Con chưa biết nói, làm sao cha mẹ cảm nhận được trẻ bị bạo hành?
Trẻ em là nhân chứng sống trong việc tố cáo bạo hành. Tuy nhiên, trẻ chưa biết nói gặp khó khăn hơn vì không thể diễn đạt cho cha mẹ những gì đang xảy ra ở nhà trẻ, cũng như chia sẻ cảm xúc của mình. Vậy làm thế nào để cha mẹ biết được con đang bị bạo hành?
Những ngày qua, vụ việc thương tâm khi bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu bạo hành tại điểm mầm non tự phát ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) dẫn tới tử vong gây phẫn nộ trong dư luận.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo hành trẻ em là những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em dưới tất cả các hình thức ngược đãi về thể chất và tinh thần, lạm dụng tình dục, bỏ bê và bóc lột dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy gần 3 trong số 4 trẻ em từ 2-4 tuổi thường xuyên phải chịu hình phạt về thể chất hoặc bạo lực tâm lý dưới bàn tay của cha mẹ và người chăm sóc. Và cứ 5 phụ nữ thì có 1 người cho biết đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Đối với nam giới, con số này là 1 trong số 13 người.
Những hậu quả nghiêm trọng khi trẻ bị bạo hành
Bạo hành trẻ em là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng suốt đời. Theo Trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic (Mỹ), việc trẻ bị lạm dụng, bạo hành hoặc ngược đãi dưới bất kỳ hình thức nào đều để lại những di chứng nghiêm trọng về cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Về mặt thể chất, trẻ bị bạo hành có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như khuyết tật, dễ mắc các bệnh về tim, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, hay lạm dụng chất kích thích,… Thậm chí trẻ có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Xét về góc độ tâm lý, những tổn thương về mặt tinh thần hay rối loạn sức khoẻ tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, trầm cảm,… do bạo hành gây ra chưa thể thấy ngay như về mặt thể xác mà có thể diễn ra trong thời gian dài sau khi trẻ trưởng thành.
Những di chứng này có thể sẽ đi theo trẻ suốt cả cuộc đời và gây ra những hậu quả mà cha mẹ không thể lường trước được như tự tử, bạo lực.
Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, những đứa trẻ bị căng thẳng nghiêm trọng do bạo lực cũng sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài.
Khi các triệu chứng do căng thẳng ở trẻ kéo dài hơn một tháng, gây khó chịu hoặc cản trở các mối quan hệ và hoạt động của trẻ, trẻ có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Ví dụ về các triệu chứng PTSD bao gồm:
- Hồi tưởng lại sự kiện gây tổn thương trong quá khứ.
- Ác mộng và các vấn đề về giấc ngủ.
- Trở nên rất khó chịu khi điều gì đó liên quan đến sự kiện trong ký ức.
- Thiếu cảm xúc tích cực.
- Thiếu tin tưởng vào mọi người.
- Sợ hãi hoặc buồn bã liên tục.
- Hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại.
- Dễ bị giật mình.
- Sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội.
- Tránh những địa điểm hoặc những người liên quan đến sự kiện.
Con chưa biết nói, làm thế nào cha mẹ biết được con đang bị bạo hành?
Làm cha mẹ, sự nhạy cảm và thấu hiểu con cái là điều rất quan trọng. Nếu con chưa biết nói, mới đi nhà trẻ mà đang bị bạo hành hay ngược đãi, cha mẹ có thể nhận ra qua các dấu hiệu sau:
1. Vết bầm tím, trầy xước hoặc vết thương khác không rõ nguyên nhân
Lạm dụng thể chất thường là dấu hiệu lạm dụng dễ nhận thấy nhất. Nếu cha mẹ đưa con mình đến nhà trẻ mà không có vết bầm tím, vết trầy xước hoặc vết thương nào khác, nhưng khi đón con về lại thấy những vết thương không rõ nguyên nhân, điều đó cho thấy con có thể đang bị bạo hành.
Con chưa biết nói nhưng những vết thương này sẽ thấy rõ nhất ở cổ tay, cánh tay, mông, cổ, vai hoặc mặt sau của chân. Ngoài ra, nếu con bị nhạy cảm trước những chuyển động đột ngột, giơ tay lên hoặc thu mình lại khi bị chạm vào, đây là dấu hiệu rõ ràng của việc con đang bị bạo hành thể chất.
2. Con sợ đi học, sợ gặp cô giáo
Cha mẹ cần phải chú ý khi con rất sợ đến nhà trẻ vì sợ gặp cô giáo. Thông thường trẻ sẽ khóc lóc và không chịu vào lớp. Đặc biệt, nỗi sợ này càng tăng cao nếu trẻ nhìn thấy cô giáo, và sẽ khóc lớn hơn. Tuy nhiên, khi cô giáo yêu cầu trẻ ngừng khóc, lúc này trẻ sẽ tỏ ra rất sợ sệt và mếu máo.
Một dấu hiệu khác giúp cha mẹ nhận ra việc con mình có thể đang bị bạo hành là khi cô giáo đón con vào lớp nhưng con sẽ gào khóc thảm thiết hơn và nhoài về phía cha mẹ.
3. Con thay đổi hành vi
Khi con bỗng trở nên thu mình, nhút nhát, chán nản, con có thể đang che giấu điều gì đó.
Ngoài ra, trẻ em đang phải chịu đựng sự bạo hành cũng có thể trở nên hung hăng. Một số biểu hiện bất thường như đá, cắn và cào đều là dấu hiệu cho thấy trẻ đang đối phó với hành vi lạm dụng.
4. Con đói và khát lúc đón
Khi cha mẹ đến đón con, nhưng thấy con đói hoặc khát, có thể con đang bị bỏ bê ở nhà trẻ.
5. Ác mộng diễn ra liên tiếp
Khi những người chăm sóc ở nhà trẻ hành hạ một đứa trẻ, trẻ có thể khó có được một giấc ngủ ngon trọn vẹn. Những người chăm sóc ban ngày ở nhà trẻ có thể bạo hành, ngược đãi trẻ bằng những hành động đáng sợ, để lại hậu quả sang chấn lâu dài.
6. Tã bẩn và hăm tã
Khi cha mẹ đến đón con mà thấy tã con bẩn nhưng không được thay, hoặc con có dấu hiệu bị hăm tã, rất có thể con đang bị bỏ bê ở nhà trẻ.
7. Hội chứng rung lắc (SBS) ở trẻ
Hội chứng rung lắc (SBS) là một chấn thương não nghiêm trọng, thường xảy ra khi người chăm sóc rung lắc trẻ để giải tỏa sự cáu gắt hay thất vọng, thường bởi vì trẻ không ngừng khóc. Hội chứng này phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, và có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Dưới đây là một số triệu chứng giúp cha mẹ nhận ra con mình đang mắc phải hội chứng rung lắc:
- Trẻ lờ đờ, quấy khóc, lơ mơ, ngủ mê.
- Trẻ chán ăn, buồn nôn.
- Hôn mê, co giật.
- Nhịp thở nông, chậm bất thường, không đều.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, hội chứng rung lắc sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở trẻ. Vì vậy, khi thấy con xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ trên, cha mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo WHO, Mayo Clinic, CDC, Carlson
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất