13:05 17/08/2023

Nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội có thể đối mặt với mức án lên đến tù chung thân

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tuệ Anh

Liên quan đến vụ việc một bé trai 7 tuổi tại Hà Nội bị bắt cóc tống tiền 15 tỷ đồng, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho biết, nghi phạm có thể đối mặt với mức án từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Gần đây, vụ bắt cóc một bé trai 7 tuổi diễn ra tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) khiến dư luận xôn xao. Đáng nói hơn, nghi phạm thực hiện hành vi này là một cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc. 

nghi-pham-bat-coc-1-429-1689-1338-16921943340081550795238
Nghi phạm Nguyễn Đức Trung - người thực hiện hành vi bắt cóc, tống tiền bé trai 7 tuổi tại Hà Nội (Ảnh: CACC).

Tại cơ quan điều tra, nghi phạm Nguyễn Đức Trung (SN 1992), khai nợ nhiều tiền nên lái ôtô gắn biển giả đi trộm ở khu biệt thự Việt Hưng, quận Long Biên. Không thực hiện được ý đồ, Trung chuyển hướng sang bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc.

Đối tượng Trung bị vây bắt lúc 5h sáng, nghi phạm dùng súng bắn đạn cao su chống trả khiến thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên, bị thương ở đùi. Sau một thời gian nỗ lực, bé trai đã được giải cứu thành công. 

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết hành vi bắt cóc, tống tiền của đối tượng là rất nguy hiểm đối với trẻ em, đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, vi phạm Luật Trẻ em 2016. 

“Đây là tội phạm hình sự xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, đe dọa uy hiếp đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của con người, đặc biệt là trẻ em nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong sự việc này, cháu bé may mắn được giải cứu thành công và không bị nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên, hành vi của đối tượng đã gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Mặc dù nghi phạm chưa chiếm đoạt được số tiền là 13 tỷ đồng nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến số tiền mà mình đã yêu cầu. 

Ngoài ra, hành vi trốn chạy, chống trả lực lượng chức năng cho thấy tính chất manh động, coi thường pháp luật của nghi phạm này. Hành vi gây ra thương tích cho người thi hành công vụ sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đồng thời là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét quyết định mức hình phạt nghiêm khắc”, luật sư Bích Hảo thông tin. 

 Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam)
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam)

Trao đổi thêm, luật sư Bích Hảo cho biết, trong sự việc này, phạm tội thuộc trường hợp đối với người dưới 16 tuổi và số tiền mong muốn chiếm đoạt là 15 tỷ đồng, đây là tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 169 Bộ luật Hình sự. Do vậy, khung hình phạt có thể lên đến từ 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

“Đối với tình tiết đối tượng nổ súng về phía cảnh sát, đây là hành vi rất nguy hiểm, cơ quan điều tra sẽ tổng hợp hồ sơ xem xét theo quy định pháp luật”, luật sư Bích Hảo nói. 

Theo thông tin trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời tạm giữ nghi phạm Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, trú xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) làm rõ hành vi bắt cóc bé trai 7 tuổi để tống tiền.

Tối 16/8, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, nghi phạm trước khi gây án có cấp hàm thượng úy, công tác tại Đội tham mưu, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Khi bị bắt, Trung thừa nhận hành vi nhưng giấu nơi làm việc, khai báo “không công ăn việc làm”. 

Sau khi xác minh chính xác lý lịch, nhân thân đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị thực hiện các thủ tục tước danh hiệu Công an Nhân dân theo quy định của ngành Công an đối với Nguyễn Đức Trung để xử lý nghiêm theo quy định.

Căn cứ nội dung thông báo và đề nghị của Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định về việc kỷ luật cán bộ bằng hình thức tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với Nguyễn Đức Trung.

Cũng theo luật sư Bích Hảo, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong đó đối tượng bị bắt cóc là trẻ em, người bị xâm hại về tài sản là người thân của người bị bắt cóc, đặc trưng của tội là bắt cóc làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để đạt được mục đích chiếm đoạt người phạm tội có hành vi bắt cóc trẻ em làm con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con tin trong trường hợp người đe dọa không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận