Nếu không có "hoa hồng" các trường có sốt sắng triển khai tin nhắn điện tử?
Việc triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử hiện nay không thực sự cần thiết nếu như nhà trường đặt quyền lợi phụ huynh, học sinh lên trên.
Mặc dù dịch vụ tin nhắn điện tử trong các nhà trường không phải là một dịch vụ bắt buộc đối với phụ huynh học sinh nhưng hiện nay phần lớn các trường học ở những khu vực có điều kiện đều triển khai.
Giá dịch vụ tin nhắn điện tử đang triển khai ở các trường học hiện nay không giống nhau, cho dù cùng một nhà mạng, cùng một cấp học trên một địa bàn nhưng mỗi trường thu mỗi khác. Có trường thu 50.000 đồng, có trường 60.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí có trường thu đến vài trăm ngàn đồng một năm.
Sự việc phụ huynh Trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh nhà trường yêu cầu phụ huynh phải làm đơn nếu họ không đồng ý đóng phí sử dụng dịch vụ tin nhắn điện tử 270.000 đồng/năm cho thấy bức tranh muôn sắc màu của phí dịch vụ tin nhắn hiện nay.
Vậy, dịch vụ tin nhắn điện tử có tác dụng gì và nếu như nhà trường không triển khai dịch vụ này thì những thông tin cần thiết của trường, của lớp có cách nào chuyển đến phụ huynh mà không cần chi phí?
Có nhiều cách để triển khai tin nhắn đến phụ huynh học sinh
Một phụ huynh chia sẻ với báo chí rằng: "Đầu năm học 2022-2023, Trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) thông báo là nhà trường sẽ triển khai kênh liên lạc điện tử (app SFLink) với mức phí 270.000 đồng/năm học.
Nhưng điều đáng nói là phụ huynh nào không đồng ý đóng tiền để sử dụng dịch vụ thì phải làm đơn. Nếu đây là việc tự nguyện thì tại sao chúng tôi lại phải làm đơn khi không sử dụng dịch vụ? Chưa kể nội dung mẫu đơn do nhà trường phát cho chúng tôi có nội dung mang tính chất dọa nạt khiến chúng tôi bất an"...
Việc phụ huynh phải làm đơn nếu không sử dụng dịch vụ như Trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt hiện nay không nhiều vì đây là một dịch vụ “tự nguyện” mà các trường học triển khai đến phụ huynh học sinh trong ngày họp phụ huynh đầu năm học.
Song, dù không phải làm đơn nhưng các trường học hiện nay sẽ có nhiều cách để vận động phụ huynh đăng ký sử dụng dịch vụ này. Bởi, trước khi họp phụ huynh các lớp, nhà trường sẽ họp Hội đồng sư phạm và hiệu trưởng đã quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm về dịch vụ tin nhắn điện tử.
Trong cuộc họp, hiệu trưởng nhà trường bao giờ cũng đề cập đến những lợi ích của tin nhắn điện tử và yêu cầu các giáo viên sẽ làm công tác tư tưởng đến phụ huynh học sinh để càng nhiều phụ huynh sử dụng dịch vụ này càng tốt, càng “thuận lợi” cho việc triển khai các kế hoạch của nhà trường.
Nhưng, thực tế phụ huynh có cần thiết phải mua dịch vụ tin nhắn điện tử hay không?
Thực ra, tin nhắn điện tử là nhằm mục đích thông báo điểm số của học sinh đến phụ huynh sau mỗi giai đoạn kiểm tra của năm học như điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường thông báo một số thông tin như nghỉ lễ, nghỉ học đột xuất trong tuần, trong ngày để phụ huynh và học sinh nắm bắt.
Chúng tôi cho rằng với điều kiện của nhà trường và phụ huynh hiện nay, việc triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử không thực sự cần thiết và rất lãng phí.
Bởi, nhà trường muốn nhắn được tin nhắn điện tử thì bắt buộc phụ huynh phải có điện thoại. Trong khi, đa phần phụ huynh hiện nay đều sử dụng điện thoại có kết nối mạng Internet nên họ đều sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook vì phần lớn phụ huynh học sinh phổ thông hiện nay đang ở độ tuổi trên dưới 40 nên mạng xã hội là gần như ai cũng đều sử dụng tốt.
Trong khi, điều bất di bất dịch là khi bắt đầu làm quen với lớp, giáo viên chủ nhiệm đều phải lấy thông tin từ học sinh và số điện thoại của phụ huynh là yêu cầu đầu tiên. Vì thế, lớp nào giáo viên chủ nhiệm cũng lập nhóm Zalo chung để thông tin đến phụ huynh và nhắc nhở phụ huynh đóng các khoản tiền trường.
Điều này có nghĩa, nếu cần thông tin chung, Ban giám hiệu nhắn trên nhóm chung của giáo viên chủ nhiệm, sau đó giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắn, hoặc chụp lại thông tin này nhắn lên nhóm lớp của mình. Nếu có việc đột xuất, giáo viên sẽ gọi trực tiếp cho phụ huynh.
Bây giờ giáo viên chủ nhiệm có thể gọi bằng Zalo, Facebook nên không phát sinh chi phí cho giáo viên chủ nhiệm. Vì thế, thông tin liên lạc giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh luôn thông suốt.
Đó là chưa kể phần lớn các trường học phổ thông hiện nay đều có website riêng nên mọi kế hoạch giáo dục, mọi thông báo đều có thể đăng tải trên web của trường. Phụ huynh có thể đọc được hoặc giáo viên chủ nhiệm có thể chia sẻ đường link đến nhóm lớp của mình.
Đối với điểm số của học sinh, hiện nay các cấp học chỉ còn bài kiểm tra định kỳ được thực hiện vào giữa kỳ, cuối kỳ và đây cũng là thời điểm mà tất cả các nhà trường sẽ gửi phiếu liên lạc (bảng điểm) đến phụ huynh hoặc sẽ tổ chức họp phụ huynh trong lớp để thông báo kết quả học tập của học sinh.
Những bài thường xuyên thì giáo viên bộ môn đều phát cho học trò giữ nên học sinh đều biết điểm cụ thể.
Hơn nữa, phần lớn các cấp học hiện nay, nhất là cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì môn học nào giáo viên bộ môn cũng đều lập nhóm Zalo riêng để nhiệm vụ học tập cho học trò chuẩn bị trước. Vì thế, sau khi có điểm kiểm tra, điểm tổng kết là thầy cô chụp màn hình gửi lên nhóm tức thì.
Vì thế, tin nhắn điện tử hiện nay không thực sự cần thiết nếu như nhà trường đặt quyền lợi phụ huynh, học sinh lên trên.
Vì sao các trường luôn sốt sắng triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử?
Phải khẳng định ngay rằng nếu như tin nhắn điện tử mà không có lợi cho Ban giám hiệu nhà trường thì họ chẳng bao giờ sốt sắng triển khai làm gì. Không phải trong lúc điều kiện bình thường mà ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh như năm học vừa qua học sinh phải học online suốt cả học kỳ.
Việc nhiều các nhà trường vẫn triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử của học trò, thậm chí bắt phụ huynh phải làm đơn nếu họ không đồng ý đóng phí sử dụng dịch vụ tin nhắn điện tử như Trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Bởi lẽ, điều giản đơn mà ai cũng nhìn thấy, đó là phía sau việc làm này có phần chiết khấu hoa hồng từ các nhà mạng cho Ban giám hiệu nhà trường. Trường nhỏ thì vài trăm học sinh, trường lớn thì lên đến vài ngàn học sinh. Trong khi, tin nhắn điện tử đang dao động khoảng trên dưới 100.000 đồng/ 1 học sinh/1 năm học.
Càng trường lớn thì “hoa hồng” của các nhà mạng gửi lại càng nhiều. Ban giám hiệu nhà trường gần như chẳng mất gì. Họ chỉ triển khai việc thu tiền đến giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm thu tiền xong nộp lên cho kế toán. Nhưng, lãnh đạo nhà trường lại có thêm một khoản tiền hoa hồng.
Khoản này một ít, khoản kia một ít, nhiều khoản cộng lại thành ra một khoản tiền lớn mà gần như họ không tốn công sức gì. Vì thế, một số Ban giám hiệu nhà trường triển khai thu tiền tin nhắn điện tử cũng là một điều dễ hiểu và nó được duy trì từ năm này sang năm khác.
Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà phụ huynh nhiều trường học hiện nay đang phải “gánh” quá nhiều những khoản tiền trường cho con em mình. Nào là học phí, học thêm, nào là khoản thu bắt buộc, khoản thu “tự nguyện”.
Khoản vài chục nghìn đồng, khoản vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng khiến cho nhiều phụ huynh nghèo gặp nhiều khó khăn khi nuôi con ăn học hằng năm.
Theo Giáo dục VN
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất