06:38 08/04/2025

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tổ chức xã hội uy tín với sứ mệnh bảo vệ trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phú Bình

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội tự nguyện, trải qua 17 năm hình thành và phát triển (8/4/2008 - 8/4/2025) đã vận động lập được 27 hội thành viên ở 27 tỉnh, thành phố, với hàng chục nghìn hội viên.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-BNV ngày 8/4/2008 của Bộ Nội vụ. Hội ra đời với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức tại Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động, phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Vai trò, trách nhiệm của Hội đã được pháp luật quy định.

Ngày 11/08/2007, Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN tổ chức phiên họp thứ nhất tại Hà Nội với 32 đại biểu tham dự (Ảnh: HBVQTEVN).
Ngày 11/8/2007, Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN tổ chức phiên họp thứ nhất tại Hà Nội với 32 đại biểu tham dự (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, từ một tổ chức xã hội tự nguyện, tự chủ hoàn toàn với hơn 147 hội viên, đến nay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã vận động thành lập được 27 hội thành viên ở 27 tỉnh, thành phố; 5 đơn vị pháp nhân trực thuộc, trong đó 4 trung tâm và 1 Tạp chí Trẻ em Việt Nam; với hàng chục nghìn hội viên và tập hợp được đội ngũ chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong công tác trẻ em.

Từ khi thành lập đến nay, Hội BVQTEVN luôn được các cơ quan Nhà nước tin tưởng, tham khảo ý kiến trong các vấn đề liên quan đến trẻ em, được các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế về trẻ em, các cơ quan truyền thông tôn trọng và coi như một đầu mối - tổ chức xã hội đại diện cho tiếng nói của trẻ em.

Năm 2017, Ủy ban Quốc gia về trẻ em được thành lập và Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng là thành viên chính thức của Ủy ban.

Từ khi thành lập, Hội luôn được các cơ quan Nhà nước tin tưởng, tham khảo ý kiến trong các vấn đề liên quan đến trẻ em
Từ khi thành lập, Hội BVQTEVN luôn được các cơ quan Nhà nước tin tưởng, tham khảo ý kiến trong các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Riêng trong năm 2024, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ 4 Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 theo phương châm “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em”. 100% văn bản đề nghị góp ý được gửi về Hội đều được Hội góp ý kiến. Cụ thể, Hội đã góp ý 12 văn bản (6 Luật, 4 Nghị định, 2 Quyết định của Chính phủ): Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình…

Nhiều ý kiến của Hội đã được tiếp thu và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, được các cơ quan có thẩm quyền thông qua ý kiến góp ý của Hội, có thể kể đến việc tăng tuổi trẻ em tham gia giao thông cùng người lớn khi ngồi trên các phương tiện giao thông bắt buộc phải có mũ bảo hiểm hoặc ghế ngồi phù hợp độ tuổi khi ngồi trên ô tô đã được tiếp thu trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7; hoặc một số ý kiến góp ý của Hội về việc cần cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho trẻ em đã được ghi nhận và tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Hội cũng thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, để trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà các em quan tâm, thông qua các hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em về an toàn của trẻ khi ngồi trên các phương tiện giao thông đường bộ; tiêu chuẩn xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; “Sáng kiến trẻ em” về sử dụng AI trong cuộc sống; tư vấn cho Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2;… Đặc biệt 41 ý kiến của trẻ em được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, bổ sung là một trong những tài liệu quan trọng khi trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 06/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

4
Hội BVQTEVN chủ trì tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em về thực hiện quyền trẻ năm 2024.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội BVQTEVN, năm 2025 là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2023-2028, Hội tiếp tục đổi mới hoạt động, ưu tiên thực hiện các mục tiêu chiến lược với phương châm hành động trên toàn hệ thống cơ sở Hội “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em” nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Hội sẽ bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực liên quan tới trẻ em để thực hiện nhiệm vụ của Hội.

Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội BVQTEVN nhiệm kỳ 2023-2028 tổ chức ngày 11/3/2025 cũng xác định thời gian tới, Hội sẽ đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần quan tâm lồng ghép Bảo vệ quyền trẻ em theo hướng bổ sung nhiệm vụ đối với các Hội có chức năng phù hợp để vừa đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa thực hiện được chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các địa phương.

Chú trọng công tác phát triển hội viên cá nhân; phát triển chi hội ở những nơi chưa có tổ chức Hội và tại các địa phương; củng cố và kiện toàn Câu lạc bộ nhà báo bảo vệ quyền trẻ em, tăng cường kết nối với người làm truyền thông trên mạng xã hội tham gia vào truyền thông về bảo vệ trẻ em..

Tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, hội địa phương tổ chức tập huấn tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội, mạng lưới xã hội tham gia bảo vệ trẻ em năm 2025; mở rộng mô hình truyền thông bảo vệ trẻ em và tuyên truyền pháp luật thông qua “Phiên toà giả định” ở các địa phương.

Kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em về đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật gửi đến các cơ quan nhà nước, ban soạn thảo để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về quyền trẻ em.

Thông qua các hoạt động triển khai tại cộng đồng, lồng ghép truyền thông bảo vệ quyền trẻ em với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tiếp tục chỉ đạo Tạp chí Trẻ em Việt Nam tập trung truyền thông về bảo vệ quyền trẻ em cập nhật kịp thời về các hoạt động bảo vệ trẻ em ở các địa phương, lập thêm mục hỏi đáp về pháp luật bảo vệ trẻ em.

Song song với đó, phát huy kết quả đạt được từ các cuộc thi thu hút sự tham gia trong trường học, tiếp tục tổ chức trong năm 2025 mở rộng quy mô, thu hút sự tham gia của các đơn vị trường học, học sinh trong toàn quốc hưởng ứng.

Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong và ngoài nước về bảo vệ trẻ em; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam về bảo vệ trẻ em; xây dựng các đề xuất dự án để tìm kiếm nguồn hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, đối tác quốc tế trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa, những ưu tiên trong hoạt động của Hội nhằm hướng tới thúc đẩy nhận thức của mỗi người dân từ trong gia đình đến ngoài xã hội về quyền trẻ em và trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận