15:16 30/09/2022

Đề xuất chi 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên (t/h)

Bộ GD&ĐT đang đề xuất phương án trích ngân sách 3.500 tỉ đồng mua sách giáo khoa đáp ứng 70% nhu cầu học sinh.

sgk
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng sách giáo khoa mới in 4 màu theo yêu cầu của chương trình chứ không phải "tùy hứng". Ảnh: Thanh niên

Tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông hôm 29/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, bộ này đã giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.

Có 3 phương án được đưa ra, một là nhà nước mua 100%; hai là nhà nước mua 70% số sách giáo khoa theo nhu cầu; ba là mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo mượn như hiện nay.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, qua phân tích, đánh giá, Bộ GD&ĐT chọn phương án 2 là nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh, bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua sách giáo khoa sử dụng riêng.

Qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỉ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

Cũng theo ông Thưởng, nếu thực hiện được thì sẽ giải quyết được những bức xúc về giá sách giáo khoa, con em vẫn được học những cuốn sách giáo khoa tốt, không bị căn bệnh học đường do ảnh hưởng về giấy và chất lượng in sách giáo khoa.

Về giá sách giáo khoa mới, việc in màu là nguyên nhân khiến giá sách tăng cao, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: "Sách in 4 màu không phải “phú quý sinh lễ nghĩa”, không phải “tùy hứng” mà yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới phải từng này mầu, từng này chữ chứ không phải tiết giảm tối đa".

Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3, 7 và 10.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận