11:54 13/03/2023

Làm thế nào bước vào thế giới của con khi trẻ không kể chuyện ở lớp?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Vụ việc hai bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong tại điểm trông giữ trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng. Nhiều cha mẹ quan tâm đến việc làm thế nào để con có thể dễ dàng chia sẻ câu chuyện ở trường, lớp.

Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin, ngày 2/3, Phòng Giáo dục và đào tạo Thường Tín đã tiếp nhận thông tin phản ánh có một bé trai 17 tháng tuổi tử vong tại cơ sở trông trẻ chưa được cấp phép ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội).

Vụ việc này khiến cha mẹ vô cùng bức xúc và lo lắng cho con trẻ, muốn biết một ngày ở lớp của con đã diễn ra như thế nào, vui buồn ra sao, có gặp trở ngại gì về tâm lý hay không, có bị bạo hành không... Nhiều cha mẹ quan tâm đến việc làm thế nào để con có thể dễ dàng chia sẻ câu chuyện ở trường, lớp.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia tâm lý Hồng Hương đã chia sẻ thêm cách để cha mẹ bước vào thế giới của con.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Ảnh: NVCC).

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho biết, có một sự thật rằng, con trẻ thường sợ những người dọa dẫm trẻ và có xu hướng tâm sự với người chúng thấy an toàn.

Từ đó, khi trẻ không chia sẻ cùng cha mẹ có nghĩa là, cha mẹ cần xem xét về mối quan hệ với con, có thể từ khía cạnh nào đó khiến con không muốn chia sẻ cùng bố mẹ nữa. 

Cha mẹ cần là những người để trẻ thấy an toàn, luôn cùng phe với trẻ, lắng xuống để nghe con tâm sự, ôm con vào lòng, giữ cam kết với những điều trẻ cần sự tin tưởng. 

“Cha mẹ đừng quát mắng con khi con trẻ đôi khi có một vài điều nói chưa đúng sự thật. Trẻ trong độ tuổi từ 3-4 tuổi đôi khi các con sẽ nói trong sự tưởng tượng do văn hóa phẩm các con tiếp xúc.

Cha mẹ nên lặng lẽ quan sát và tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lại nói như vậy, văn hóa phẩm nào tác động đến con để tìm phương pháp cải thiện.

Cha mẹ cần chấp nhận con người sẽ chịu tác động chi phối tâm lý của từng lứa tuổi, không nên truy vấn con”, chuyên gia tâm lý Hồng Hương đưa ra giải pháp. 

Để cha mẹ bước vào thế giới của con, mỗi một độ tuổi trẻ sẽ có những chuyển biến về tâm lý và cách để cha mẹ tiếp cận khác nhau.

Đối với lứa tuổi khoảng từ hơn 1 tuổi đến 5 tuổi: Trẻ càng nhỏ tuổi, nhu cầu về xúc - chạm càng lớn, nhu cầu được ôm, được vuốt ve, vỗ về, được cưng nựng, được phụ thuộc vào người lớn, đó là một nhu cầu thiết yếu.

Vì vậy, để trẻ tin tưởng, an toàn hay nói cách khác để đi vào trái tim của con thì cha mẹ cần mọi lúc, mọi nơi hãy tặng cho con nụ cười, vòng tay ấm áp, lời nói yêu thương. Cha mẹ không đánh, mắng, bỏ mặc trẻ.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương đưa ra một số lời khuyên cho cha mẹ: “Nhiều khi cha mẹ muốn con giống mình, mà muốn các con phải có suy nghĩ, hiểu biết giống cha mẹ nên có xu hướng mất kiên nhẫn khi con nói chuyện mà quên mất độ tuổi của con.

Hay cha mẹ thường dùng lời nói trong khi các con còn nhỏ thích vận động. Giáo dục con trẻ thường thông qua trò chơi. Khi cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc sẽ không giáo dục được con trẻ”.

Tạp chí Tâm lý học đã đưa ra 10 Điều cha mẹ nên làm để thấu hiểu con cái:

1. Luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu con cái.

2. Dành thời gian cho con.

3. Tôn trọng sở thích của con.

4. Tìm hiểu thế giới nội tâm của trẻ.

5. Khuyến khích con nói ra ý kiến của mình.

6. Thưởng phạt công bằng.

7. Đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu con cái hơn.

8. Chấp nhận những thất bại của con.

9. Tạo cho con không gian để con tự do phát triển.

10. Đừng dạy con bằng đòn roi.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận