10:28 09/11/2022

Hà Nội truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trường học

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể trường học, ngoài kiểm tra điều kiện thực tế tại các bữa ăn bán trú, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm trong chế biến các món ăn cho học sinh tại nhà trường.

Kiểm tra, giám sát chặt thực phẩm đầu vào

Huyện Đan Phượng có 18 trường mầm non với tổng số hơn 110.100 trẻ ăn bán trú; 100 % trường mầm non đã áp dụng tính khẩu phần ăn bằng phần mềm quản lý dinh dưỡng, đảm bảo định lượng và cân đối dinh dưỡng. Việc kiểm tra, giám sát các quy định về ATTP tại các trường bán trú được thực hiện nghiêm. Đây là những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển mạnh về tầm vóc và thể lực.

tieu-hoc-tan-lap-a3
Bữa ăn bán trú của học sinh trường Tiểu học Tân Lập A, huyện Đan Phượng.

Tại Trường Mầm non Đan Phượng, huyện Đan Phượng, trung bình mỗi ngày, có 633 học sinh ăn bán trú. Tại đây, học sinh được ăn các món ăn đa dạng, phong phú và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bữa ăn của học sinh được đảm bảo ít nhất 15 loại thực phẩm/ngày. Các thực phẩm đều là những thực phẩm sạch, tươi sống được các công ty cung ứng thực phẩm đưa đến. Nhà trường cho biết, để đảm bảo ATTP, đầu vào được ký kết với đơn vị có uy tín. Việc giao nhận thực phẩm hàng ngày được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng chất lượng như cam kết. Thực đơn được tính theo tuần chẵn và tuần lẻ, được chạy trên phần mềm tính khẩu phần ăn để đảm bảo cân đối dinh dưỡng hàng tháng.

Tương tự, Trường Mầm non Tân Hội B, huyện Đan Phượng đã luôn thực hiện tốt các quy định về ATTP, từ khâu chọn lựa thực phẩm đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến khâu chế biến, tổ chức bữa ăn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng và dinh dưỡng. Toàn bộ khu vực nấu ăn được đầu tư các dụng cụ tiện nghi hiện đại. Nhà bếp được chia 3 khu riêng biệt (khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn chín).

Bếp thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, có hệ thống lưới chắn côn trùng ở các cửa. Đội ngũ nhân viên của nhà bếp cũng như giáo viên thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATTP. Thực đơn thực phẩm hàng ngày thường xuyên được thay đổi phong phú, đảm bảo đầy đủ và cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng.

Còn tại Trường Tiểu học Tân Lập A, huyện Đan Phượng, việc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cũng như ATTP được nhà trường quan tâm. Việc cung cấp thực phẩm đầu vào được kiểm tra, giám sát chặt chẽ bởi Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, thanh tra Nhân dân, giáo viên và phụ huynh học sinh đảm bảo thực phẩm của nhà cung cấp phải tươi ngon, đủ định lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bếp nấu theo nguyên tắc một chiều, các đồ dùng, trang thiết bị được vệ sinh sạch sẽ. Quy trình sơ chế, chế biến, nấu ăn chia khẩu phần ăn và lưu mẫu thức ăn được thực hiện theo đúng quy định về đảm bảo ATTP. Thực đơn được thay đổi hàng ngày, tránh lặp lại trong một tuần thực phẩm đa dạng, đầy đủ các chất, nhờ đó bữa ăn của 555 học sinh được đảm bảo chất lượng.

mn-dan-phuong2
Bếp ăn tập thể trường Mầm non Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Quyết liệt trong truy xuất nguồn gốc, không để xảy ra sự cố

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho học sinh. Qua kiểm tra tại Trường Tiểu học Gia Thụy, quận Long Biên, có 1.700 học sinh ăn bán trú/ngày cho thấy, nhà trường và cơ quan chuyên môn luôn sát sao trong quá trình nấu ăn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bếp ăn cung cấp các suất ăn cho học sinh tuân thủ quy định về bảo đảm ATTP. Ngoài ra, nhà trường cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.

Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, hiện nay, quận Long Biên có 63/63 trường công lập có bếp ăn bán trú triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học”. Các trường đã thành lập và duy trì hoạt động của Tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được đưa vào bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, các trường phải thực hiện việc công khai nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm và bản cam kết ATTP.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, hiện toàn TP có 4.350 bếp ăn bán trú trường học. Trong đó, 3.911 trường tự tổ chức nấu; 353 trường liên kết ký hợp đồng nhà đầu kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó, 212 nhà thầu với địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường; 141 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường); 86 trường ký hợp đồng cung cấp thức ăn sẵn ở ngoài mang đến.

Từ đầu năm đến nay, toàn TP thành lập hơn 900 đoàn thanh kiểm tra, giám sát ATTP 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn bán trú khu công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền phạt là 132 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát bếp ăn tập thể trường học tại 5 quận 5 huyện với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người…, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Chính quyền các cấp, ngành Công thương, Nông nghiệp cần quyết liệt trong quá trình truy xuất nguồn gốc bởi các đơn vị cung ứng thực phẩm, lấy nhiều nguồn hàng từ nội địa, ngoại địa nhập vào bếp ăn trường học, không để xảy ra sự cố mất ATTP trong trường học.

“Đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các bếp ăn trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm về ATTP, có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn trường học. Với các nhà trường phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đơn vị cung cấp phải chấp hành các quy định về ATTP” - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh.

Theo kinhtedothi

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận