Phấp phỏng nỗi lo bếp ăn học đường, phụ huynh 'sợ nhạy cảm ngại hỏi thầy cô'
Chưa bao giờ câu chuyện bếp ăn học đường, bữa ăn bán trú lại “nóng” như gần đây sau 2 vụ liên tiếp trẻ nhập viện khi ăn ở trường. Tuy vậy, tâm lý "sợ nhạy cảm" khiến nhiều phụ huynh dù rất muốn trường công khai đơn vị cung cấp thực phẩm, quy trình chế biến nhưng vẫn "ngại đem chuyện đó đề cập với thầy cô”.
Bài viết này thuộc chuyên đề Bếp ăn học đường
Bếp ăn học đường
Nỗi lo bếp ăn học đường
Từ tối 17/11 đến sáng 22/11, các bệnh viện tiếp nhận hơn 600 học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường thời gian gần đây.
Tính đến 7h ngày 27/11, còn 2 học sinh đang theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trong TP Nha Trang.
Sáng 28/11, trường iSchool Nha Trang đã đón học sinh trở lại học tập, tuy nhiên trường tạm thời chưa tổ chức bếp ăn bán trú. Sau lễ chào cờ, tập thể thầy cô và học sinh của trường đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ em học sinh lớp một đã qua đời trong vụ ngộ độc thực phẩm.
Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời xin lỗi tới học sinh toàn trường về sự cố vừa qua, mong các em thông cảm và chuyển lời tới phụ huynh, hứa không để xảy ra trường hợp tương tự.
Thực tế trong những năm qua, các trường học trên cả nước từng đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến bếp ăn học đường. Có vụ ngộ độc do yếu tố khách quan nhưng nhiều vụ đã bị phụ huynh, người dân phát hiện, phanh phui việc tuồn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào trường học.
Đó là vụ việc học sinh ăn phải ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng ở Ninh Bình, thịt ôi ở Hà Giang, hay phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu từng tố trường mầm non nấu cơm cho học sinh ăn bằng gạo mốc xanh. Phụ huynh nhìn bữa cơm mà “rớt nước mắt”.
Năm 2019, tại Hà Nội, phụ huynh một trường tiểu học ở quận Bắc Từ Liêm cũng bật khóc khi biết thông tin về bữa ăn của con quá lèo tèo so với số tiền bỏ ra. Hàng trăm người vây cổng trường đòi đối thoại.
“Chỉ biết hỏi con ăn gì, có ngon không”
Chị T.K.T, phụ huynh có con đang học tại một trường Tiểu học công lập tại Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, những thông tin về thực phẩm bẩn, kém chất lượng gần đây khiến chị rất băn khoăn về bữa ăn bán trú của con. Nhưng bếp ăn trường học hiện vẫn đang là nơi phụ huynh rất khó tiếp cận.
Chị cho rằng, nếu như ở các trường tư, quyền tham gia kiểm soát đầu vào thực phẩm hay đột xuất kiểm tra khu chế biến thức ăn của nhà trường dễ dàng hơn với phụ huynh thì ở các trường công lập, việc tiếp cận bếp ăn trường học thường khó hơn.
Theo chị, trường chỉ cho một phụ huynh đại diện của mỗi lớp đến kiểm tra thực phẩm hằng ngày của các con. Chị cũng chưa một lần được tận mắt xem bữa ăn của con. Những thông tin về nguồn thực phẩm hay cách dự trữ, chế biến thức ăn, chị hoàn toàn không được nắm rõ. Hằng ngày, chị chỉ có thể hỏi con hôm nay ăn gì, có món gì ngon không, bữa xế ra sao.
“Dù băn khoăn, chúng tôi cũng ngại đem chuyện đó đề cập với thầy cô”, chị T.K.T bày tỏ.
Chị Nguyễn Thu Hoà, có con đang học tiểu học tại một trường công lập ở Long Biên, cũng cùng chung tâm tư. Chị cho biết: "Thú thực, lâu nay tôi chủ yếu đặt niềm tin vào nhà trường".
Bên cạnh đó, vẫn còn những ý kiến trái chiều cho rằng, trường tư cũng không khác gì trường công nếu không được phụ huynh kiểm soát chặt chẽ từ những khâu đầu vào.
Chị Trần Hoàng Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) là phụ huynh có con học tại một trường mầm non tư ở khu Vincom Bà Triệu, Hà Nội. “Lại nhớ hồi xưa năm 2010, con tôi đi học mầm non ở khu Vincom Bà Triệu đóng tiền học đâu cỡ 12 triệu đồng/tháng, nhà trường đăng menu bữa cơm cho các cháu rất hoành tráng, thực phẩm nhập khẩu châu Âu nhưng đến lúc phụ huynh ập đến kiểm tra thì lại là lấy cơm từ một hàng cơm bình dân gần đó cho các cháu ăn".
“Mặc dù may mắn không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nhưng tôi cũng bắt đầu ý thức quan tâm hơn đến các bữa ăn bán trú của con”, chị cho hay.
Sau sự việc này, chị Linh cho biết hiện tại, chị cho con học ở trường mà phụ huynh được phép vào trường kiểm tra các con ăn uống ra sao. Ngoài ra, phụ huynh cũng có quyền đến bất ngờ, lấy mẫu thức ăn, mẫu nước đi xét nghiệm và khiếu nại nếu thức ăn có vấn đề.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh có con từng học tại một trường mầm non tư ở Bạch Mai, Hà Nội, cũng bày tỏ: “Ăn uống nuôi sống một em bé đang lớn cũng là nuôi trí não cho các em. Nhưng nói chung tôi chưa thấy hài lòng về bữa ăn của các trường - nơi các con tôi đã học qua từ mầm non đến giờ lên đại học. Tôi cũng đã gặp tình trạng các con trong lớp của con mình bị ngộ độc thức ăn... Mà trường mầm non hay tiểu học các con học đều là có mức học phí trung bình 7 triệu đồng/tháng”.
Trao đổi thêm với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị cho biết, lúc trước con chị học thì hằng tuần cô vẫn gửi thực đơn riêng để phụ huynh theo dõi và nhà trường cũng đăng tải ảnh bữa ăn của các con lên mạng hoặc làm thực đơn giấy, cha mẹ đều hài lòng.
Nhưng khi xem qua camera hay có hôm đến trực tiếp thì con toàn ăn cơm chan canh, cơm cũng lèo tèo chả có gì. Sau đó chị chuyển cho con sang một trường khác thì chị thấy yên tâm hơn, phần thức ăn cơm được chia riêng, ăn hết mới chan canh. Chị Hoa nhấn mạnh, không phải trường tư nào cũng được như mọi người vẫn tưởng.
Tăng cường vai trò giám sát bếp ăn học đường
Việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học, nếu có thì thực sự là một tội ác, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có những em học sinh bị “đầu độc” mỗi ngày.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được thực hiện trong thời gian qua cũng nhằm để giúp cho trẻ em Việt Nam phát triển tốt hơn.
Thế nhưng, vẫn có những vụ việc, thực phẩm dùng ở bữa ăn chính của trẻ lại là thực phẩm bẩn, làm tổn hại sức khỏe của trẻ, trong khi học sinh còn quá nhỏ để có thể nhận biết chất lượng thực phẩm.
Trên thực tế, hầu hết trường học không có cán bộ chuyên môn giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bữa ăn bán trú, nên cơ bản cũng chỉ giám sát qua quan sát trực quan và giấy phép.
Để chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn trong bếp ăn học đường, thiết nghĩ cần đảm bảo chặt chẽ, phối hợp rõ ràng, hiệu quả hơn vai trò giám sát của phụ huynh và các cơ quan chức năng. Phụ huynh là người bỏ tiền để mua thức ăn, nước uống cho con em mình tại trường, vì thế họ có quyền giám sát. Mặt khác, vì sức khỏe của con em mình, phụ huynh chính là người sẽ quan tâm, sát sao nhất với vấn đề chất lượng thực phẩm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất