10:32 03/02/2023

Kinh nghiệm triển khai mô hình phòng tham vấn tâm lý trong trường học

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lê Thị Mỹ Lanh - Nguyễn Thị Hiên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vấn đề sức khỏe tinh thần, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh càng được xã hội quan tâm. Sự hỗ trợ kịp thời về tinh thần từ mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường giúp các em có kỹ năng đương đầu với khó khăn và phát triển tốt hơn trong tương lai.

Để tìm hiểu rõ hơn về kinh nghiệm triển khai các hoạt động này, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Lê Thu Trang - Cán bộ điều phối các dự án về sức khoẻ tinh thần cho học sinh của Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam. Đồng thời chị cũng đang tham gia dự án phát triển Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học giai đoạn 2022-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

kinh nghiem
Chị Lê Thu Trang - Cán bộ điều phối các dự án về sức khoẻ tinh thần cho học sinh của Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Với kinh nghiệm triển khai các dự án liên quan đến sức khoẻ tinh thần cho học sinh, chị nhận thấy những vấn đề các em đang đối diện là gì?

Sau 4 năm triển khai các dự án nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần cho học sinh, tổ chức GNI đã trực tiếp hỗ trợ thiết lập và vận hành phòng tham vấn học đường (PTVHĐ) theo mô hình 3C “Chuyên môn - chuyên nghiệp - chuyên trách” tại 6 trường THCS trong và ngoài công lập tại Hà Nội. Các phòng tham vấn đã tiếp cận hỗ trợ cho hơn 3.000 học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh với hơn 5.000 lượt tham vấn.

Khảo sát sàng lọc của chúng tôi được thực hiện vào đầu mỗi dự án cho thấy có khoảng từ 10-12% số học sinh được khảo sát có nguy cơ rối loạn cảm xúc.

Trong đó, tỷ lệ ở các em nữ cao hơn ở các em nam. Chúng tôi nhận thấy, các nhóm vấn đề mà học sinh thường có nhu cầu tham vấn và hỗ trợ đó là: Học tập, hướng nghiệp, mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ với cha mẹ. Một số nhỏ học sinh có nguy cơ trầm cảm, trải qua bạo lực hay xâm hại.

Trong quá trình vận hành PTVHD, chị nhận thấy các thuận lợi lớn nhất là gì?

Đầu tiên đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT về lĩnh vực này. Bên cạnh thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh thì ngày 31/8/2022, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn số 4252/BGDĐT - GDCTHSSV về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Tiếp theo, nhu cầu tìm hiểu về tâm lý, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần ngày càng tăng. Sự thấu hiểu, phối hợp chặt chẽ của Ban giám hiệu ở trường dự án đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc triển khai các hoạt động tới toàn bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Ngoài ra, chúng tôi đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ rất lớn đến từ đội ngũ các chuyên gia về tâm lý, công tác xã hội đến từ các trường đại học trong và ngoài nước.

2 Hội thảo chia se?
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường của tổ chức GNI và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2021 (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh đó, chị và cộng sự có gặp phải khó khăn gì không, nhóm dự án đã khắc phục ra sao?

Mô hình PTVHĐ còn khá mới mẻ tại nước ta. Do đó, khi bắt đầu hỗ trợ vận hành mô hình này, chúng tôi cũng không có một tiêu chuẩn nào để căn cứ mà cần nhiều thời gian để tham khảo mô hình ở các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc.

Hoạt động của PTVHĐ ban đầu cũng nhận được nhiều hoài nghi về chất lượng nhân sự, nội dung hoạt động, tính hiệu quả. Cùng với sự nhận thức chưa đồng bộ ở tất cả các nhóm đối tượng trong trường học nên dẫn đến các suy nghĩ rằng: “Con đến phòng tham vấn thì phải có vấn đề”, hay “tâm lý bất ổn nên mới phải vào đó”,... Với vấn đề này, chúng tôi đã cho triển khai việc truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức bài bản, đồng bộ.

Các thông tin về chức năng, hoạt động của PTVHĐ được thiết kế bắt mắt, thân thiện với nhiều hình thức khác nhau để truyền tải thông qua các buổi làm việc trong lớp học, các kênh truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,...

Hơn hết, sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ nhân sự vừa giàu kinh nghiệm, vừa gần gũi với học sinh chính là chìa khóa quan trọng để hình ảnh PTVHĐ trở nên thân thiện, tin cậy.

Việc lựa chọn đội ngũ chuyên viên tham vấn phù hợp cũng là một khó khăn của chúng tôi khi mà công việc tại PTVHĐ yêu cầu nhân sự có kiến thức và nhiều kỹ năng khác nhau. Đặc biệt là kinh nghiệm trong thực hành tâm lý.

3 Dieu em muon noi
Tại trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội), các em được chia sẻ cảm xúc của mình với “Điều em muốn nói” (Ảnh: Hương Giang).

Để triển khai hoạt động của PTVHĐ một cách hiệu quả, theo chị, cần thêm những điều kiện gì?

Hoạt động của PTVHĐ sẽ hiệu quả hơn nếu có các vị trí việc làm chuyên trách trong trường học. Nghĩa là sẽ có nhân sự phụ trách toàn thời gian, có chuyên môn về tâm lý học đường để triển khai bài bản các hoạt động từ khảo sát sàng lọc, tham vấn, tổ chức hoạt động nhóm, hoạt động phòng ngừa toàn trường đến tư vấn chiến lược cho Ban Giám hiệu.

Hiện nay, với hệ thống các văn bản chính sách liên quan sẽ thuận lợi hơn khi có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể về yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu trong PTVHĐ, cách bố trí phòng hay quy trình tiếp nhận, hỗ trợ học sinh, quản lý hồ sơ sổ sách liên quan. Cũng cần có danh sách các địa chỉ chuyên gia/trung tâm/cơ sở hỗ trợ, trị liệu tâm lý uy tín, được cấp phép để các cơ sở tham khảo, kết nối, chuyển gửi khi cần thiết.

Cuối cùng, cần truyền thông nhằm nâng cao nhận thức đồng bộ cho cộng đồng về sức khoẻ tinh thần nói chung và sức khoẻ tinh thần trong học đường nói riêng để việc hỗ trợ học sinh, giáo viên, phụ huynh được thực hiện tốt nhất.

Xin cảm ơn chị!

Good Neighbors International (GNI) là một tổ chức phi chính phủ nhân đạo và phát triển quốc tế được thành lập tại Hàn Quốc năm 1991, hiện đang hoạt động ở 48 Quốc gia trên thế giới, tập trung vào Phát triển Cộng đồng và Bảo vệ Trẻ em. 

GNI chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005 và đang triển khai các dự án Phát triển Cộng đồng tại 06 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Giang và TPHCM với gần 17.000 trẻ bảo trợ và hơn 200.000 người dân được hưởng lợi từ các dự án. Bên cạnh đó, GNI đã thực hiện cứu trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai, trao tặng hàng viện trợ và nhu yếu phẩm cho 26 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận