06:55 05/12/2022

Làm cách này, gia đình tôi không còn lo cháu khủng hoảng ăn vạ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phan Thị Kim Anh

Bạn Cối nhà tôi đã giảm hẳn số lần giận dỗi, khủng hoảng ăn vạ, thay vì lì lợm mỗi khi làm sai thì cháu đã biết nói lời xin lỗi và cảm ơn.

Khi còn nhỏ, trẻ con thường có những hành động gây khó hiểu. Chúng đôi khi làm người lớn cười vang vì sự ngây thơ của một em bé mầm non, nhưng cũng chẳng ít lần khiến các bậc phụ huynh bốc hỏa. 

Tôi chưa có gia đình, nhưng anh chị tôi thì đã sở hữu cho mình 2 "khối tài sản" to đùng và đều đang trong những cuộc khủng hoảng của tuổi lên 3. Vì sống trong một gia đình mở rộng (extended family), tôi chứng kiến hành trình bọn trẻ lớn lên cùng nhau và mọi cung bậc cảm xúc của gia đình mình trong quá trình đó. 

tre em
Anh chị tôi đã sở hữu cho mình 2 "khối tài sản" vô giá (Ảnh: Kim Anh).
trẻ em Việt Nam
Việc hiểu những cảm xúc của trẻ là điều vô cùng quan trọng trong hành trình nuôi trẻ khôn lớn (Ảnh: Kim Anh).

Tuy nhiên, anh tôi (bố bọn trẻ) có một đặc điểm, đó là hay trêu con bằng chất giọng ồm ồm, to tướng, thậm chí có những lần không kiềm nổi tức giận mà quát con mỗi khi chúng làm điều gì sai.

Tôi không hề biết đó là một tật xấu, cứ nghĩ là “thương cho roi cho vọt” như người xưa đã dạy, cho tới khi  Cối (tên gọi ở nhà của cháu tôi) bắt đầu quá trình hình thành tính cách. 

Tôi quan sát cháu mình đang học những thói quen từ bố. Dù mới 3 tuổi nhưng Cối có chất giọng rất to và hay giận dỗi người lớn nếu họ không làm theo đúng ý của mình. 

Lúc đó tôi thảng thốt và hoang mang lắm, phần không biết nên xử lý câu chuyện này như thế nào, phần vì sợ nay mai con ruột mình cũng sẽ học thói quen xấu thì sao. 

Tình cờ, vào một buổi sáng tinh mơ, tôi đọc được một bài đăng trên Facebook bàn về vấn đề la mắng để dạy trẻ của anh Anh Nguyen. Tôi xin được trích một đoạn trong bài viết của anh.

“TS.Gupta M., 15 năm tư vấn các vấn đề trẻ nhỏ tại Khoa Tâm lý Nhi, Đại học London đã nói: “Trẻ con học rất nhanh. Khi bạn la trẻ, trẻ có thể học cách quát lên khi cần sự chú ý của bạn. Khi bạn đe dọa trẻ, trẻ sẽ học cách làm bạn sợ. Tồi tệ hơn, khi bạn la mắng mà không có hành động nào, trẻ có thể học được rằng: “Ôi, mẹ chỉ quát lên thế, chứ không có gì đâu”.

Thật chính xác vì đây có vẻ là những gì đang xảy ra với gia đình tôi. Cối không còn sợ những lời mắng mỏ và bắt đầu có thái độ lì lợm hơn trước khi làm sai điều người lớn dạy. Có vẻ, thằng bé đang coi những lời dọa nạt ấy chỉ là những câu đùa bình thường của bố.

Trẻ con học hỏi rất nhanh từ người lớn, bởi khi chưa có ý thức, não trẻ coi những người xung quanh là chiếc gương phản chiếu lại hình ảnh của chúng. 

Các bậc phụ huynh có để ý rằng, khi cha mẹ cười thì con lập tức sẽ nhoẻn miệng cười theo, ngược lại, trẻ sẽ thấy hoang mang và sợ hãi mỗi khi thấy một người bên cạnh của chúng đang khóc.  

Chính vì vậy, khi người lớn tức giận, bộ não chưa được hoàn thiện đầy đủ của trẻ đã tiếp nhận một thông tin hoàn toàn mới từ một “chiếc gương” đang ở cạnh chúng. Trẻ lập tức phản hồi lại cơn tức giận của cha mẹ bằng chính sự bất mãn của mình theo nhiều cách khác nhau, tùy từng độ tuổi. 

Đó cũng chính là lý do vì sao cha mẹ càng la mắng, trẻ em có độ tuổi từ 0-6 lại càng khóc to hơn. Chưa chắc đã là vì trẻ đang sợ, mà có thể đó là một trong những cách biểu đạt cơn tức giận của chúng.

Tôi, trên cương vị là một người cô công tác trong một môi trường bảo vệ trẻ em, lập tức thay đổi thái độ của mình mỗi khi thấy cháu mình làm sai. 

Tôi học cách kiềm chế cơn giận của mình và thể hiện thái độ nghiêm chỉnh mỗi khi cháu biểu hiện chưa ngoan (không được đùa cợt vì trẻ sẽ dễ hiểu lầm đó là một hành vi tốt) để cháu hiểu được rằng: “Cô đang không vui và con đang làm cô buồn vì hành động vừa rồi”.

Tôi cũng chủ động chào cháu khi đi làm về sau đó mới để cháu chào mình, luôn dùng “vâng” “dạ” mỗi khi nói chuyện với cháu. Khi cháu làm sai ý, tôi luôn cố gắng không tỏ thái độ giận dữ mà cùng cháu sửa sai. 

Ví dụ như cùng quét nhà khi cháu làm vương vãi đồ ra sàn, cùng cháu dọn đồ chơi khi chúng vội chạy thật nhanh ra ngoài đường chơi. Tôi cũng chủ động xin lỗi khi mình làm cháu tức giận và đánh lạc hướng cơn giận đang bập bùng phát ra bằng một chủ đề khác. 

May mắn thay, tôi nhận được trái ngọt sau một tháng thực hành phương pháp vừa rồi. Bạn Cối nhà tôi đã giảm hẳn số lần giận dỗi người lớn, thay vì lì lợm mỗi khi làm sai thì cháu đã biết nói lời xin lỗi và cảm ơn. Thậm chí cháu cũng đã biết chúc ông bà, bố mẹ ngủ ngon trước khi chìm sâu vào giấc mơ riêng của mình.

Tuy Cối vẫn còn nhiều tật xấu nhưng còn cả một chặng đường dài phía trước, tôi tự tin mình có thể cùng cháu lớn lên với những điều tuyệt vời hơn thế.

Tôi mong rằng, các bậc phụ huynh cũng hãy ngồi bên con vào những cơn khủng hoảng như thế này, để con biết rằng, thật tuyệt khi luôn có một người bạn đồng hành ở bên. 

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận