15:00 15/09/2022

Làm sao đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Đức (t/h)

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2009, mỗi ngày trung bình có 5 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học trên toàn quốc.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau. Mới đây, 2 học sinh lớp 7 Trường THCS - THPT Tây Sơn (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu. 

bao-luc-hoc-duong
2 học sinh lớp 7 Trường THCS - THPT Tây Sơn (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng mới đây. Ảnh cắt từ clip

Ở Hà Tĩnh, liên tiếp hai vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, lột đồ giữa đường vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Sau vụ việc, một nữ sinh lớp 11 đã bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Làm nhục người khác" hôm 7/9.

Ở Phú Thọ, một nam sinh lớp 8 bị kéo ra hành hung ở cổng trường ngay sau lễ khai giảng.

Nguyên nhân của những vụ việc trên phần lớn do mâu thuẫn cá nhân, lời qua tiếng lại, thích "dằn mặt" nhau...

Đáng nói, các vụ việc xảy ra không chỉ đơn giản là những đòn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, cắt xé quần áo... mà còn là sự thản nhiên đứng xem, bình luận, chỉ trỏ, quay clip của những "khán giả" vị thành niên, tuyệt nhiên không có hành vi can ngăn.

Bạo lực học đường luôn là một vấn nạn. Chia sẻ về chủ đề này trên vtv.vn, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay: "Hành động nào cũng xuất phát từ cảm xúc. Tuy nhiên, với bạo lực học đường, các em học sinh có ý định xử lý nhau bằng vũ lực. Cách sống của các em không chứa đựng giá trị yêu thương, khoan dung và tôn trọng nhau. Vì thế, các em chọn cách hành xử với nhau bằng bạo lực, thay vì bằng thường thương lượng, cảm thông".

Những học sinh bị bắt nạt, nhất là bắt nạt bằng ngôn ngữ, thường cảm thấy tổn thương, chán nản, lo âu, suy sụp và tự ti. Các em không dám ra ngoài chơi, đến trường không tập trung học hành, thậm chí những tổn thương này có thể kéo dài đến suốt đời.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, bản thân mỗi học sinh phải có nhu cầu chung sống để được tôn trọng, khẳng định mình trong xã hội, đóng góp cho xã hội. Điều thứ hai là gia đình phải biết quản lý con cái, nhà trường phải biết tổ chức học sinh và tính pháp lý. Khi làm tổn hại đến tinh thần và sức khoẻ của bạn bè thì phải có xử lý bằng tính chất pháp luật.

Thiết nghĩ, trong việc xử lý bạo lực học đường cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nhà trường cần đi trước một bước, cùng với gia đình phát hiện những biểu hiện bất thường ở các em, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ từ sớm.

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, quan sát, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc từ khi vừa manh nha, tạo những chuyển biến tích cực, gắn bó trong mối quan hệ thầy - trò, xây dựng những điển hình tốt để học sinh học hỏi, noi theo.

Gia đình phải là nơi an toàn, đáng tin cậy, sẵn sàng lắng nghe và phát hiện những dấu hiệu bất thường từ con em, đưa ra những phân tích đúng sai để con em có được giải pháp hợp tình, hợp lý khi gặp mâu thuẫn, bức xúc.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận