Làm sao để con học tốt môn tiếng Việt? Chia sẻ thiết thực từ nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Ngữ pháp dù là tiếng Việt hay tiếng Anh thì học sinh phải nắm chắc, đó là điều kiện đầu tiên để làm được một bài văn dù chưa hay nhưng chuẩn về mặt ngôn từ.
Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ thân quen, gần gũi với trẻ từ khi còn nhỏ. Nhưng để học sinh nói và viết chuẩn tiếng Việt hay hoàn thành một đoạn văn, bài văn hay có thể nói là điều không dễ dàng.
Ở lớp 2, các con đã làm quen với môn Tập làm văn qua việc sắp xếp câu, tự giới thiệu, viết từng đoạn văn ngắn. Vào lớp 3 các con sẽ được các cô hướng dẫn cách điền vào những mẫu đơn in sẵn, viết một số đoạn văn ngắn, viết câu văn hay và gãy gọn. Nếu môn Toán có nhiều cách giải khác nhau nhưng sẽ chỉ cho ra một kết quả đúng thì môn Văn sẽ có nhiều cách làm bài khác nhau, nhiều cách vận dụng từ ngữ trong bối cảnh để đạt được điểm cao.
Để giúp trẻ tiểu học, đặc biệt học sinh lớp 3 học tốt môn tiếng Việt, nhà văn Bùi Ngọc Phúc - tác giả sách Cùng con bước qua các kỳ thi, Tư vấn kỳ thi vào 10 đã chia sẻ một số bí quyết hữu ích. Trong đó, anh cũng nhấn mạnh sự đồng hành của gia đình:
"Đồng hành cũng con trong giai đoạn này, sự kiên nhẫn luôn đặt lên hàng đầu, thành quả chỉ có được khi con đi đúng hướng, giống như bạn chăm bón những cây hoa, bỗng sớm mai thức dậy tự nhiên thấy trăm hoa đua nở ngoài ban công, còn hạnh phúc nào bằng", anh nói.
Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, bộ SGK tiếng Việt 3 của học kỳ 1 sẽ dạy các con trong 18 tuần với nhiều mục đan xen bao gồm: Tập đọc, kể chuyện, viết chính tả, luyện từ và câu ở nửa đầu của học kỳ 1. Sau đó các con sẽ chuyển sang tập viết, tập đọc và tập làm văn. Trong các phần này thì phần luyện từ và câu rất quan trọng vì sẽ giúp cho phần làm văn của các con sau này.
Phần đọc và kể chuyện thì hầu như em nào cũng vượt qua được, hoặc phụ huynh có thể kiểm tra ngay tại nhà. Riêng phần luyện từ và câu cũng như phần tập làm văn thì khác một chút. Ngữ pháp dù là tiếng Việt hay tiếng Anh thì học sinh phải nắm chắc, đó là điều kiện đầu tiên để làm được một bài văn dù chưa hay nhưng chuẩn về mặt ngôn từ.
"Đối với các con, việc dùng đúng các từ như: N, L….Tr, Ch…ng, Ngh cũng là một vấn đề, không thể trách được vì ngay cả người lớn chúng ta, việc viết sai chính tả cũng xảy ra thường xuyên. Nếu các phụ huynh mà được đọc đơn xin việc viết tay của vài bạn sinh viên thì sẽ hiểu ngay việc cần học tốt ngữ pháp quan trọng đến nhường nào.
Làm văn không khó, nhưng không phải bố, mẹ nào cũng hướng dẫn được con. Thực tế đã chứng minh, nhiều mẹ hăm hở cùng con làm bài tập làm văn, kết quả con được điểm kém nên không muốn cùng mẹ làm văn nữa, mẹ quay sang trách cô", nhà văn Bùi Ngọc Phúc chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, anh Bùi Ngọc Phúc lưu ý những điều sau:
1. Bài văn của học sinh lớp 3 không cần ý tưởng gì cao siêu, chỉ cần bài viết mạch lạc, trình bày sạch sẽ là được, nhưng đôi khi con làm được vài ý, mẹ lại góp thêm vài ý… nếu tách riêng đoạn của mẹ góp vào sẽ rất hay, nhưng nếu đọc tổng thể cả bài văn sẽ thấy rõ sự lủng củng. Nói một cách hình tượng là, mẹ lắp cái bánh xe 650 vào xe mini của con vậy. Thay vì xắn tay làm bài cùng con, các phụ huynh hãy trang bị thêm kiến thức cho con mình, "trao cần câu thay vì mua cho con cá".
Các mẹ hãy chịu khó đầu tư mua cho con mình các đầu sách hay ngay từ lớp 1, thói quen đọc sách sẽ ngấm dần vào con. Vốn từ và kiến thức để con làm văn tốt không tự nhiên mà có, nó là cả một quá trình lâu dài.
"Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ người đọc sách và số sách đọc tính theo đầu người rất cao. Hiện nay tại các nhà sách có rất nhiều bộ sách với nội dung ngắn gọn, súc tích được viết bằng song ngữ. Mua những cuốn sách đó, con vừa đọc tiếng Việt để trau dồi kiến thức lại được học thêm từ mới trong tiếng Anh. Truyện tranh thường gây sự hứng thú hơn với con, truyện Công chúa, Hoàng tử bao giờ cũng là lựa chọn của các bạn nữ, truyện Robot hay thám hiểm khoa học là lựa chọn của các bạn nam", anh Phúc chia sẻ.
2. Việc đọc thêm các bài văn mẫu chỉ là kênh tham khảo:
Sách làm văn mẫu bày bán tràn lan nhưng việc lười suy nghĩ lại sẵn bài văn mẫu dẫn đến tình trạng trong một lớp 45 bạn thì có khi 40 bạn có đoạn mở đầu y chang nhau.
Ví dụ: Em hãy tả lại buổi khai giảng năm học mới của trường em, đây là bài văn rất phổ biến của học sinh tiểu học. Kết quả là hầu hết các bài sẽ: "Hôm nay trời trong xanh, em đến trường trong niềm hân hoan phấn khởi. Ngay từ cổng trường vào cờ hoa phấp phới như chào đón chúng em, từng tia nắng nhẹ…".
Tâm trạng khác nhau, không thể bạn nào cảm nhận giống bạn nào được. Có bạn do thức khuya nên dậy muộn, vì vậy mẹ vừa đưa đến trường vừa cho một "bài ca", tâm trạng nào mà phấn khởi? Việc đọc thêm các bài văn mẫu chỉ là kênh tham khảo thôi, không nên quá phụ thuộc vào nó.
3. Quan trọng, cần hướng dẫn con cách sử dụng từ ngữ cho chuẩn xác.
Các mẹ giúp các con hiểu nghĩa của từ, biết vận dụng từ đúng để miêu tả một hình ảnh, một sự việc thậm chí là một hành động bằng từ ngữ thích hợp... Biết dùng từ đồng nghĩa tránh câu văn bị lặp lại.
Phụ huynh nên mua cuốn từ điển Tiếng Việt (sử dụng từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh) để các con học cách tra cứu nghĩa của từ để hiểu rõ ý nghĩa của một từ, tránh lặp lại từ một cách máy móc. Hiểu nghĩa của từ rồi, các con cần viết đúng chính tả. Nên cố gắng đọc đúng để viết đúng. Việc hiểu nghĩa của từ hỗ trợ rất tốt cho việc phân biệt cách viết các phụ âm đầu, cuối của tiếng Việt.
Ví dụ: Chăm: chăm chỉ, chăm chú => Áp dụng vào bài: Nhờ chăm chú nghe cô giảng bài và chăm chỉ học tập, nên em Hương Giang luôn đạt danh hiệu HSG.
4. Viết đúng chính tả là kĩ năng dễ rèn luyện nhất.
Các mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con thường xuyên tập chép, đọc sách và đọc cho con mình viết một đoạn văn. Chỉ có đọc nhiều mới có kết quả cho việc rèn luyện kĩ năng viết đúng chính tả.
Theo Tổ quốc
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất