21:33 17/07/2022

Mang đến cho trẻ môi trường an toàn một cách toàn diện

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Tuấn

Trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên dễ bị dụ dỗ, mua chuộc, đe doạ tính mạng, các em có thể bị bạo hành thể chất và tinh thần. Do đó, môi trường bảo vệ trẻ em phải được đặt trong sự bảo vệ của hệ thống pháp luật và sự chung tay các cơ quan hành pháp, tư pháp, hệ thống hỗ trợ-bảo vệ trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Bảo vệ trẻ em bằng hệ thống pháp luật

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), chỉ trong quý I/2022, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với Quý I/2021, trong đó có nhiều trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi,…; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng nói, phần lớn các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục lại do những người quen biết, thân thiết của trẻ gây ra. Các đối tượng đã lợi dụng sự tin tưởng của gia đình, sự non nớt về thể chất và tinh thần của trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại, gây tác động rất lớn đến tâm lý trẻ, đặc biệt là gây tổn thương và hệ luỵ kéo dài về sau.

Bảo vệ trẻ em là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, Nhà nước đã tham gia và nội luật hoá nhiều quy định từ các văn bản pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Đầu tiên phải nói đến Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948, cụ thể: “…đòi hỏi sự tôn trọng nhân phẩm của con người, quyền tự do của mỗi người đồng thời đòi hỏi cả những nỗ lực liên tục ở mọi cấp độ để có thể hiện thực hóa việc hưởng các quyền con người trên phạm vi toàn cầu”, và trẻ em phải được hưởng lợi từ tất cả những bảo đảm quyền con người dành cho người lớn.

Tiếp theo là Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1989, Việt Nam phê chuẩn năm 1990, quy định trực tiếp các nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em như: nguyên tắc không phân biệt đối xử, bình đẳng về cơ hội, nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em và nguyên tắc quyền được sống, tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, Công ước đã quy định rất nhiều quyền cơ bản của trẻ em buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng.

Nhà nước đã sớm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em
Nhà nước đã sớm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em

Một số công ước khác mà Việt Nam tham gia cũng khẳng định trẻ em là một đối tượng được bảo vệ như Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, nêu rõ “Các trẻ em… phải được gia đình, xã hội và quốc gia bảo hộ” (Điều 24); Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 quy định “Thanh thiếu niên phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột về kinh tế và xã hội” (Điều 10); Quy tắc chuẩn tối thiểu của Liên hiệp quốc về việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên năm 1985 (gọi tắt là Quy tắc Bắc Kinh) đã khẳng định “Áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên cần chú trọng đến phúc lợi của người chưa thành niên và phải bảo đảm rằng, bất cứ việc xét xử nào đối với người chưa thành niên phạm tội phải luôn xem xét hoàn cảnh của người phạm tội cũng như hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội” (Mục 5 Phần 1 - Những quy định chung).

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã sớm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em. Văn bản pháp lý trực tiếp quy định về bảo vệ trẻ em là Pháp lệnh về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 14/11/1979. Pháp lệnh này được nâng lên thành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 (được sửa đổi bổ sung năm 2004).

Sau một thời gian thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016 được thông qua và đã mở rộng phạm vi trẻ em được bảo vệ là trẻ em dưới 16 tuổi nói chung trong đó bao gồm cả trẻ em có quốc tịch Việt Nam và trẻ em là người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật Trẻ em ngoài việc chỉ rõ 14 hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm (Điều 10), còn quy định khá cụ thể và toàn diện các vấn đề khác như bổn phận của các em, sự tham gia của các em về các vấn đề trẻ em, các cấp độ bảo vệ, chăm sóc thay thế cho trẻ, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em…

Ngoài ra, một số văn văn Luật Dân sự năm 2015, Luật Lao động năm 2012, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Hình sự năm 2017 cũng điều chỉnh những vấn đề bảo vệ trẻ em trong từng lĩnh vực cụ thể.

Chung tay bảo vệ trẻ em từ cộng đồng

Bên cạnh hệ thống pháp luật, bảo vệ trẻ em rất cần sự vào cuộc của các cơ quan tư pháp, hệ thống hỗ trợ - bảo vệ trẻ em cũng như gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Trước những hành vi xâm phạm quyền trẻ em, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân, cơ quan thi hành án - trong phạm vi quyền hạn của mình – cần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật và đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, đảm bảo các em được hỗ trợ về pháp lý, tâm lý.

Phần lớn các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục lại do những người quen biết, thân thiết của trẻ gây ra
Phần lớn các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục lại do những người quen biết, thân thiết của trẻ gây ra

Với chức năng nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án - trong phạm vi quyền hạn của mình - có trách nhiệm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt, các cơ quan này cần thực hiện nghiêm các quy định về người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, đương sự…

Thực tế, trẻ em dù là chủ thể vi phạm pháp luật hay là nạn nhân cũng đều được bảo vệ an toàn, đảm bảo các em được hỗ trợ pháp lý và tâm lý. Khi các em là nạn nhân, cơ quan tư pháp sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm để trả lại công bằng cho các em. Còn nếu các em là chủ thể vi phạm pháp luật, quyền của các em sẽ được đảm bảo và thực hiện trước tiên, sau đó các cơ quan tư pháp sử dụng nghiệp vụ xác định mức độ vi phạm cũng như nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật để từ đó có chế tài phù hợp và đúng với mục đích xử lý nhằm cải tạo, giáo dục các em.

Do đó, việc phòng ngừa khả năng trẻ em vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật là hết sức cần thiết. Điều này cần sự chung tay của các tổ chức hỗ trợ - bảo vệ trẻ em, các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội liên quan đến trẻ em.

Các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho chính các em và cộng đồng, vận động và tạo cơ hội cho trẻ em tham gia ý kiến, phản biện các chủ trương, chương trình kế hoạch thực hiện quyền trẻ em; có những biện pháp tham vấn, trị liệu can thiệp, hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp cụ thể, khu vực cụ thể... sẽ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và trợ giúp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. Vai trò của các tổ chức bảo vệ - hỗ trợ trẻ em và chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội sẽ là cầu nối trẻ em với các chủ thể khác trong xã hội, góp phần giúp các em ổn định tâm lý cũng như tìm lại sự công bằng và bảo vệ lợi ích tốt nhất của mình.

anh

Nhà trường là nơi trang bị cho trẻ kiến thức văn hoá, xã hội và các kỹ năng sống để trẻ có thể nhận thức, phân biệt cách hành xử phù hợp với đạo đức và pháp luật. Muốn làm tốt điều này giáo viên và học sinh cần có sự gắn kết chặt chẽ, giáo viên trở thành người bạn để các em tin tưởng, chia sẻ suy nghĩ và tình cảm. Đây chính là mấu chốt giúp giáo viên nắm bắt được tâm lý các em để có giải pháp hỗ trợ các em trong cuộc sống, ổn định tâm lý lứa tuổi cho trẻ. Đồng thời cũng điều chỉnh và định hướng kịp thời những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn của các em.

Một môi trường giáo dục tốt sẽ là bảo vệ trẻ tránh xa những cám dỗ, hành vi không chuẩn mực và giúp các em cảm thấy yên tâm, an toàn từ trong suy nghĩ.

Bên cạnh một môi trường giáo dục tốt, cộng đồng dân cư nơi trẻ sinh sống cũng có tác động nhiều đến suy nghĩ, hành vi của trẻ. Nếu như cộng đồng xung quanh không lành mạnh thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành vi của các em, đó là một cộng đồng không an toàn với trẻ. Minh chứng là có không ít vụ việc xâm hại trẻ em xuất phát từ chính những người sống cùng một cộng đồng dân cư với các em.

Ngược lại, nếu cộng đồng xung quanh trẻ lành mạnh, môi trường sống của các em sẽ được an toàn khi sống, tiếp xúc với con người trong cộng đồng đó. Những người xung quanh cũng có ý thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức bảo vệ trẻ.

Đây là sự chung tay từ các chủ thể bên ngoài đối với việc bảo vệ trẻ em, còn chủ thể bên trong chính là gia đình trẻ. Có lẽ không nơi nào có thể bảo vệ quyền lợi của trẻ em tốt nhất bằng chính gia đình các em. Mọi hành vi lệch chuẩn từ những người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hình thức nhân cách của trẻ. Đôi khi mối quan hệ giữa trẻ và gia đình có thể bị phá vỡ, bị lệch lạc và có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình.

Do đó, gia đình phải là nơi giúp trẻ cảm thấy được an toàn nhất. Phụ huynh cần tìm hiểu và có cách nuôi dạy con cái phù hợp, nắm bắt kịp thời sự thay đổi trong tâm lý trẻ và phòng ngừa những nguy cơ mà trẻ có thể bị xâm hại.

Có thể thấy, trẻ em luôn là đối tượng cần phải được quan tâm và ưu tiên bảo vệ trong xã hội. Chúng ta cần mang đến cho trẻ môi trường an toàn một cách toàn diện để bảo vệ tốt nhất cho các em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận