16:37 21/04/2024

Cảnh báo các dị vật trẻ dễ bị hóc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Cha mẹ lưu ý cần giám sát, lựa chọn đồ ăn, đồ chơi phù hợp, tránh để trẻ chơi với những vật nhỏ, gọn vừa tầm tay; các loại đồ chơi, vật dụng có pin thì vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn.

Mới đây, ngày 17/4, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã cấp cứu một trẻ nhỏ nuốt phải pin cúc.

Theo gia đình người bệnh cung cấp, ngay khi phát hiện con nuốt phải pin cúc, được người quen là nhân viên y tế giải thích nguy cơ có thể thủng loét đường tiêu hóa nên lập tức đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu.

Sau khi nhập viện, bệnh nhi được chụp chiếu và phát hiện có dị vật hình tròn nằm trong dạ dày. Theo đó, bệnh nhi được chuyển vào khoa Tiêu hóa.

Tại đây, ê-kíp nội soi và gây mê đã hội chẩn và tiến hành gắp cấp cứu thành công pin cúc trong dạ dày bệnh nhi.

pin
Hình ảnh chụp dị vật là viên pin dạng cúc nằm trong dạ dày bệnh nhi Đ.T.H. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, ca gắp dị vật nội soi giúp hạn chế tối đa tổn thương cho bệnh nhân. Nếu để dị vật pin tồn tại lâu có thể sẽ dẫn đến loét, hoại tử và thủng đường tiêu hóa của trẻ.

Trước đó, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật như dây chuyền, nhẫn kim loại, đồng xu, hòn bi, mảnh sắc nhọn...

Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng đã can thiệp thành công cho bệnh nhi 8 tuổi (trú huyện Nho Quan, Ninh Bình) nuốt phải dị vật là 3 chiếc tăm tre 2 đầu sắc nhọn dài 5cm, găm vào niêm mạc đại tràng của bệnh nhân.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, cần giám sát, lựa chọn đồ ăn, đồ chơi phù hợp, tránh để trẻ chơi với những vật nhỏ, gọn vừa tầm tay; các loại đồ chơi, vật dụng có pin thì vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn.

Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Cách xử lý  khi trẻ bị hóc dị vật:

Vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ dưới 2 tuổi):

Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ trẻ ưỡn tránh gập đường thở.

Sau đó dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái vào lưng trẻ (ở khoảng giữa hai bả vai).

Nếu thấy trẻ còn khó thở, tím tái lật ngửa trẻ sang tay phải và dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 xương ức 5 lần. Tiếp tục luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc thấy trẻ khóc được.

Thủ thuật Heimlich (đối với trẻ trên 2 tuổi):

Tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện vòng hai tay qua người trẻ. Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm. Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài.

Sau khi thực hiện các thao tác này, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám dù trẻ đã nôn ra dị vật.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận