06:57 09/03/2023

Vì sao hai bảo mẫu lại ra tay tàn nhẫn với bé trai 17 tháng tuổi như vậy?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

“Theo tôi, hai bảo mẫu đã chọn nghề mưu sinh không phù hợp với năng lực, tố chất và đam mê nên họ dễ nổi cáu và chỉ muốn những đứa trẻ theo ý mình”, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhận định.

Lời khai của hai bảo mẫu ra tay tàn bạo với bé trai 17 tháng tuổi

Trong quá trình cơ quan chức năng lấy lời khai, đối tượng Nguyễn Thị Lành cho biết, bé trai tính cách vốn không hiếu động, tuy nhiên có những buổi cháu khóc đòi về. Cháu chưa nói được và hoạt động yếu hơn các bạn khác. 

Đối tượng Lành khai báo chỉ đẩy cháu bé do cháu chạy ra ngoài cửa khóc, đối tượng gọi mà cháu không chịu vào.

Đối tượng Nguyễn Thị An khai báo: “Hôm nào đông nhất là chục cháu còn bình thường là 7-8 cháu, cháu lớn là 10 tuổi và cháu bé là 6 tuổi”. Hai đối tượng đi chợ, cho các cháu ăn uống và đón trả trẻ. 

Trước đó, An và Lành đi làm thuê với mức lương hơn 2 triệu - 3 triệu đồng/tháng. 

Đối tượng Nguyễn Thị An xin lỗi gia đình nạn nhân và mong được tha thứ để có thể làm lại cuộc đời, lo cho chồng con sau khi gây ra sự việc đau đớn như trên. 

Vì sao hai bảo mẫu lại ra tay tàn nhẫn với bé trai 17 tháng tuổi như vậy?
Hai đối tượng Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành (phải) (Ảnh: CACC).

Hai bảo mẫu đã "chọn nghề mưu sinh không phù hợp"

Sau sự việc đau lòng, chuyên gia tâm lý Hồng Hương đã có buổi chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam nguyên nhân khiến hai đối tượng ra tay dã man với cháu bé 17 tháng tuổi. 

Theo ý kiến chuyên gia tâm lý Hồng Hương, hai bảo mẫu An và Lành làm công việc cụ thể là mở nhóm trông trẻ để mưu sinh mà không hẳn xuất phát từ tình yêu thương với trẻ. Vì vậy, họ phải đảm nhận rất nhiều ví trí, bên cạnh còn nỗi lo gia đình, cơm áo gạo tiền nên trong suy nghĩ nhiều bộn bề.

“Ai sinh ra cũng muốn trở thành người tốt và chắc hẳn hai đối tượng cũng vậy, quan trọng với tôi họ đã chọn nghề mưu sinh không phù hợp với năng lực, tố chất và đam mê nên họ dễ nổi cáu và chỉ muốn những đứa trẻ theo ý mình mà không chấp nhận được những tâm sinh lý bình thường của trẻ nên dẫn tới những hành vi sai trái”, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhận định.

Bà Hồng Hương cũng chia sẻ thêm, hai đối tượng nhận ra mình không phù hợp với công việc đó nhưng không dám thay đổi dẫn tới những thảm kịch đã xảy ra. Họ không kiểm soát được hành vi và cảm xúc nên đã hành xử với cháu bé 17 tháng tuổi như vậy.

“Từ những vấn đề trong cuộc sống mà tâm của hai cô không an. Nó khác hẳn những giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Họ tự kinh doanh nên nhiều việc phải lo. Từ việc không kiểm soát được cảm xúc của mình nên việc yêu trẻ rất khó”, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nói. 

Giải mã tâm lý 2 bảo mẫu đánh đập bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong

Sau quá trình quan sát thực tế tại nhiều trường mầm non, bà Hồng Hương cũng nhận thấy, các cô giáo rất vất vả, họ thường làm việc quá sức khiến dễ nổi cáu. Khi phải lo lắng quá nhiều sẽ dẫn tới những vấn đề về sức khỏe tinh thần nên đã dẫn tới nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra. 

Vì sao hai bảo mẫu lại ra tay tàn nhẫn với bé trai 17 tháng tuổi như vậy?
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Ảnh: NVCC).

Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học - Bộ Công an) nhận định trên báo Sức khoẻ & Đời sống, đánh giá hành vi của 2 bảo mẫu có "ác tính cao".

"Hành vi bạo hành đã diễn ra trong nhiều ngày chứ không phải là việc nhất thời bột phát của 2 đối tượng, cho thấy nguyên nhân sâu xa thúc đẩy hành vi phạm tội chính là sự suy thoái về đạo đức của họ", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, động cơ của Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) xuất phát từ việc không kiềm chế được cơn giận dữ ở một thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự lệch lạc về nhân cách, sự ích kỷ, vô cảm, độc ác trong tâm lý nội tâm. Khi họ đối mặt, tương tác với tình huống cụ thể, những đặc điểm tiêu cực này mới bộc lộ.

"Khi đã ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích của mình thì con người ta thường phản ứng cực đoan trước những điều không như ý, ở đây là việc trẻ quấy khóc. Những bức xúc tâm lý hình thành rất nhanh và họ đã làm mọi cách để giải tỏa nó", chuyên gia tội phạm học phân tích.

Ông Hiếu cho rằng, khi mầm ác đã có ở trong tâm, người ta thường hướng đến việc sử dụng vũ lực, thay vì lựa chọn các cách giải quyết khác phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và xã hội.

Giáo viên hãy chăm lo sức khoẻ tinh thần của chính mình

Để cải thiện sức khỏe tinh thần cho các giáo viên tránh những vụ việc đau lòng xảy ra, chuyên gia tâm lý Hồng Hương đã đưa ra một số lời khuyên: “Đối với những người công tác trong các ngành liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ tinh thần và thể chất của con người, đặc biệt là các cô giáo cần chú ý tới sức khỏe tinh thần chính mình, bằng cách quan sát bản thân.

Hãy xem mỗi ngày những sự việc đã xảy ra mình có sống vui vẻ hay không. Nếu tần suất cáu giận, buồn, lo lắng từ 2 tuần trở lên lại diễn ra, đó là dấu hiệu về tinh thần của bản thân đã gặp vấn đề”.

"Khi tinh thần gặp vấn đề, điều không như mong muốn xảy ra, bản thân sẽ có những hành vi tệ hại. Nếu quan sát sức khỏe tinh thần bản thân không ổn, cần hỏi chuyên gia tâm lý để hướng dẫn những phương pháp cải thiện, yêu thương bản thân hoặc chia sẻ, tâm sự. Đó cũng là cách giải quyết vấn đề về cảm xúc. Vốn dĩ sức khỏe tinh thần do cách yêu thương bản thân mình", chuyên gia tâm lý Hồng Hương chia sẻ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận