Diễn đàn các tổ chức xã hội về việc thực hiện quyền trẻ em
Sáng 28/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em cùng cập nhật các quy định, chính sách mới của Nhà nước và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện quyền trẻ em.
Diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, góp phần triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Luật Trẻ em và nhiệm vụ được quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và được sự đồng ý của Ban đối ngoại TW, Bộ LĐ-TB&XH.
Về phía cơ quan Nhà nước có sự hiện diện của các đại biểu: Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH); Bà Nguyễn Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục - Văn phòng Quốc hội; Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Trung Thành - Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH và các đại biểu đại diện các Bộ, ngành như Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,...
Về phía các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có sự tham gia của các khách mời đại diện: Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc quốc gia tổ chức ChildFund Australia tại Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế làm việc tại Việt Nam như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Tổ chức HealthBridge, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Plan Vietnam,...
Về phía Hội BVQTEVN có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội; Ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội; Bà Cao Thị Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch Hội, cùng các cơ sở Hội thành viên từ 27 tỉnh/thành phố.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết, với tôn chỉ mục đích tập hợp được các cá nhân, công dân, tổ chức tự nguyện, tâm huyết trong công tác bảo vệ quyền trẻ em và thực hiện theo nhiệm vụ trong Khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em 2016: “Hội BVQTEVN có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em”, Hội BVQTEVN tổ chức “Diễn đàn các tổ chức xã hội” nhằm tạo cơ hội để các tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, cập nhật thông tin thực hiện quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và quy định pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa, tại Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ cập nhật một số thông tin đến từ cơ quan quản lý nhà nước, triển khai trong thực tế của Hội BVQTEVN, những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện bảo vệ quyền trẻ em. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm, những sáng kiến, mô hình bảo vệ quyền trẻ em hiệu quả cũng được trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn.
Bên cạnh đó, trong chương trình còn có phiên thảo luận chuyên đề để thấy được vai trò của tổ chức xã hội của trung ương và địa phương trong việc trợ giúp cho trẻ em, trong đó trẻ em khuyết tật được hưởng quyền của mình theo quy định.
Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu sẽ được tập hợp một cách đầy đủ để chuyển tới cơ quan nhà nước những phát biểu chính kiến với các cơ quan nhà nước về việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em.
Nhiều hoạt động bảo vệ quyền trẻ em
Đánh giá kết quả công tác bảo vệ trẻ em năm 2023 của Cục Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em liên tục được Cục quan tâm rà soát, phối hợp với các bên liên quan tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đảm bảo tính khả thi. Công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em được Cục quan tâm, đẩy mạnh.
“Cục thường xuyên theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí định hướng dư luận xã hội. Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường đến 30 tỉnh, thành phố trong năm 2023. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ xâm hại trẻ em”, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cục luôn phối hợp triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chất lượng, kịp thời, hiệu quả, được Tổ đề án 06 đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trẻ em, hiện vẫn còn tồn đọng những vấn đề như: Tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực xâm hại trong gia đình, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi; Trẻ em làm trái pháp luật ngày càng manh động, liều lĩnh, có chiều hướng diễn biến phức tạp; Tình hình tai nạn, thương tích và đuối nước còn ở mức cao; Ngân sách cho công tác trẻ em qua ngành LĐTBXH thấp ở nhiều địa phương, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ về trẻ em của ngành; Các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được triển khai thực hiện do chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, hồ sơ tiếp nhận nguồn viện trợ quốc tế chậm phê duyệt do vướng mắc trong quy định về thẩm quyền và quy trình tiếp nhận,...
Do đó, ông đề ra 3 mục tiêu, giải pháp trọng tâm chính trong năm 2024: Thứ nhất là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Thứ hai là chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả pháp luật, chính sách về trẻ em, các chương trình, đề án về trẻ em được Chính phủ ký phê duyệt; Thứ ba là tăng cường theo dõi, kiểm tra, thống kê việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở chăm sóc trẻ.
Chia sẻ về kết quả công tác năm 2023 và kế hoạch của Hội BVQTEVN năm 2024 về thực hiện quyền trẻ em, bà Cao Thị Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết, trong năm 2023, Hội đã tổ chức thành công 3 sự kiện nổi bật: Đại hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội BVQTEVN, Ban hành Chiến lược phát triển Hội đến năm 2035 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược.
Trong năm 2023, Hội BVQTEVN đã góp ý cho 09 văn bản, chính sách, chương trình liên quan tới trẻ em, 02 Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật; Tổ chức 01 “Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo khuyến nghị của Uỷ ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc năm 2022” - tháng 3/2023; Tham vấn hơn 500 trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em như đồ uống có đường và thuốc lá mới; Thực hiện khảo sát “Thực trạng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của các cơ sở cung ứng ngoài công lập tại Hoà Bình và Hà Nội”.
Về giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, Hội tham gia 01 Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật với trẻ em mồ côi; Tham gia 03 đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện Luật Trẻ em. Bên cạnh đó, Hội đã phát biểu chính kiến và kiến nghị về các vấn đề liên quan tới trẻ em qua báo chí, văn bản, đồng thời hỗ trợ pháp lý các công văn, văn bản gửi tới cơ quan chức năng, cử 30 lượt luật sư hỗ trợ gia đình nạn nhân bị bạo hành và xâm hại.
Ngoài ra, trong năm 2023, Hội phát triển được 02 Hội thành viên cấp tỉnh và 3 Chi hội, tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội địa phương và mạng lưới BVQTE; Xây dựng các phiên bản thân thiện với trẻ em; Tổ chức 7 buổi truyền thông trực tiếp về phòng tránh xâm hại tình dục; Hỗ trợ trẻ em xây dựng phim hoạt hình truyền thông và triển khai sáng kiến tại trường học về phòng chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật; Hỗ trợ trẻ em tham gia các diễn đàn trẻ em cấp quốc gia và khu vực,... Đặc biệt, Hội đã phối hợp liên ngành trong triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình, đề án bảo đảm thực hiện trẻ em, giải quyết các vấn đề của trẻ em.
Về kế hoạch thực hiện trong năm 2024, Hội BVQTEVN dự kiến xây dựng các Kế hoạch của Hội triển khai Chỉ thị số 28 - CT/TW của Bộ Chính trị; Tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội thường niên năm 2024; Xây dựng các tiêu chí đánh giá tác động về quyền trẻ em; Tham gia tích cực, giám sát, đánh giá việc thực hiện bảo vệ quyền trẻ em; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền trẻ em; Tập huấn giảng viên nguồn và các khoá nâng cao năng lực cơ sở Hội về bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, Hội dự kiến sẽ thành lập cơ quan nghiên cứu và đào tạo về quyền trẻ em; Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cha mẹ thực hành giáo dục con phi bạo lực, bảo về quyền trẻ em từ gia đình; Xây dựng tài liệu truyền thông về quyền trẻ em; Hướng dẫn, phát triển các CLB trẻ em thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại trường học và cơ sở giáo dục; Xây dựng kế hoạch năm và thực hiện Chương trình đã ký kết; Tổ chức các sự kiện thường niên để truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; Mở rộng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em; Định kỳ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về trẻ em với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế,...
Những vấn đề mới nổi liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em
Cũng trong khuôn khổ chương trình, bà Nguyễn Thị An - Đại diện nhóm Công tác về quyền trẻ em, đồng chủ trì của nhóm Công tác về quyền trẻ em đã thông tin những vấn đề mới nổi liên quan đến việc thực hiện Quyền trẻ em.
Ở Việt Nam, 87% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất một lần/ngày, thời gian trung bình sử dụng Internet từ 5-7 tiếng/ngày, các nền tảng mạng xã hội lớn chưa có các biện pháp kỹ thuật kiểm soát người dùng dưới 13 tuổi. Ngoài ra, trẻ em ở Việt Nam có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng, đặc biệt trẻ em là người dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật dễ bị tổn thương bởi xâm hại, bóc lột tình dục trên không gian mạng do khó tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, hạn chế về giáo dục và nghèo đói.
Về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, theo Điều tra của Tổng cục thống kê và UNICEF, cứ 10 trẻ em thì có 7 em chịu bạo lực gia đình, cứ 4 trẻ em thì có một em bị bắt nạt ở trường. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em từ 5-19 tuổi tăng gấp 7,3 lần từ 2002 - 2020. Nguyên nhân là trẻ sử dụng công nghệ nhiều, ít vận động thể chất, không có môi trường phù hợp, dinh dưỡng còn kém chất lượng,...
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá đặc biệt cao ở các thành phố lớn, 8,35% học sinh lớp 8-12 tại Hà Nội sử dụng thuốc lá điện tử (Theo Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020). Đáng lo ngại, xu hướng tăng cao tỷ lệ sử dụng thuốc lá, và thuốc lá điện tử ở học sinh nữ.
Do vậy, trong năm 2024, Nhóm công tác về quyền trẻ em đề ra những kế hoạch hoạt động: Tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban quyền trẻ em; Phối hợp với Hội BVQTEVN tổ chức, tham dự Diễn đàn với chủ đề “Cập nhật tình hình thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Quyền trẻ em”; Tiếp tục nghiên cứu thực hiện hoạt động sức khoẻ tâm thần cho trẻ em; Thúc đẩy lồng ghép và phối hợp với các nhóm làm việc liên quan đến quyền trẻ em; Thiết lập kho dữ liệu của nhóm CRWG; Xây dựng khung, bộ chỉ số, công cụ đánh giá tác động quyền trẻ em khi xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật; Nâng cao năng lực cho các thành viên của nhóm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất