Hãy là người tiêu dùng thông thái đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ mùa Trung thu
Mong rằng, với sự cẩn trọng của các bậc phụ huynh, trở thành những người tiêu dùng thông thái, các em nhỏ sẽ có một Tết Trung thu vui, an toàn, ấm áp bên những người thân yêu.
Bài viết này thuộc chuyên đề Trung thu yêu thương 2024
Tết Trung thu là dịp người lớn tự nhắc nhở mình quan tâm hơn tới trẻ em bằng tình yêu, trách nhiệm và hành động thiết thực, đặc biệt là các cháu hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ… để mọi trẻ em được đón Tết Trung thu ấm áp yêu thương.
Tết Trung thu truyền thống vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hằng năm là dịp để các em nhỏ được quây quần bên gia đình, ông bà, cha mẹ, cùng vui chơi, rước đèn, múa lân, phá cỗ dưới ánh trăng với bánh nướng, bánh dẻo... Càng gần đến ngày Tết Trung thu, sức tiêu thụ của các mặt hàng như bánh Trung thu, bánh kẹo, nước ngọt... càng lớn.
Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thời điểm Tết Trung thu, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị UBND các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Cụ thể, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Đồng thời, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Lưu ý trong lựa chọn, bảo quản bánh Trung thu
Theo Cục An toàn thực phẩm, giống như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình sản xuất, xử lý và bảo quản bánh Trung thu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm do sự đa dạng của các nguyên liệu được sử dụng trong bánh Trung thu.
Nguy cơ nấm mốc, việc sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng, chất bảo quản hóa học và ô nhiễm vi sinh đều có thể xảy ra nếu quá trình sản xuất hoặc bảo quản không đúng cách. Để có những chiếc bánh Trung thu an toàn tới người tiêu dùng, các công ty kinh doanh phải đảm bảo bánh Trung thu nhập khẩu, sản xuất và bán là an toàn cho người tiêu dùng, cần phải áp dụng quy trình sản xuất và bảo quản đảm bảo an toàn, nhập thực phẩm cũng như các nguyên liệu đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm.
Lưu ý về nhập bánh Trung thu: Nguồn nhập bánh Trung thu từ những người bán, cơ sở có uy tín, tuân thủ các quy trình xử lý thực phẩm tốt.
Chế biến bánh Trung thu: Phải mua nguyên liệu từ những nguồn đảm bảo, có uy tín, tuân thủ các bước thực hành vệ sinh tốt để tránh lây nhiễm chéo và rửa tay trước khi xử lý các thành phần bánh. Ngoài ra, đảm bảo các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm được giữ sạch sẽ và vệ sinh; bảo quản bột bánh ở nơi khô ráo để tránh nấm mốc phát triển.
Bảo quản và tiêu thụ bánh Trung thu: Cần chú ý đến hướng dẫn bảo quản và sử dụng bánh trước khi hết hạn sử dụng ghi trên bao bì.
- Nếu bánh Trung thu truyền thống không đựng trong bao bì kín thì nên bảo quản trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát.
- Bánh Trung thu nhân kem nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh và ăn ngay sau khi mở hộp; không đông lạnh lại bánh Trung thu sau khi đã rã đông; tuyệt đối không được ăn bánh Trung thu đã đổi màu hoặc có mùi khó chịu.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy cùng thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và đặc biệt, chỉ mua và sử dụng bánh Trung thu bảo đảm vệ sinh.
Mong rằng, với sự cẩn trọng của các bậc phụ huynh, trở thành những người tiêu dùng thông thái, các em nhỏ sẽ có một Tết Trung thu vui, an toàn, ấm áp bên những người thân yêu.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất