06:39 28/04/2024

Cận kề tuyển sinh lớp 6, phụ huynh 'sốt xình xịch' chọn trường cho con

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Hương Giang

Tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội đang là vấn đề nóng được nhiều phụ huynh quan tâm. Theo TS. Hồ Lâm Giang, một ngôi trường tốt không phụ thuộc đó là công lập hay tư thục.

images

Đau đầu giải bài toán chọn trường

Theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2024-2025, thời gian tuyển sinh vào lớp 6 bắt đầu từ ngày 1/6 đến ngày 12/7 với các trường tư thục; các trường THCS hệ công lập tuyển sinh từ ngày 7-9/7 (bằng hình thức trực tuyến) và từ ngày 13-18/7 (bằng hình thức trực tiếp). Một số trường tư thục và trường công lập chất lượng cao đã đưa ra thông báo về thời gian tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, rơi vào khoảng đầu tháng 6.

Điều này có nghĩa là các phụ huynh chỉ 1 tháng để đưa ra quyết định chọn trường cho con, nếu không muốn để tụt hậu trong “cuộc đua” vào lớp 6.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Nguyễn Mai Lan (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ rất lo lắng chuyện chọn trường cấp 2 cho con. Con trai thứ hai của chị đang học lớp 5 tại một trường tiểu học tư thục trên địa bàn sinh sống. Mặc dù việc tiếp tục học trường tư có thể sẽ giảm tải áp lực từ chương trình học cho con, nhưng chị Lan cũng còn nhiều băn khoăn bởi từ góc độ cá nhân, chị cảm thấy việc rèn nề nếp cho học sinh ở trường tư chưa được chú trọng nhiều như ở các trường công lập.

“Xét về mặt tài chính, gia đình tôi đủ điều kiện để cho con theo học dân lập cả 3 cấp. Tuy nhiên tôi đang hướng đến việc nộp hồ sơ vào trường công lập để rèn nề nếp cho cháu”, chị Lan chia sẻ.

Càng gần thời điểm tuyển sinh lớp 6, phụ huynh càng sốt sắng tham khảo thông tin trên các diễn đàn để chọn trường cho con.
Càng gần thời điểm tuyển sinh lớp 6, phụ huynh càng sốt sắng tham khảo thông tin trên các diễn đàn để chọn trường cho con.

Chị Phạm Thị Nga (Ba Đình, Hà Nội) đang cân nhắc lựa chọn các trường tư thục. Chị cho biết: “Gia đình muốn tìm một ngôi trường liên thông từ cấp 2 lên cấp 3, với mức phí khoảng 10 triệu đồng/tháng để giảm áp lực học hành vì học lực của con không tốt, sợ bị bạn bè và thầy cô đánh giá”. Dù vậy, con gái chị khi làm bài kiểm tra vào 2 trường phổ thông liên cấp đều không đạt mức điểm yêu cầu của trường là 5 điểm/môn. Vấn đề này khiến chị rất đau đầu.

Không chỉ riêng chị Lan và chị Nga, rất nhiều phụ huynh có con năm nay lên lớp 6 cũng đang ở trong trạng thái “căng như dây đàn” với những nguyên nhân khác nhau. Trên các diễn đàn, hội nhóm của phụ huynh, nội dung chủ yếu được tìm thấy là hỏi xin thông tin, đánh giá về chương trình học, cơ sở vật chất và môi trường.

Cũng là phụ huynh có con chuẩn bị vào cấp 2, nhưng chị Nguyễn Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra quyết định rất nhanh chóng, bởi chị xác định được rõ ràng các yếu tố cần quan tâm khi lựa chọn trường. Những tiêu chí được chị ưu tiên là: mức học phí phù hợp với kinh tế của gia đình, khoảng cách gần nhà, môi trường đào tạo phù hợp với năng lực của con. Sau khi đã xác định được ngôi trường phù hợp với các yếu tố này, tìm hiểu thủ tục, quy trình đầu vào và những thứ cần chuẩn bị.

Chị Trang đưa ra lời khuyên với các phụ huynh còn đang băn khoăn: “Nếu cha mẹ khó nghĩ quá thì nên lập bảng so sánh xem các tiêu chí gia đình quan tâm là gì khi chọn trường cho con. Tiếp theo làm rõ các yếu tố mình đang giả định bằng căn cứ, cụ thể hoá với các trường bố mẹ đang khoanh vùng”.

Có thể là hình ảnh về 12 người, trẻ em, mọi người đang học và văn bản cho biết 'BURBAR' RBA 0UTIES NBK.EDU.VN'
Môi trường phù hợp với con, học phí nằm trong khả năng tài chính của gia đình, chương trình đào tạo không đặt nặng lý thuyết… là những yếu tố được phụ huynh cân nhắc khi chọn trường cho con. Ảnh: Fanpage Hệ thống Giáo Dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy. 

Đối với những ý kiến bày tỏ sự lo lắng về cách vận hành và chất lượng của các trường tư, đặc biệt là trường gắn mác “quốc tế” sau những lùm xùm gần đây, chị Trang khẳng định: “Các trường quốc tế, trường tư hay trường công thì cũng đều có trường này trường kia. Mình quan tâm thương hiệu nào thì có thể vào fanpage bên đó xem, tìm hội nhóm của phụ huynh để đọc và tham khảo, kết bạn hỏi thêm nếu cần”.

Những chia sẻ trên được đa phần phụ huynh đồng tình. Trong các hội nhóm của phụ huynh, nhiều cha mẹ có kinh nghiệm đều cho rằng tất cả các loại hình trường học đều có ưu và nhược điểm riêng, điều quan trọng là chương trình học và môi trường của ngôi trường đó phù hợp với trẻ, cách vận hành của trường minh bạch và học phí nằm trong khả năng đáp ứng của gia đình.

Chị Lê Thúy Hà (có con đang học trường THPT công lập ở quận Ba Đình, Hà Nội) lại cho rằng khi chọn trường cấp 2 phụ huynh cũng nên tính luôn vấn đề đường dài cho con. Chị Hà nhận định: “Hiện nay cạnh tranh công lập vẫn rất gay cấn. Do vậy nếu định cấp 3 chuyên hoặc công lập thì vẫn cần học trường cấp 2 có truyền thống dạy và học tốt. Kể cả dân lập cũng có nhiều trường đỉnh trong tỷ lệ đỗ công lập và chuyên”.

“Cuộc đua học hành giờ phải nghĩ luôn từ lớp 6, cứ nhìn các bạn có dự định thi chuyên là học luôn từ lớp 6 các môn chuyên. Có thế mạnh môn nào cũng là do gia đình đầu tư và kèm cặp suốt 4 năm cấp 2”, chị Hà cho biết.

Lời khuyên từ chuyên gia giáo dục

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý - giáo dục Hồ Lâm Giang khẳng định tâm lý phân vân, lo lắng của phụ huynh trong việc chọn trường cho con khi chuyển cấp rất phổ biến, xuất phát từ việc hiện nay cha mẹ đã quan tâm và hiểu biết về giáo dục nhiều hơn. Cha mẹ có khá nhiều lựa chọn về cả trường công và tư, tuy nhiên những trường công lập được đánh giá cao lại có sức cạnh tranh rất lớn, trường tư tốt thì mức học phí cũng rất cao. Vì vậy, nhiều phụ huynh khó biết được môi trường nào mới thực sự tốt và vừa sức cho con mình.

Theo bà Giang, yếu tố hàng đầu của một trường tốt là có môi trường phù hợp nhất với trẻ. Thứ hai, môi trường đó phải đáp ứng giáo dục cân bằng, đảm bảo phát triển toàn diện về con người, giúp con rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, tinh thần hạnh phúc, lạc quan và trí tuệ thông suốt. Ngoài ra, cần xét đến các yếu tố khác như khuôn viên, bữa ăn cho học sinh, thái độ của thầy cô, nhân viên trong trường đối với học sinh… 

Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý - giáo dục Hồ Lâm Giang. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ, Chuyên gia tâm lý - giáo dục Hồ Lâm Giang. Ảnh: NVCC.

Đối với quan điểm “trường tư thục tốt hơn trường công lập”, TS. Hồ Lâm Giang cho rằng chất lượng của ngôi trường không phụ thuộc vào việc nó là trường công hay tư. Tuy nhiên, bà cũng đánh giá công tâm về các trường tư: “Hệ thống trường tư có nhiều lợi thế hơn ở điều kiện về kinh tế và về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Trải nghiệm của học sinh được đặt lên hàng đầu nên các trường tư thường có chương trình học cân bằng: giảm áp lực học tập, tăng hoạt động thể chất, thực hành, hoạt động nhóm, có thời gian tham gia câu lạc bộ năng khiếu. Nhiều trường quán triệt không dạy thêm ngoài giờ, học sinh cũng ít bài tập về nhà hơn…”.

“Nhiều phụ huynh muốn con mình có môi trường giáo dục cân bằng, được quan tâm chăm sóc toàn diện, thường chọn trường tư thục. Đó là chưa kể có nhiều phân khúc trường tư để phụ huynh lựa chọn. Ví dụ chọn trường tập trung học vừa phải để phát triển toàn diện, trường mạnh về ngoại ngữ hoặc nếu đam mê nghiên cứu học tập, có nhiều trường tư thục hướng tới học sinh có chất lượng đầu vào cao, cũng cho ra nhiều lớp học sinh giỏi và đạt giải nhiều cuộc thi, tỷ lệ đỗ trường điểm, trường top”, bà Giang cho biết.

Sự vụ lùm xùm của Trường Quốc tế Mỹ AISVN thời gian gần đây cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về cách vận hành của các trường gắn mác “quốc tế”. Về vấn đề này, bà Giang nhận định kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh đặc biệt, đối tượng được giáo dục là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước - nên các cơ quan có thẩm quyền cần quản lý sát sao về chất lượng, sự đảm bảo nguồn tài chính, người chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền lợi của học sinh và thầy cô giáo.

TS. Hồ Lâm Giang cũng dành lời khuyên cho các phụ huynh lựa chọn cho con theo học trường quốc tế: “Bố mẹ có thể lựa chọn trường tư thục hoặc quốc tế phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của gia đình và các con, tuy nhiên với những trường quá mới và hệ đào tạo mà mình không hiểu rõ, chúng ta nên có sự thận trọng. Chúng ta có thể lắng nghe “bằng hai tai”, tức là ngoài những gì nhà trường nói, cần tìm hiểu thêm các nguồn tin bên ngoài về trường, về hệ đào tạo, về chứng chỉ, từ đó đi tới quyết định cuối cùng”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận