Cha dượng, mẹ kế bạo hành con riêng: Hình phạt nào cho những kẻ gieo rắc nỗi đau?
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, tình trạng cha dượng, mẹ kế bạo hành con riêng, đánh đập và ngược đãi trẻ em gây ra nỗi lo ngại lớn cho xã hội.
Liên tiếp những vụ việc cha dượng, mẹ kế bạo hành con riêng đến mức thương tích nặng, thậm chí tử vong đã phơi bày một góc tối đáng sợ. Đằng sau những vụ án đau lòng này là những câu hỏi lớn về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em.
Cha dượng treo bé trai lên xà nhà, dùng roi đánh đập
Mới đây, ngày 13/8, Công an huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã điều tra, xử lý người đàn ông có hành vi bạo hành con riêng của vợ.
Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông có hành vi đánh đập một bé trai ở một xã thuộc huyện Tân Sơn. Bước đầu, công an xác định cháu bé xuất hiện trong clip tên là A. (SN 2011, tên nạn nhân đã được thay đổi), người có hành vi bạo hành là cha dượng của cháu bé.
Tại cơ quan công an, người cha dượng thừa nhận bản thân đã có hành vi đánh đập cháu bé như trong clip. Lý do, theo lời khai ban đầu, do thời gian gần đây, cháu A. đã lấy trộm tiền, tài sản của người thân. Vì quá bức xúc nên người này đã sử dụng dây thừng buộc chân, tay của cháu A. treo lên xà nhà, sau đó dùng roi đánh, cắt quần áo và dội nước vào mặt cháu A. với mục đích để răn đe, giáo dục cháu.
Cha dượng giẫm đạp dã man con riêng của vợ chỉ vì lấy điện thoại chơi
Sáng ngày 12/3, trên mạng lan truyền clip người đàn ông đánh một cháu bé. Trong clip dài hơn 2 phút, bé trai la hét, van xin nhưng người đàn ông vẫn không dừng lại, thậm chí còn kéo lê bé trai trên nền nhà. Video chia sẻ nhanh trên mạng khiến dư luận phẫn nộ về hành vi của người đàn ông.
Sau khi nắm thông tin, Công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã đến nơi làm việc, yêu cầu người cha dượng dùng chân giẫm đạp dã man cháu bé 9 tuổi về trụ sở để làm việc.
Qua xác minh xác định vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 8/3 trên địa bàn khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cháu bé đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu bé bị đa chấn thương phần mềm.
Một người dân ở phường Tân Thiện kể lại, trước đây, người đàn ông này cũng có đánh bé trai, nhưng chỉ đánh nhẹ và chửi, chứ không như lần này. Qua hỏi thì được biết, vì cháu bé lấy điện thoại ra ngoài ngồi chơi, nói không nghe nên bị đánh.
10 năm tù cho đối tượng đánh bé 18 tháng tuổi tử vong
Tháng 7/2023, Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức, Long An đã tuyên phạt 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thanh Ninh (30 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) về tội "Cố ý gây thương tích".
Theo cáo trạng, giữa năm 2022, chị H. quen Ninh qua mạng xã hội và hai người nảy sinh tình cảm. Người phụ nữ đưa cháu P. (SN 2020, con riêng) về sống cùng Ninh ở một phòng trọ trên địa bàn huyện Bến Lức.
Khoảng 23h ngày 31/5/2022, thấy bé muốn đi vệ sinh nên Ninh đưa đi. Tuy nhiên, bé không đi được mà khóc quấy nên Ninh dùng tay tát vào má bé khiến bé khóc to hơn. Tức giận, Ninh hất bé văng về phía trước va vào kệ đựng chén và ngã xuống cạnh sàn nước bằng gạch. Sau đó bé tử vong vì chấn thương sọ não.
Bạo hành con riêng của người tình vì quấy khóc
Ngày 25/5/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ phường 2, TP Đà Lạt) về tội “Giết người”. Thương là nghi phạm bạo hành bé gái C. (gần 3 tháng tuổi) dẫn đến chấn thương sọ não, gãy xương tứ chi… hôn mê, phải tiếp máu, ban đầu thở qua nội khí quản, nhưng sau đó phải thở máy trong tình trạng nguy kịch.
Thương khai sống chung với mẹ con cháu C. tại nhà trọ. Do C. hay quấy khóc nên Thương bực tức, khó chịu, nhiều lần dùng tay đánh, tát vào đầu và mặt bé. Thậm chí, đối tượng này còn dùng núm vú giả đặt vào miệng của bé và lấy băng keo dán xung quanh…
Qua xét nghiệm nhanh, cả Thương và A. đều cho kết quả dương tính với ma túy. Thương từng có 1 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị TAND TP Bảo Lộc xử phạt 2 năm tù giam vào năm 2016.
Cần tăng chế tài xử phạt những kẻ bạo hành trẻ em
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, tuy công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tình trạng cha dượng, mẹ kế bạo hành con riêng, đánh đập và ngược đãi trẻ em vẫn còn diễn ra, gây ra nỗi lo ngại lớn cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Trước hết, trách nhiệm bảo vệ trẻ em thuộc về gia đình. Cha mẹ là những người đầu tiên và quan trọng nhất trong việc chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ con cái. Họ cần tạo dựng một môi trường gia đình lành mạnh, yêu thương và an toàn để trẻ em phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể cũng cần tăng cường công tác bảo vệ trẻ em.
Các cơ quan quản lý chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ trẻ em và chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bạo hành trẻ em để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo hành trẻ em, đồng thời tăng chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm.
Việc chậm trễ trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc không chỉ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bạo lực mà còn gây ra những tổn thương sâu sắc về thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức về bảo vệ trẻ em và sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện các dấu hiệu của bạo lực.
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Ths. Luật sư Ngô Thế Hiệp - Chủ tịch Công ty Luật TNHH Bắc Hà Nội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, Luật Trẻ em hiện hành quy định rất cụ thể việc việc bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm và hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
-
Xử phạt hành chính trong trường hợp hành vi chưa xâm phạm, vi phạm tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến việc đã thực hiện hành vi xâm phạm, thân thể, gây tổn hành về sức khỏe đối với trẻ em.
Trường hợp bị xử phạt hành chính thì mức phạt đối với hành vi gây ra cho trẻ em theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em mức phạt cao nhất lên đến 20.000.000 đồng, cụ thể hành vi “Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”. Về biện pháp khắc phục hậu quả còn có thể là: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên. -
Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chưa có hậu quả chết người, do vậy người cha dượng/ mẹ kế có thể bị xem xét đối với các tội: Tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hình phạt áp dụng tù lên tới 03 năm tù có tình tiết tăng nặng phạm tội đối với người dưới 16 tuổi; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) trong trường hợp người cha dượng/ mẹ kế cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự với tình tiết định khung là giết người dưới 16 tuổi. Mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo Luật sư Ngô Thế Hiệp, nhằm hạn chế tối đa các hậu quả xảy ra đối với trẻ em, các bậc cha, mẹ cũng như toàn xã hội cần dành những tình cảm, trách nhiệm, lòng yêu thương, sự quan tâm và nâng niu nhất tới trẻ em.
Gia đình, cha mẹ cần nêu cao trách nhiệm, quan tâm dạy dỗ trẻ, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cảm nhận được sự biến đổi, bất thường trong lời nói, tâm trạng của con trẻ. Giúp các trẻ em khỏe thể chất, vững tinh thần, không gặp nhiều áp lực trong học tập, cuộc sống.
Tại nhà trường, các thầy, cô tạo điều kiện giáo dục giúp các trẻ đến trường là đến với gia đình lớn hơn, các trẻ em được lắng nghe, thể hiện nguyện vọng, đồng hành để có kết quả học tập tốt.
Tại xã hội, cùng với toàn xã hội các bậc cha mẹ chung tay bảo vệ trẻ em có ở mọi nơi, mọi người hướng đến sự quan tâm, nâng niu, chia sẻ tạo nên xã hội yêu trẻ, hỗ trợ các trẻ em phát triển toàn diện, làm người chủ tương lai của đất nước.
Ngoài ra, pháp luật đã có quy định cụ thể, nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến pháp luật trong cộng đồng gắn với nguy cơ, hậu quả với con trẻ để từ chính các trẻ em, cha mẹ, gia đình, nhà trường, xã hội có cái nhìn hiểu biết, hỗ trợ hơn với trẻ em.
Trẻ em được các cơ quan có thẩm quyền các cấp từ Ủy ban nhân dân, Công an; Cơ quan lao động – thương binh và xã hội nhận trách nhiệm xử lý thông tin, thông báo, tố giác liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành.
Khi phát hiện hoặc có thông tin về trẻ bị bạo lực, xâm hại, trong thời gian nhanh nhất tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho 4 đầu mối gồm: Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã; đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69) và Cơ quan lao động - Thương binh và xã hội các cấp.
Khi bị vi phạm, trẻ em thuộc đối tượng được hỗ trợ pháp lý hoặc được cơ quan tố tụng chỉ định luật sư (hoàn toàn miễn phí), được người giám hộ cùng tham gia các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất