06:05 31/01/2023

Hành trình lay động hàng triệu trái tim của người mẹ cùng con chinh phục chứng rối loạn phổ tự kỷ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Khi bác sĩ chẩn đoán con gái 3 tuổi rối loạn phổ tự kỷ, mọi hy vọng nhỏ nhoi rằng con chỉ chậm nói bị dập tắt hoàn toàn, chị M. cảm thấy mọi thứ dường như sụp đổ. Nhưng không để bản thân chìm đắm trong sự tuyệt vọng quá lâu, vì con, chị M. quyết tâm cố gắng, nỗ lực vực dậy tinh thần, tiếp tục tìm cách đồng hành cùng con vượt qua tất cả. 

Từ tuyệt vọng đến quyết tâm cùng con chinh phục chứng rối loạn phổ tự kỷ

Phát hiện con là một “em bé đặc biệt” khi mới 2 tuổi, với chẩn đoán ban đầu của bác sĩ là “chậm nói đơn thuần, mọi mặt của con chỉ tương đương với mốc của các bé 1 tuổi”. Chị M. được khuyên nên đưa bé đi học can thiệp để cải thiện khả năng ngôn ngữ.

Tới năm con tròn 3 tuổi, chị M. quyết định đưa con ra Hà Nội, đến bệnh viện khám lại và bác sĩ chẩn đoán con rối loạn phổ tự kỷ, chị M. suy sụp, mọi thứ dường như sụp đổ ngay trước mắt.

“Bản thân tôi trước đây luôn nuôi 5% hi vọng nhỏ nhoi rằng con chỉ là chậm nói, nhưng khi bác sĩ chẩn đoán đúng với 95% suy nghĩ còn lại, bản thân tôi như rơi vào bế tắc, tôi cảm thấy tuyệt vọng vô cùng”, chị M. tâm sự. 

Mặc dù cũng phải mất một khoảng thời gian để lấy lại được cân bằng, dừng khóc và tiếp tục tìm cách đồng hành cùng con, chị M. hiểu rằng, việc ưu tiên hơn cả là phải giúp con giảm áp lực các hội chứng tâm lý và các rối loạn. Chị M. dần dần đưa con đến nơi có người lạ nhiều hơn, từ nhà bạn đến các quán ăn, thậm chí cả cơ quan làm việc.

“Thời gian đầu con khóc và sợ sệt nhiều lắm, nhưng cùng sự kiên trì, con đã có sự cải thiện rõ rệt, tới giờ con đã tự động chào người lạ và thoải mái vào nhà các cô chú, bạn của mẹ”, chị M. chia sẻ. 

Dạy con
Một sự thay đổi nhỏ của con là cả một quá trình hai mẹ con cùng cố gắng (Ảnh minh họa, thiết kế: Hoài Linh).

Ngoài học can thiệp ở trung tâm, chị M. đã nhờ các cô ở lớp lắng nghe con hơn, đồng hành cùng mẹ xoa dịu những cảm xúc bất ổn của con.

“May mắn tôi được các cô trong lớp mầm non ủng hộ rất nhiều, dù con có ăn vạ hàng trăm lần nhưng không lần nào cô quát mắng mà tìm cách điều hòa, dỗ dành con”, chị M. nói. 

Khi ở nhà, thấy con thường khóc và ăn vạ, chị M. thử tách con hoàn toàn với gia đình, không ngờ con không còn khóc và ăn vạ nữa. Từ đó, chị M. nhận ra rằng con cảm thấy an toàn hơn khi thế giới chỉ có hai mẹ con. Chị M. chia sẻ, các bé rối loạn phổ tự kỷ hoàn toàn có thể bị thoái lui, tình trạng có thể càng ngày càng nặng nếu không được can thiệp đúng cách và kịp thời. 

“Các con sẽ tiếp thu hiệu quả hơn với những gì các con thích và với một tâm trạng vui vẻ. Sự kiên trì là liều thuốc tốt nhất mà các mẹ có thể dành cho con”, chị M. cho hay.

“Mẹ luôn tin con gái mẹ sẽ làm được”

May mắn sau 7 tháng cùng cố gắng, nỗ lực, con đã có những cải thiện ban đầu.

“Con đã nói và trình bày được mong muốn của mình bằng cách nối 5 từ mỗi câu, hay biết hỏi mẹ những câu đơn giản như: Mẹ làm gì đó? Cái gì đây?,... Hoặc con đã biết tự đi vệ sinh, con biết chào người lạ và tương tác bằng mắt tốt hơn, biết được những việc không nên làm và kiểm soát được hành vi phù hợp,...”, chị M. bày tỏ niềm vui. 

ben con tu ky 1
"Con đã nói và trình bày được mong muốn của mình bằng cách nối 5 từ mỗi câu, hay biết hỏi mẹ những câu đơn giản" (Ảnh minh họa thiết kế: Hoài Linh).

Hiện tại bé đã 3 tuổi rưỡi và điều khiến chị M. hạnh phúc nhất chính là con không còn khóc ăn vạ nữa, chỉ mè nheo như các bạn bình thường. Nếu bé khóc, chị M. sẽ ôm và lau nước mắt, chọc một chút là bé cười ngay.

Chị M. tin rằng nếu tiếp tục kiên trì và cố gắng tìm những phương pháp phù hợp cho từng giai đoạn, con sẽ cải thiện được đến 80% như một em bé bình thường.

“Những gì con đang làm được, chỉ mới bằng em bé 2 tuổi hơn. Nhưng là cả sự cố gắng, nỗ lực và thành công của cả hai mẹ con. Mỗi sự cải thiện của con, là động lực để mẹ thay đổi và tiếp tục đồng hành không buông bỏ”, chị M. bày tỏ. 

Là một người mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ, hơn ai hết chị M. đồng cảm và thấu hiểu được nỗi lòng của các bậc làm cha, làm mẹ có cùng hoàn cảnh. Chị M. mong rằng cha mẹ đừng bỏ cuộc dù chỉ còn một tia hi vọng nhỏ. Dẫu con không thể nhanh nhẹn và hoạt ngôn như các bạn khác. Nhưng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sự nổi trội riêng của mình. Hãy tận dụng hết những điều con giỏi và đồng hành cùng con. Đừng buông xuôi và tuyệt vọng, một chút thay đổi của con cũng là cả một kết quả lớn.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận