Lò luyện chữ đẹp lưu truyền ba đời giữa lòng Thủ đô
Lớp học của anh Dương Thanh Tuấn - người đã gìn giữ vẻ đẹp của những nét chữ, truyền cho bao thế hệ học sinh là lớp học luyện chữ đẹp có tuổi đời hơn hai thập kỷ. Những người tìm đến lớp học này là học sinh lớp 1, lớp 2, thậm chí là những thầy, cô giáo muốn trau dồi kỹ năng viết chữ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Chữ đẹp tuổi thơ lần thứ nhất
Tạp chí Trẻ em Việt Nam phát động cuộc thi "Chữ đẹp tuổi thơ" lần thứ nhất năm 2023.
Đam mê từ truyền thống luyện chữ ba đời
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống ba đời làm nghề dạy viết chữ đẹp, anh Dương Thanh Tuấn - cháu nội của cụ Dương Văn Khả - người từng dạy chữ cho vua Bảo Đại cho hay, gia đình anh là một trong những gia đình “tam đại đồng đường” điển hình tại thủ đô Hà Nội, 3 thế hệ sinh sống với nhau trong một ngôi nhà tại phố Hàng Mành.
Từ nhỏ, anh luôn được chứng kiến hình ảnh ông nội mình cẩn trọng, tỉ mỉ viết từng con chữ “rồng bay phượng múa”. Tuổi thơ anh gắn liền với bức tranh người ông của mình luôn chăm chú, say mê sáng tạo trong công việc, khí chất toát ra khiến anh thấy thân thuộc với khoảng không mang đậm dấu ấn Hà Nội, do đó anh vẫn luôn khao khát ý tưởng mở lớp dạy viết chữ đẹp để được gắn bó với công việc đậm nét văn hoá Việt Nam này.
Ý tưởng của anh biến thành hiện thực trong một hoàn cảnh không ngờ tới. Ðó là khi vào bộ đội ở Quân khu Thủ đô, ngoài luyện tập chiến đấu anh còn được cấp trên giao nhiệm vụ chuyên viết bằng khen, giấy khen rồi viết báo cáo, báo tường... Ngắm những dòng chữ nghiêng viết theo lối cũ, nét thanh, nét đậm đều tăm tắp, mọi người mê như điếu đổ. Thế là lớp dạy viết chữ đẹp được mở ra, đó là lớp dạy viết chữ đẹp đầu tiên của anh.
Hết nghĩa vụ quân sự, anh về nhà và thi đỗ Ðại học Ngoại ngữ, ra trường trở thành giảng viên tại Ðại học Quốc gia Hà Nội. Người thân vốn tưởng rằng anh sẽ trở thành một nhà giáo hay làm việc liên quan đến ngoại ngữ, nhưng anh lại từ bỏ tất cả để đi mở lớp luyện chữ đẹp.
Năm 2000, anh bắt đầu mở lớp dạy viết chữ đẹp nhưng mãi sau này, anh mới làm một biển chỉ dẫn nhỏ ở phố cổ Hà Nội. "Bước đầu vô cùng khó khăn vì vẫn chưa nhiều người biết tới nghề luyện chữ đẹp, mọi người chỉ tò mò hiếu kỳ đi qua", anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, điều này cũng thuận lợi đối với anh vì lúc bấy giờ vẫn còn ít những lớp học luyện chữ ở Hà Nội. Ban đầu lớp học chỉ có 5 - 7 học viên, nhưng từ những lớp học ngoại ngữ, tiếng đồn về một thầy giáo viết chữ đẹp và sẵn lòng dạy cách viết chữ quốc ngữ đẹp ngày càng truyền xa, thu hút nhiều người đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp đến theo học, có mùa hè lên đến hàng trăm, hàng nghìn học viên.
Lớp học có tuổi đời hơn 20 năm của anh đã trở thành địa điểm quen thuộc đối với những người muốn trau dồi kỹ năng viết chữ đẹp. Ðến nay, anh đã có hai cơ sở dạy viết chữ đẹp, một ở Hà Nội và một ở Bắc Ninh.
Dạy chữ không quên dạy người
Theo anh Tuấn, luyện chữ đẹp không phải con đường duy nhất để rèn đức tính về lòng kiên trì và sự tập trung của mỗi học sinh, nhưng nó cũng ảnh hưởng ít nhiều. Chữ viết sẽ góp phần rèn luyện đạo đức và tính cách con người, bởi trong suốt 12 năm học, sự tỉ mỉ các bạn được chỉ dạy từ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến phong cách, thói quen tập trung và kiên trì khi các bạn lớn.
Do vậy, ở trường tiểu học, việc dạy cho học sinh có ý thức viết chữ đẹp - giữ vở sạch là yêu cầu và việc làm quan trọng hàng đầu. Dạy cho các em viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, thận trọng trong công việc, lòng tự tin của bản thân.
Tại lớp học của anh, các em nhỏ không chỉ được học chữ mà còn được học cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè... Có học sinh nổi tiếng ngỗ ngược ở trường, nhưng khi được bố mẹ đưa đến đây, trải qua mấy buổi học trở nên ngoan ngoãn, hết khóa học không những viết được chữ đẹp mà học lực cũng khá hẳn lên.
“Câu nói “Nghề dạy người” khiến tôi học được nhiều điều, hơn 20 năm trải qua bao thế hệ học trò, liên tục tiếp xúc với học sinh mới mỗi khóa học, tiếp xúc với nhiều kiểu người, văn hoá, lối sống khác nhau khiến tôi ngày càng yêu nghề và đam mê với luyện chữ đẹp rất lớn. Ngoài ra, tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn trong quá trình giảng dạy - đây cũng là động lực để tôi duy trì đam mê truyền lại những điều hay chữ đẹp cho học sinh”, anh bộc bạch.
Chia sẻ về học trò của mình, kỷ niệm mà anh nhớ nhất là có một bạn học sinh học với anh từ khi mới vào lớp 1, ấn tượng của anh là khi đi học bạn luôn khóc nức nở, vô cùng bỡ ngỡ, khó khăn để thích nghi với việc tập trung ngồi học. Bẵng đi 12 năm sau khi kết thúc khóa học đó, bạn nhỏ ấy lúc bấy giờ đã đỗ chuyên ngành sư phạm, quay lại gặp anh để học nghề luyện chữ, nối tiếp con đường giảng dạy chữ viết cho các lứa học sinh khác.
Đặc biệt, có một khóa học có đến 3 học viên là thành viên trong cùng một gia đình, bà đến học rồi đưa thêm con gái đến học, rồi đưa thêm cháu đến luyện chữ. Như vậy cùng một lớp học nhưng anh được tận tay rèn chữ cho đến 3 thế hệ.
“Tôi rất thích công việc của tôi vì nó góp phần làm dày thêm văn hoá viết - nghệ thuật xa xưa của con người, văn hoá này đóng vai trò quan trọng, nâng tầm chữ viết, lưu giữ những tinh tuý trong quá trình viết chữ từ xa xưa đến ngày nay, đặc biệt nó biến ước mơ tạo một lớp học mang không khí gia đình có nhiều thế hệ của tôi thành sự thật”, anh nói.
Hết khóa học, nếu học viên muốn tiếp tục đến ngồi cho có không khí đều được hoan nghênh mà không phải đóng thêm một khoản phí nào. Không chỉ có thế, anh luôn sẵn sàng dạy miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ khuyết tật và yếu thế trong xã hội. Anh tâm niệm rằng, trong cuộc sống nếu giúp đỡ được càng nhiều người thì càng tốt, anh mong muốn được mọi người nhắc tới không chỉ về chuyên môn của mình mà còn là người có tâm, có đức.
Mỗi học sinh là một phương pháp giảng dạy riêng
Sức hấp dẫn của lớp học là do sức quyến rũ của những con chữ đẹp, nhưng cũng là bởi cung cách dạy dỗ, đối xử của người dạy đối với người học, nhất là các em nhỏ tuổi. Trong lớp học không có sự dọa dẫm, đe nẹt mà chỉ có sự ân cần, trìu mến.
Anh quan niệm, mỗi một học sinh đều có một thế giới quan riêng, những khiếm khuyết khác nhau, mỗi người sẽ có những kỹ năng riêng cũng như khả năng của mỗi người một khác. Do đó, tuy các bạn học sinh đều ngồi chung trong một lớp học nhưng phương pháp giảng dạy riêng biệt, giáo án mở phụ thuộc vào từng cá nhân, đặc biệt tất cả các bạn đều được luyện chữ một thầy một trò trong từng động tác nhỏ.
"Học sinh đến lớp luyện chữ của tôi có độ tuổi khá đa dạng, từ những em nhỏ mẫu giáo cho đến người trường thành đã đi làm, nhất là các bạn nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 rất hiếu động, rất dễ bị phân tâm, đôi khi không thể kiên trì và bỏ dở giữa chừng. Với các bạn ấy, phương pháp dạy là vừa dạy vừa dỗ bởi tâm hồn các con vô cùng mong manh, dễ vỡ.
Do đó, thầy giáo cần nhẹ nhàng nắm bắt tâm lý, khen thưởng kịp thời. Nếu một buổi học các bạn chăm chú viết chữ cẩn thận, sạch sẽ thì tôi sẽ cho các bạn điểm 10 về khoe bố mẹ, khi thì tặng bút, vở, sách.. để động viên khích lệ các bạn. Còn lứa tuổi cấp 2, cấp 3, các em cũng có những thế giới riêng, tuỳ thuộc vào mỗi cấp học sẽ có một phương pháp dạy sao cho hiệu quả”, anh nói.
Theo anh, trước khi muốn làm được một người thầy giáo hoặc người luyện chữ đẹp, phải là một nhà tâm lý học trước tiên, hiểu được đối tượng của mình một cách sâu sắc để tìm ra cách thức giảng dạy phù hợp, chọn lựa cẩn thận nội dung các bài viết để luyện chữ từ nhiều nguồn khác nhau, phù hợp từng lứa tuổi, hấp dẫn mà có tính giáo dục cao.
Với những trường hợp các bạn nhỏ thuận tay trái, bản thân anh cũng phải linh hoạt trong cách giảng dạy, tự mình rèn luyện tập viết trái tay để tìm ra biện pháp giúp các bạn luyện viết sao cho hiệu quả hơn trong quá trình học tập, viết lách ở trên lớp. Ngoài ra, bằng tâm lý luôn yêu thương và quý trọng học trò của mình, anh luôn tìm cách thấu hiểu từng học trò để diễn đạt bài giảng một cách cuốn hút nhất.
“Cái nghề này của mình nó là nghề đối ngoại, là phải biết cách giao tiếp, ứng xử nhẹ nhàng, ân cần, truyền tải bài giảng một cách dễ dàng tới các em. Bên cạnh đó, học viên đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, đâm ra là khi mình dạy cái nghề này là mình đã được sống thêm rất là nhiều cuộc đời trong đó, đấy là điều thú vị của nghề", anh Tuấn chia sẻ.
Chứng kiến người thầy kiên nhẫn sửa từng lỗi nhỏ trong từng nét chữ của trò, cứ mỗi khi thấy nét bút của các trò hơi to hơn một chút là anh lại cặm cụi mài lại ngòi bút, sao cho không quá trơn để các em dễ điều khiển, nhưng cũng không gai quá làm rách giấy khiến tôi vô cùng khâm phục.
Quả thật, để trở thành một người thầy tận tâm đầy trách nhiệm và luôn tâm huyết với sự nghiệp luyện nét chữ rèn nết người của mình, anh đã luôn để chữ “tâm” ngự trị trong tâm hồn mình mỗi khi đặt từng nét bút xuống.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất