15:36 02/01/2024

Mead Johnson thu hồi sữa bột trẻ em Nutramigen

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh

Công ty Mead Johnson Nutrition của Tập đoàn Reckitt Benckiser đang tự nguyện thu hồi lô sữa bột Nutramigen tại thị trường Mỹ do nguy cơ nhiễm vi khuẩn.

Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết, Công ty Mead Johnson Nutrition (MJN) của Tập đoàn Reckitt Benckiser sẽ tự nguyện thu hồi lô sữa bột (sữa công thức) Nutramigen tại thị trường Mỹ do nguy cơ nhiễm vi khuẩn Cronobacter sakazakii trong sản phẩm được lấy mẫu ở nước ngoài.

Theo đó, sữa bột Nutramigen bị thu hồi là loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa bò (CMA), lon 357g và 561g. FDA cho biết thêm, các lon sữa Nutramigen được sản xuất từ tháng 6/2023 và được phân phối chủ yếu trong các tháng 6, 7, 8 cùng năm.

nutramigin
Người tiêu dùng Việt cần lưu ý với sản phẩm sữa bột Nutramigen khi dùng cho trẻ nhỏ

Công ty cho biết, chưa ghi nhận “bệnh tật hoặc tác dụng phụ” nào nhưng kêu gọi người tiêu dùng đã mua loại sữa bột Nutramigen kiểm tra đáy lon để xem họ có mua phải lô sữa có thể bị nhiễm khuẩn hay không.

Số lô bị ảnh hưởng và kích thước hộp tương ứng sau: ZL3FHG, lon 12,6 oz (357g); ZL3FMH, lon 12,6 oz (357g); ZL3FPE, lon 12,6 oz (357g); ZL3FQD, lon 12,6 oz (357g); ZL3FRW, lon 19,8 oz (561g); ZL3FXJ, lon 12,6 oz (357g)

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Reckitt có trụ sở tại Anh cho biết tất cả sản phẩm bị thu hồi có hạn sử dụng trước ngày 1/1/2025. Reckitt cũng khẳng định, các lô sữa Nutramigen khác hoặc các sản phẩm khác của Reckitt được phân phối tại Mỹ không bị ảnh hưởng.

Vi khuẩn Cronobacter sakazakii có thể gây ra bệnh nhiễm trùng nặng, nguy cơ gây tử vong hoặc gây viêm ruột hoặc viêm màng não. Trẻ nhiễm khuẩn này thường có các triệu chứng bú kém, khó chịu, thay đổi nhiệt độ, vàng da, thở khò khè hoặc cử động cơ thể bất thường. Một số trẻ sơ sinh cũng có thể bị co giật.

Tại Việt Nam, trên các sàn thương mại điện tử, các siêu thị kinh doanh sữa, sản phẩm mẹ và bé, hiệu thuốc vẫn bán loại sữa bột Nutramigen với tên gọi "hàng xách tay". Vì vậy, người tiêu dùng hiện đang cho con con sử dụng loại sữa này cần đọc kĩ lại thông tin thu hồi của nhà sản xuất, và thận trọng khi mua sản phẩm này.

Thực tế, nhiều sản phẩm mang tiếng "hàng xách tay" có thể không được nhập khẩu chính ngạch, không được cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng, đồng thời không có tem nhãn, phụ đề tiếng việt. Bởi vậy, người tiêu dùng rất khó để có thể biết được chất lượng, xuất xứ thực của hàng hoá.

Nhiều chuyên gia về y tế khuyến cáo, việc mua bán, sử dụng “hàng xách tay” không rõ nguồn gốc, người dùng không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn gặp nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe, tính mạng, nhất là những dòng sản phẩm dành riêng cho trẻ em, cần hết sức thận trọng về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng.

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận