06:39 11/08/2024

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: "Mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình"

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Ngọc Quang - Lại Cường

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám chia sẻ, hãy đồng hành cùng con để sớm có hướng lựa chọn phù hợp, không nên chạy theo những điều viển vông, hãy giúp các con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Làm thế nào để dạy trẻ nhỏ trưởng thành, trở thành người tốt, có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng vẫn là câu hỏi đau đáu với nhiều người làm giáo dục, các thầy cô giáo và cả cha mẹ học sinh. Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà giáo Nguyễn Văn Tám - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để thảo luận về quan điểm dạy học trò trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Khuyến khích trẻ phát triển theo sở thích và điểm mạnh

Xin bắt đầu cuộc trò chuyện bằng việc vừa qua, một số nơi xảy ra tình trạng nhà trường gợi ý học sinh theo hướng học nghề vì cho rằng, đó là những học sinh yếu kém, không có khả năng đỗ vào lớp 10 công lập. Họ mặc nhiên coi đó là “những học sinh dốt”. Thầy suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Quan điểm giáo dục của tôi là không có học trò dốt, chỉ có người thầy chưa đủ giỏi, chưa đủ tâm, đủ tầm, chưa biết cách dẫn dắt, khích lệ học trò để các em thực hiện ước mơ. Trước đây, tôi rất thành công trong đào tạo học sinh giỏi tham gia thi đội tuyển nhiều cấp độ, nhưng rồi tôi tự hỏi, mình phải làm thế nào để đưa những học sinh có nền tảng thấp hơn vươn lên. Đó là một hành trình dài mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Thật hạnh phúc vì nhiều em ban đầu chỉ ở mức học trung bình đã trở thành học sinh giỏi.

Qua nhiều năm giảng dạy và làm công tác quản lý, tôi nhận thấy học trò sinh ra và lớn lên ở những hoàn cảnh khác nhau thì có nền tảng và cách tư duy khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải tìm được giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của học trò. Hơn thế nữa, người thầy tốt thì không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo, tinh thần học hỏi không ngừng cho học sinh. Người thầy tốt sẽ biết giúp học trò nhận ra tiềm năng, vượt qua trở ngại, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Nhưng dường như học trò giờ đây vẫn đang chịu nhiều áp lực khi tới trường, loay hoay không biết học thế nào, lựa chọn hướng đi ra sao?

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Vấn đề áp lực của học sinh hiện nay cần có góc nhìn đa chiều. Đầu tiên phải thẳng thắn nói rằng, hệ thống giáo dục vẫn quá đặt nặng thành tích. Các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp, tốt nghiệp đặt ra nhiều kỳ vọng, áp lực lên học sinh, khiến các em phải dành nhiều thời gian, nỗ lực ôn tập đạt kết quả cao, dẫn đến căng thẳng.

Bên cạnh đó, chính các phụ huynh cũng đang tự tạo áp lực cho con một cách thái quá khiến đứa trẻ mệt mỏi, thậm chí mắc các hội chứng tâm lý khi phải cố gắng đáp ứng mong đợi của cha mẹ.

DSCF1003
Nhà giáo Nguyễn Văn Tám - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Lại Cường

Muốn giảm áp lực cho học sinh, trước hết cần thay đổi nhận thức, sự đòi hỏi của xã hội, phải có định hướng cụ thể theo năng lực của các cá nhân. Hệ thống giáo dục cần cải thiện phương pháp đánh giá, giảm bớt áp lực điểm số, chú trọng phát triển kỹ năng mềm, khả năng sáng tạo tùy thuộc vào năng lực của từng nhóm học sinh.

Điều tôi muốn nói ở đây là mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng, bố mẹ hãy đồng hành cùng con để sớm có hướng lựa chọn phù hợp. Không nên chạy theo những điều viển vông, áp đặt vô lý, vì như vậy sẽ làm mất thời gian, bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển tài năng của trẻ.

Giúp con tự tin, sớm trưởng thành

Nhiều người kể rằng, thầy có cách giáo dục con rất đặc biệt, phát huy được năng lực sở trường. Thầy có thể chia sẻ với các gia đình cách làm của mình?

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Tôi có hai cô con gái đều chọn nghề giáo như bố. Con gái lớn đã ra trường, hiện đang làm việc tại một trường tư thục với mức lương xứng tầm với sức sáng tạo. Đặc biệt, con cảm thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc của mình.

Việc chọn nghề của các con đều qua quá trình trải nghiệm thực tế, không chỉ dựa trên lý thuyết, sự định hướng, mong muốn của ông bà, cha mẹ. Trong suốt giai đoạn học THCS và THPT, tôi ủng hộ hai con tham gia các chương trình học tập trải nghiệm ngắn hạn với các trại hè, câu lạc bộ kỹ năng tại nhiều địa điểm trong và ngoài nước, khuyến khích các con giao lưu, học hỏi, tự tin phát biểu trước đám đông. Từ đó, con dần khám phá ra những điều yêu thích, rồi mới hướng tới chọn ngành nghề phù hợp. Tôi luôn nói với các con: “Nếu không yêu nghề thì ngay cả đi ăn cũng khổ chứ đừng nói đi làm”.

Lúc đầu, con gái lớn của tôi có ba lựa chọn: Bác sĩ, giáo viên và nhà báo. Với mỗi nghề mà con có cảm giác thích, tôi đều xây dựng kế hoạch cho con tìm hiểu, trải nghiệm tối thiểu 10 ngày tại các cơ sở nghề nghiệp mà con chọn. Bởi hơn ai hết, là một người làm giáo dục tôi hiểu rằng, cái thích của con trẻ mới chỉ là cảm tính của đứa trẻ ở tuổi 16. Lúc đầu trải nghiệm, con rất hào hứng, nhưng sau đó con nhận ra mình không phù hợp. Qua đó, cũng để con sớm chuyển hướng chọn nghề.

Ngoài ra, tôi luôn tạo điều kiện để các con tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, con gái nhỏ rất thích hội họa thì tôi khích lệ tham gia các lớp vẽ, triển lãm nghệ thuật. Khi nhận ra sự yêu thích cụ thể nghề nghiệp của mình, bọn trẻ rất sáng tạo trong học tập, lao động và đạt được thành công trong cuộc sống.

Tôi luôn khuyến khích các con phát triển tư duy độc lập, trưởng thành, dạy các con cách suy nghĩ logic, phân tích, đánh giá tình huống một cách cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ, khi con muốn thử sức với kinh doanh, tôi khuyến khích con tham gia vào một dự án khởi nghiệp nhỏ để có thể học hỏi, trải nghiệm trực tiếp.

Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, không ngại thất bại. Các con tôi hiểu rằng, thất bại là một phần của quá trình trưởng thành. Bằng cách tự trải nghiệm và rút ra bài học từ những sai lầm, các con trở nên tự tin hơn, có khả năng đối mặt với những thử thách trong thực tiễn cuộc sống.

Tôi tin rằng, việc khuyến khích, hỗ trợ con cái trải nghiệm, tự chọn lựa con đường của mình là cách tốt nhất để phát triển toàn diện, hạnh phúc. Việc giáo dục con không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn giúp con xây dựng một nền tảng vững chắc về tư duy, kỹ năng, giá trị sống.

IMG_9911
Mỗi đứa trẻ đều có những lợi thế nhất định. Quan trọng là các thầy cô biết động viên kịp thời để các em tự nâng cấp chính bản thân mình. Ảnh: Ngọc Quang

Giờ đây nhiều gia đình có xu hướng quan tâm tới chuyện dạy con trở thành người tử tế nhiều hơn là làm đẹp thành tích học tập. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?

Nhà giáo Nguyễn Văn Tám: Tôi nghĩ rằng, cha mẹ nào cũng mong con mình trở thành người tử tế, nhưng muốn vậy thì chính người lớn phải cư xử tử tế làm gương cho trẻ nhỏ. Dạy một đứa trẻ trở thành người lương thiện là việc không khó, nhưng cũng không dễ, điều này phụ thuộc vào bố mẹ, thầy cô và nhà trường.

Các cụ xưa đã có câu “dạy con từ thuở còn thơ”. Khi đứa trẻ tới trường cũng được dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Để giúp một đứa trẻ hình thành những đức tính tốt đẹp thì ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ phải đặc biệt chú ý tới mọi hành vi dù là nhỏ nhất, luôn hướng cho con hiểu điều hay lẽ phải, tránh suy nghĩ, hành xử ích kỷ. Tôi rất chú trọng những vấn đề này khi dạy con, bởi khi đứa trẻ suy nghĩ tích cực, thật sự biết chia sẻ, yêu thương gia đình, những người xung quanh sẽ nhận lại yêu thương của mọi người và có được hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Văn Tám về cuộc trò chuyện!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận