09:45 23/09/2022

Ngăn lạm thu học đường: Xử lý nghiêm người đứng đầu

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Lạm thu học đường là câu chuyện chưa bao giờ thôi sức nóng trên các diễn đàn mạng xã hội.

Năm học mới vừa bắt đầu, các địa phương lần lượt ra công văn nghiêm cấm nạn lạm thu, chấn chỉnh các trường hợp thu sai quy định. Tuy vậy, những lùm xùm trong thu chi có lẽ chẳng thể hóa giải nỗi bức xúc của phụ huynh khắp nơi.

Vô số khoản đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện

Đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm qua khiến đời sống người dân ảnh hưởng ít nhiều. Gánh nặng chi tiêu giữa thời “bão giá” đang dội vô vàn áp lực lên đôi vai nhiều bậc cha mẹ. Đưa con đến trường, bên cạnh các khoản buộc phải chi như mua sắm sách vở, đồng phục, dụng cụ học tập thì các khoản tiền trường bao giờ cũng khiến nhiều gia đình rụt vai, lè lưỡi mỗi khi họp phụ huynh đầu năm học.

Một vài địa phương đã ra công văn miễn giảm học phí góp phần san sẻ gánh nặng với người dân trong bối cảnh hậu Covid-19. Dù vậy, áp lực tiền trường với nhiều hộ gia đình hiện diện nhiều hơn ở vô số khoản đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện. Dẫu biết rằng chính sách xã hội hóa giáo dục với những khoản thu phát sinh để phục vụ việc học tập của con em, nâng cao chất lượng dạy học là điều tất yếu nhưng không ít trường hợp thu vội, thu cuồng, thu tràn lan khiến dư luận bức xúc.

Thời gian này các nhà trường lần lượt tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Nhiều người ví von kỳ họp kết nối nhà trường và gia đình đầu tiên này chính là “mùa thu hoạch”, mùa “than nghèo kể khổ” của giáo dục, mùa “vẽ vời” của hội phụ huynh. Nghe chói tai và phản cảm vô cùng!

lamthu
Đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn nhiều khoản phí khác phải lo

Bao lần dư luận chới với trước bảng dự kiến thu của một số trường. Học phí chiếm vị trí khiêm tốn, còn dằng dặc khoản thu với hàng loạt con số khiến người ta “choáng”: Quỹ cha mẹ học sinh, tiền hiện đại hóa phòng học, tiền ngoại khóa, tiền bán trú, tiền học chuyên đề tự chọn nâng cao, tiền hỗ trợ vệ sinh, tiền giấy thi, tiền sử dụng tin nhắn… Cá biệt còn có trường kêu gọi khoản thu mua sắm laptop cho giáo viên chủ nhiệm, lót sàn gỗ đẹp cho lớp, xây dựng mái che cho học sinh tập trung…

Bao nhiêu khoản thu là bấy nhiêu gánh nặng dội xuống phụ huynh mỗi dịp mùa tựu trường. Cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” khiến phụ huynh còng lưng gánh học phí và phụ phí gây bao hệ lụy đáng buồn. Chính nó khiến xã hội có cái nhìn định kiến xấu xí vô cùng với môi trường học đường. Và lòng tin vào ngành giáo dục xói mòn ít nhiều sau mỗi vụ việc phụ huynh lên tiếng tố cáo trường này, trường kia lạm thu, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, lồ lộ những sai phạm nghiêm trọng trong thu chi.

3 vấn đề lớn cần phải siết chặt

Nỗi hoài nghi, sự bức xúc và lời chỉ trích từ xã hội nhằm vào môi trường học đường quả là một nỗi đau lớn. Dù cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT năm nào cũng ra công văn chấn chỉnh lạm thu, nhưng dường như để ngăn chặn triệt để vấn nạn lạm thu học đường, chúng ta vẫn chưa chạm vào gốc rễ của vấn đề. Thiết nghĩ, để ngăn tình trạng thu tràn lan, thu bừa bãi gây bức xúc trong dư luận, có 3 vấn đề lớn cần phải siết chặt:

Thứ nhất, hãy phá vỡ vỏ bọc “tự nguyện” khiến các khoản thu phát sinh ngày càng nhiều dưới danh nghĩa: “vận động”, “đóng góp”, “ủng hộ”. Mỹ từ “tự nguyện” cột chặt phụ huynh vào vô số khoản phụ phí, nhiều trường buộc phụ huynh ký vào cam kết tự nguyện nộp phí để hợp thức hóa các khoản thu nằm ngoài danh mục quy định. Huy động sức dân hỗ trợ việc học tập của con em mình, chẳng ai phàn nàn và tính toán chi li gì, nhưng tùy hoàn cảnh từng gia đình, tùy sức đóng góp của từng phụ huynh chứ đừng cào bằng và ấn định khoản nộp tối thiểu và tối đa khiến dư luận bức xúc.

Thứ hai, trả lại chức năng và nhiệm vụ thực tế của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học. Đây là tổ chức gắn kết các thành viên trong phụ huynh, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của gia đình học sinh, phối kết hợp với nhà trường hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục. Hội phụ huynh đừng biến thành cánh tay nối dài của ban giám hiệu, gật đầu cái rụp khi hiệu trưởng đề nghị thu khoản này khoản kia, hoặc là tự ý vẽ vời ra các khoản nộp chỉ để lấy lòng nhà trường.

Dường như “thuốc” trị căn bệnh lạm thu vẫn chưa đủ liều khiến người đứng đầu cơ sở giáo dục bằng cách này hay cách khác vẫn vi phạm nguyên tắc vận động thu thiếu trong sáng, không minh bạch trong thu chi. Vì vậy, hãy xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở để xảy ra tình trạng lạm thu, thu chi không minh bạch.

Nhiều trường ở các địa phương, mệnh lệnh của ban giám hiệu tạo áp lực rất lớn lên đội ngũ nhà giáo. Cứ mỗi dịp đầu năm học, khi kỳ họp phụ huynh bắt đầu, giáo viên chủ nhiệm lại phải gánh trọng trách công khai các khoản thu chi trong năm học mới và lấy ý kiến đồng tình của phụ huynh.

Biên bản họp phụ huynh nộp lên nhà trường thường đòi hỏi 100% phụ huynh biểu quyết nhất trí với dự thảo các khoản thu. Còn lớp nào có ý kiến riêng của phụ huynh là y như rằng giáo viên bị nhắc nhở, bị khiển trách không hoàn thành nhiệm vụ phối kết hợp với phụ huynh.

Sự nghiêm khắc và quyết liệt từ cơ quan chủ quản đối với từng cơ sở giáo dục sẽ tạo hiệu ứng ngăn ngừa tiêu cực. Đồng thời, tính dân chủ trong việc bàn bạc, thảo luận các khoản thu cần đi vào thực chất. Lắng nghe tiếng nói của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tính toán sát sao hoàn cảnh của đại đa số phụ huynh, đề xuất mức thu hợp lý và công khai, minh bạch thu chi trong trường học… Đó là cách neo giữ và vun bồi niềm tin của dư luận vào môi trường giáo dục!

Theo Thanh niên

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận