14:57 02/12/2022

Con tôi học đánh răng từ 4-5 tháng tuổi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Đông Vy

Khi nghe chị Ngô Thị Diệp (Long Biên, Hà Nội, mẹ của bé Na 4 tuổi) chia sẻ như vậy, nhiều phụ huynh rất ngạc nhiên với câu hỏi: “Ôi, bé thế biết gì mà tập. Răng còn chưa có cũng nên”.

Thực tế là, bé Na có ý thức đánh răng và còn nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình cần đánh răng vào mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ.

Cắp nách con theo khi đánh răng

Từ khi mang bầu, chị Diệp đọc được một bài viết nước ngoài chia sẻ rằng, “trẻ cần đánh răng khi có chiếc răng đầu tiên” để giúp răng được vệ sinh sạch sẽ sau khi ăn uống.

Chị Diệp nhớ lại, khoảng 4 tháng tuổi, bé Na đã nhú chiếc răng đầu tiên. Chị Diệp cho con làm quen với việc đánh răng bằng cách: Mỗi khi đánh răng vào sáng và tối, chị thường bế con theo cùng. Đối với mỗi bạn nhỏ, nếu ta chỉ dạy bảo một cách khô khan thì rất khó tiếp thu. Vậy nên, trẻ cần được làm quen trước khi thực hành.

tre em
Chị Ngô Thị Diệp và con gái khi cháu 7 tháng tuổi (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Sẵn tính hài hước, người mẹ trẻ tỏ ra thích thú và sung sướng khi “gặp” bàn chải, kem đánh răng, cốc và vòi nước, thậm chí, chị cũng không bỏ qua chiếc gương để giới thiệu và làm trò khiến con vui.

Chị Diệp đã biến mỗi lần đánh răng thành một trò chơi thú vị. Từ đó, chị giới thiệu các đồ vật cần cho việc đánh răng với con cũng như hướng dẫn các bước theo cách hài hước, tự nhiên. Chị vừa nhún nhảy, ca hát và vừa đánh răng, thi thoảng quay sang trêu con.

Với một chiếc miệng đầy bọt trắng xóa, chị Diệp há ra, ngậm vào liên tục và trêu đùa để kích thích sự hứng thú trong con.

Dần dần, người mẹ trẻ bắt đầu hướng dẫn con cầm bàn chải để đánh răng giúp mẹ bằng những động tác đơn giản đẩy ra đẩy vào. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến con thích đi đánh răng theo mẹ. Rèn thói quen khoảng một tháng, chị Diệp mua bàn chải từ chất liệu silicon cho con làm quen.

Kinh nghiệm đúc kết: Bước đầu cần cho trẻ làm quen với việc đánh răng từ sớm bằng những việc làm, lời nói vui vẻ. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải tỏ ra thích thú để kích thích con.

Bí quyết I và A khiến con hào hứng

Khi con gái được khoảng 6-7 tháng, chị Diệp mua bàn chải dạng mềm và kem đánh răng phù hợp cho con. Chị Diệp chia sẻ: “Về kĩ thuật đánh răng, tôi nghĩ cha mẹ nào cũng biết nhưng về cách khiến con thích thú thì chúng ta cần có những cách riêng dành cho mỗi bé. Việc này phải sáng tạo mỗi ngày và không được “hoãn” dù vì lý do gì”.

Để việc đánh răng trở nên thú vị và dễ dàng hơn, chị Diệp đã áp dụng hai chữ cái là I và A khi hai mẹ con đi đánh răng.

Chị hướng dẫn con nói I để đánh sạch bề mặt ngoài của răng. Con nói A để đánh kĩ hơn mặt trong của răng. Chị vận dụng I và A hiệu quả bằng các câu nói dễ thương với tông giọng nhẹ nhàng, vui tươi như: “Nói I đi con. Nào xin chào bạn I. Tớ mang bàn chải đến đánh bay vết bẩn đây” hay “A, A, A nào mình cũng A thật to để chải răng kĩ hơn nào”…

Việc dạy con xúc miệng là gian nan nhất. Cách làm tốt nhất là cha mẹ làm gương và kiên trì. Thêm vào đó, chị Diệp luôn kiểm tra và hỗ trợ con làm sạch răng.

Đôi khi, việc gọi tên các “bạn” xuất hiện trên vỏ kem đánh răng cũng là một “chiêu” hay ho để đưa con đi đánh răng. Ví dụ như trên vỏ tuýp kem đánh răng có hình thỏ sẽ có lời thoại khi cầm tuýp lên: “Xin chào thỏ trắng nhé. Bạn đang trốn ở đâu thế. Cho tớ xin một chút kem đánh răng nào…”

Kinh nghiệm đúc kết: Cha mẹ cần tìm ra những câu chuyện thú vị và trò chơi hấp dẫn liên quan đến việc đánh răng để chơi cùng con khi đánh răng.

day con danh rang
Luôn động viên con bằng những lời nhẹ nhàng, khích lệ tích cực để con chăm chỉ đánh răng (Ảnh: Internet).

Khi con chán đánh răng

Mặc dù, đã gần 4 năm được rèn thói quen đánh răng nhưng vẫn có lúc con chán, quên, lười đánh răng. Sau vài lần bị con từ chối, chị Diệp đã tự rút ra 4 cách để khơi lại tầm quan trọng của việc đánh răng.

Thứ nhất, gợi ý về việc đánh răng trước khi đến giờ. Mục đích để con không quên việc làm quan trọng.

Thứ hai, cho con xem hình ảnh những bạn nhỏ bị sâu răng rồi phân tích cho con về tác hại của việc sâu răng. Thực ra, khi bé nhìn thấy những hình ảnh xấu xí ấy thì con đã tự hiểu rằng, cần phải đánh răng để không bị như vậy.

Thứ ba, kể những câu chuyện liên quan đến các “chú sâu” sẽ bò vào miệng và “cắn” răng như thế nào để nâng cao ý thức tự đánh răng.

Thứ tư, luôn động viên con bằng những lời nhẹ nhàng, khích lệ tích cực để con chăm chỉ đánh răng như: “Ai muốn răng đẹp, răng xinh nào”, “Một đoàn tàu nhỏ tí xíu nối đuôi nhau đi đánh răng, răng trắng, răng xinh ơi”, “Con ơi, con là một em bé có ý thức vệ sinh răng miệng để sạch sẽ hay một người lười biếng miệng hôi, răng bẩn nhỉ”…

Kinh nghiệm đúc kết: Cha mẹ cần kỉ luật mềm và luôn bình tĩnh cũng như kiên nhẫn mỗi khi con thiếu hợp tác. Cha mẹ nên tránh dọa nát, cáu gắt và mắng khiến trẻ tổn thương, coi đánh răng là cực hình.

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận