Người lớn im lặng, ai sẽ bảo vệ trẻ con?!
Câu chuyện dân sinh ám ảnh nhất mấy tuần qua, là các vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ xảy ra ở trường học, trong đó có vụ lớn nhất từ trước đến nay, với hàng trăm học sinh nhập viện, 1 cháu tử vong.
Vụ việc gây rúng động này là một cú sốc với phụ huynh, bởi lâu nay dù có nghe đến nơi này nơi kia, học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc do bữa ăn bán trú.
Nhưng rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng, chuyện đó không nghiêm trọng, hoặc chưa tới mức nghiêm trọng.
Họ đã không nghĩ rằng, ngộ độc là chất độc ngấm vào cơ thể con mình, là các triệu chứng lâm sàng thôi cũng đủ làm trẻ mệt mỏi nhiều ngày sau đó, dẫn đến học hành kém hiệu quả, chẳng thiết vui chơi.
Đáng sợ hơn, sau một bữa ăn bán trú bị nhiễm độc, có thể, đó là lần cuối cùng họ được đón con.
Cũng bởi nghĩ rằng, chưa phải nhập viện cấp cứu thì chưa nguy hiểm, nên không ít phụ huynh sẵn sàng bỏ qua, thông cảm cho nhà trường, rồi giữ kín chuyện. Thậm chí một số người phản đối khi có ai đó muốn làm tới nơi tới chốn, để sự việc không được phép lặp lại.
Họ quên mất rằng, sự đồng hành, thông cảm với nhà trường khác hoàn toàn với sự im lặng trước các dấu hiệu sơ hở nghiêm trọng trong quản lý, có thể dẫn đến chuyện tồi tệ cho con họ, và đương nhiên nhà trường khi đó cũng không thể vô can.
Họ có thể lo sợ con cái bị trù dập tại trường nên chấp nhận im lặng để khỏi phiền hà, mà quên mất rằng, trì hoãn đến trường không phải là điều gì ghê gớm so với khả năng sự sống bị trì hoãn, sức khỏe bị kéo lùi.
Còn về phía các nhà trường, sự việc xảy ra là điều không ban giám hiệu nào mong muốn. Nhưng thay vì minh bạch thông tin, thẳng thắn nhận trách nhiệm trong phạm vi chức trách của mình và rà soát quy trình cho chặt chẽ, thì có rất nhiều –nếu không muốn nói là đa số trường hợp, các trường chọn cách giải quyết nội bộ, trao đổi với từng phụ huynh để được cảm thông, được bỏ qua, để sự việc không bị đưa lên “phây”, lên báo.
Nói cách khác, những thao thác để giữ cho phụ huynh im lặng, giữ dư luận im lặng, được coi trọng hơn cả giải pháp để siết chặt an toàn cho trẻ.
Không một vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo từ trước.
Đã có những cháu đau bụng sau bữa ăn, ậm ạch khó chịu cả buổi chiều, nhưng bố mẹ biết chuyện mà không kiểm tra khoanh vùng các nguyên nhân, không trao đổi hỏi han thêm trên nhóm lớp.
Đã có những cháu phát hiện bún chua, mắm lạ, báo với giáo viên trông bán trú mà bị phớt lờ. Trẻ thậm chí còn bị quở mắng và yêu cầu im lặng.
Và chắc chắn, có những nhân viên nhà bếp đã phát hiện ra dấu hiệu không ổn, nhưng ngại phiền cho bản thân, sợ bị trù dập, bị mất việc, nên cũng chọn cách im lặng.
Khi người lớn im lặng vì những lý do khác nhau, dù là bất cẩn, chủ quan, hay sợ hãi, thì ai sẽ bảo vệ những đứa trẻ, khi tiếng nói của chúng cũng rơi vào im lặng, hoặc bị buộc phải im lặng?
Cơ chế duy trì sự im lặng nếu còn tiếp diễn, môi trường để người ta muốn lên tiếng và dám lên tiếng nếu vẫn chưa được tạo ra, thì mọi sự giám sát – dù có hay không – cũng là vô nghĩa.
Nếu người ta vẫn nhầm lẫn giữa đồng hành với giám sát tích cực, vẫn lo ảnh hưởng đến lợi ích của mình hơn là lo ngăn chặn những mối nguy đang đe dọa và hoàn toàn có thể xảy ra với hàng đứa trẻ trong tầm bao bọc kiểm soát của họ, thì không chỉ một, mà sẽ còn rất hiều vụ iSchool xảy ra.
Vấn đề chỉ là thời gian và địa điểm...
Theo vovgiaothong
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất