Góp sức trẻ bằng nghiên cứu vật liệu y sinh vì sức khỏe cộng đồng
Với mối quan tâm đặc biệt đến sức khỏe cộng đồng, nữ sinh Tạ Ngọc Minh Châu, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM) đã miệt mài theo đuổi nghiên cứu vật liệu y sinh, mong muốn góp phần tạo ra những giải pháp tối ưu cho hệ thống y tế hiện đại.
Đam mê nghiên cứu bắt nguồn từ nhà
Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y, Minh Châu sớm được tiếp xúc với “kho tài nguyên” kiến thức và những vấn đề của ngành một cách tự nhiên. Bắt đầu từ những kiến thức đơn giản như cách sống khỏe, phòng bệnh, đến những cuộc trò chuyện chuyên sâu về ca bệnh và vấn đề y tế, Châu dần hình thành tư duy và nhận thức rõ ràng hơn về lĩnh vực này. Đó chính là nguồn cảm hứng đưa cô tới những nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng.
“Ba mẹ mình đều làm trong lĩnh vực y tế, họ là những người đầu tiên truyền đạt kiến thức cho mình. Có điều gì chưa hiểu, mình luôn có thể hỏi ba mẹ, nên việc tiếp cận kiến thức không gò bó, không khó khăn. Nhờ vậy, mình mới có đủ ‘chất liệu’ để tự tin theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học liên quan tới y khoa”, Châu nói.

Thông qua nghiên cứu khoa học, Châu có cơ hội chủ động học được nhiều điều mới mẻ. Mỗi nghiên cứu không chỉ mang tới cho Châu một góc nhìn mới, mà còn mở ra những quan điểm trước đó cô chưa từng nghĩ đến.
“Mình nhận ra kiến thức là vô hạn và hành trình tìm kiếm lời giải cho một vấn đề sẽ chưa dừng lại cho đến khi mình thật sự hiểu thấu đáo về nó”, nữ sinh bày tỏ.
Với Châu, nghiên cứu khoa học không phải là lĩnh vực khô khan hay nhàm chán, mà giống như một câu đố đầy hấp dẫn. Dù có lúc mệt mỏi khi mãi chưa tìm được lời giải, cô vẫn bị thôi thúc bởi khát khao chinh phục sẽ trở thành người đưa ra đáp án cuối cùng.
Châu mong muốn được làm việc thực tế trong môi trường doanh nghiệp để có cơ hội tiếp cận trực tiếp với thị trường và hiểu rõ hơn nhu cầu thực sự của khách hàng. Cô cho rằng, khi kết hợp trải nghiệm thực tiễn với nền tảng kiến thức và kết quả nghiên cứu đã tích lũy sẽ có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp, thiết thực và mang lại giá trị cao.
“Với mình, khoa học chỉ thật sự có ý nghĩa khi gắn liền với con người và giải quyết được những vấn đề mà họ đang đối mặt trong cuộc sống”, Châu nói thêm.

Nghiên cứu hợp chất magie ứng dụng trong y khoa
Nhận thấy những hạn chế của việc lựa chọn vật liệu được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình, Châu đã bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp mới. Đó cũng là lý do cô tham gia nghiên cứu tiềm năng của hợp kim magie trong vai trò là vật liệu tương thích sinh học, có khả năng phân hủy sinh học, ứng dụng để sản xuất nẹp và vít trong chấn thương chỉnh hình.
Nghiên cứu hướng tới mục tiêu mở rộng lựa chọn vật liệu cấy ghép xương, bên cạnh các vật liệu đang được sử dụng như thép không gỉ hay hợp kim titan. Bởi, dù các loại đinh, nẹp, vít làm từ những vật liệu này có độ bền cơ học cao và đáp ứng tốt yêu cầu cố định xương gãy, nhưng sau khi xương hồi phục, bệnh nhân vẫn phải trải qua một ca phẫu thuật thứ hai để lấy thiết bị ra khỏi cơ thể.
Trong khi đó, hợp kim magie không chỉ sở hữu đặc tính cơ học phù hợp, mà còn có khả năng phân hủy sinh học. Nhờ đó, bệnh nhân có thể tránh được phẫu thuật lần hai sau khi xương lành, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế và tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh.

Châu cho biết, nghiên cứu được thực hiện dưới dạng tổng quan, dựa trên những tài liệu thu thập liên quan đến đề tài để đánh giá tiềm năng của hợp kim magie. Đồng thời, nhận diện những thách thức cần tiếp tục nghiên cứu trước khi có thể ứng dụng rộng trong vật liệu cấy ghép.
Mặc dù, hợp kim magie được đánh giá là vật liệu phân hủy sinh học có triển vọng, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức về đặc tính vật liệu cũng như khả năng được thị trường chấp nhận. Do đó, việc đặt ra các viễn cảnh rủi ro và đề xuất hướng giải quyết phù hợp là điều cần thiết để hướng tới ứng dụng thực tiễn.
“Mình tin rằng, vật liệu này có thể mang lại lợi ích lớn về cả mặt sinh học lẫn kinh tế cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để ứng dụng thực tế và thương mại hóa, cần một quá trình dài hạn, nhằm đánh giá sự tương thích sinh học một cách toàn diện. Việc cân nhắc giữa thời gian phân hủy của vật liệu và thời gian lành của xương là điểm đặc biệt quan trọng”, Châu chia sẻ.
Bên cạnh nghiên cứu về hợp chất magie, Châu còn là tác giả và đồng tác giả của một số nghiên cứu khác. Cụ thể, Châu là tác giả của “Thiết kế hệ thống chụp đa quang phổ sử dụng bước sóng khả kiến và hồng ngoại để đánh giá thực phẩm không xâm lấn” báo cáo tại hội nghị International Symposium on Applied Science 2022; tác giả “Nghiên cứu khả năng hấp phụ hydro trên các vị trí của bề mặt Germanene hai chiều có cấu trúc bát giác” báo cáo tại hội nghị The 14th OISP Science and Technology Symposium for Students; đồng tác giả “Tối ưu hóa bước sóng cận hồng ngoại để đánh giá chất lượng trái cây dựa trên phương pháp quang học bằng mô phỏng Monte Carlo” báo cáo tại hội nghị 9th International Conference on the Development of Biomedical Engineering in Vietnam.
Chia sẻ về dự định tương lai, Minh Châu cho hay, cô đang ấp ủ những kế hoạch “bí mật” để từng bước phát triển sự nghiệp của mình. Tháng 4 vừa qua, cô cũng đã xuất sắc hoàn thành sớm chương trình đại học của mình với tấm bằng cử nhân loại Giỏi.
Một số thành tựu nổi bật của Tạ Ngọc Minh Châu:
Giải nhất cuộc thi “One Health Contest 2023” do Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (RCID) tổ chức.
Giải ba cuộc thi “The 14th OISP Science and Technology Symposium for Students” do Văn phòng Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức.
Top 20 nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2024.
Danh hiệu Sinh viên 5 Tốt cấp Trung Ương năm 2024.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất