Ký ức của ông Stephen Woodhose - nguyên Trưởng Đại diện UNICEF về Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh
Phẩm chất trầm lặng, thái độ khiêm tốn và sự cởi mở thân thiện của bà Trần Thị Thanh Thanh cùng với ý chí và quyết tâm sắt đá đã đem lại rất nhiều thành công trong công tác trẻ em.
Tạp chí Trẻ em Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả lược trích từ lời chia buồn của ông Stephen Woodhouse, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam từ 1992 -1995 gửi tới gia đình Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi gặp bà Trần Thị Thanh Thanh là khi tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam vào năm 1992, lúc đó bà đang trên cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam. Ngay lập tức, tôi vô cùng ấn tượng trước sự nhiệt tình và cam kết một cách lặng lẽ, sự cần mẫn, tầm nhìn, kỷ luật và trí tuệ của bà. Bà đã giới thiệu để tôi có dịp gặp và làm việc với Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc đó là ông Lê Đức Anh và tôi có cơ hội quý báu để thay bà phát biểu về Công ước quốc tế Quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990.
Trong khi trên thực tế, từ trước khi tôi đến Việt Nam, bà đã góp phần đáng kể trong nỗ lực chung thúc đẩy việc triển khai Công ước này và đưa việc thực hiện quyền trẻ em trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Phẩm chất trầm lặng, thái độ khiêm tốn và sự cởi mở thân thiện của bà Trần Thị Thanh Thanh cùng với ý chí và quyết tâm sắt đá đã đem lại rất nhiều thành công trong công tác trẻ em.
Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam ba năm sau đó, tôi đã cùng bà đi thực tế tới rất nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam và ngày càng ấn tượng hơn trước tinh thần tiên phong có tầm nhìn xa của bà cùng với phương pháp làm việc gắn liền với thực tế.
Việc bà trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần bổ sung thêm những phẩm chất của một con người có trí tuệ sắc bén, trung thực và minh bạch.
Tôi đã giữ liên lạc chặt chẽ với bà trong nhiều thập kỷ sau đó và bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho tôi theo nhiều cách... Ví dụ như việc bà tiếp tục cố gắng học tiếng Anh ở độ tuổi 70, thành thạo các kỹ năng máy tính, để bổ sung thêm vốn tiếng Nga thành thạo của bà sau những năm học tập ở Mát-xcơ-va.
Đặc biệt là bà đã xuất sắc vượt qua nhiều khó khăn để đặt nền móng cho sự ra đời và định hướng phát triển của tổ chức xã hội đầu tiên trong lịch sử có chức năng bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam – tổ chức Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trong bối cảnh lúc đó quyền trẻ em còn là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam.
Thực sự có hàng triệu trẻ em ở Việt Nam và nhiều hơn thế nữa mang ơn bà - người mà các em có thể chưa bao giờ biết tên, với một lòng biết ơn vô cùng sâu sắc. Còn tôi sẽ mãi nhớ đến bà như một nhà hoạt động xã hội, nhân đạo thực sự vĩ đại, một người chị gái của tôi. Cầu mong bà yên nghỉ!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất