về môi giới/đưa/nhận hối lộ; nhóm lạm dụng chức vụ quyền hạn. Trường hợp chưa tới mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi vi phạm có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính gắn với việc vi phạm cụ thể trong Luật xử phạt vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn liên quan về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, gắn với việc thu tiền ăn của học sinh, phụ huynh học sinh có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại gắn với thiệt hại, yêu cầu hoàn trả lại số tiền không dùng hết. 

Theo Luật sư Ngô Thế Hiệp, để ngăn chặn tình trạng cắt xén và đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bữa ăn học đường, cần có quy định pháp luật về việc vi phạm, gắn với việc cắt xén; nâng cao việc phổ biến kiến thức pháp luật liên quan; nên có quy định về trách nhiệm của các cơ quan giám sát (cơ quan giáo dục, cơ quan y tế) gắn với việc vi phạm của cơ sở giáo dục để việc kiểm tra, giám sát thiết thực, tránh chỉ làm hình thức; có thêm cơ chế giám sát cộng đồng đối với các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, với thực trạng hiện nay, việc đưa tiêu chuẩn bữa ăn học đường vào luật và quy định cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng của từng bữa ăn là cần thiết, nhằm thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Luật sư Ngô Thế Hiệp nhấn mạnh, việc đưa tiêu chuẩn bữa ăn học đường vào luật sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của học sinh, đặc biệt là về dinh dưỡng. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ có trách nhiệm cung cấp những bữa ăn đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng, và phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể cho từng địa phương có thể gặp khó khăn do sự khác biệt về kinh tế - xã hội. Vì vậy, các nhà làm luật cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra những quy định vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

“Cơ quan giáo dục cần phối hợp với cơ quan y tế để xây dựng các quy định về tiêu chuẩn dinh dưỡng của từng bữa ăn học đường đảm bảo sức khỏe của trẻ, đảm bảo về nguồn gốc thực phẩm; quy trình chế biến, bảo quản; đảm bảo thành phần dinh dưỡng và số tiền cam kết giữa nhà trường với gia đình học sinh. Nếu đáp ứng được các yêu cầu này, tiêu chuẩn dinh dưỡng của từng bữa ăn học đường sẽ được bảo đảm”, Luật sư Ngô Thế Hiệp nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận