Nhiều giải pháp gợi mở tháo gỡ khó khăn cho kinh tế báo chí
Nhà nước cần có “cơ chế đặt hàng” các cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách giúp cơ quan báo chí vừa tăng doanh thu, vừa đảm bảo tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đó là kiến nghị của nhiều đại diện lãnh đạo các báo, đài Trung ương và địa phương tham gia Diễn đàn kinh tế báo chí 2023.
Hôm nay (24/2), tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.
Tới dự và chủ trì Hội nghị có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cùng hơn 120 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành cùng về tham dự.
Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng hoạt động kinh tế báo chí trong các cơ quan báo chí hiện nay, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta… Từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Diễn đàn kinh tế báo chí 2023 là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024" và chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao.
Trước những khó khăn, xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn đang lúng túng tìm ra các giải pháp tháo gỡ. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và kịp thời. Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để chúng ta tiến về phía trước với tinh thần lạc quan", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu: “Tôi rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế báo chí (KTBC). Bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Định luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí phát triển. Kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp. Giải được bài toán kinh tế báo chí cũng là giúp các báo, đài địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính và phát triển.
"Tháo gỡ khó khăn bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Tại diễn đàn còn có nhiều tham luận của lãnh đạo các báo, đài… đưa ra ý kiến, đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm tháo gỡ cho việc phát triển kinh tế báo chí trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế báo chí của tòa soạn báo điện tử Nhân dân, ông Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban điện tử Báo Nhân dân cho biết: “Nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới chia làm 3 nhóm chính: Từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách, thương hiệu; Từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Từ hoạt động liên kết, hợp tác nhằm những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử...
Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Các báo thường thành công về nội dung trước sau đó mới tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung đáp ứng nhu cầu độc giả của tờ báo, đồng thời chú trọng chiến lược kinh doanh nhằm thu hút khách hàng tiềm năng đẩy mạnh phát triển KTBC”.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đẩy mạnh phát triển KTBC, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung và giảm thiểu các chi phí: Vận hành, sản xuất, phân phối...; Nắm bắt được thị hiếu của độc giả; Xây dựng các mô hình quảng cáo hiệu quả bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất.
Chuyển đổi số báo chí thành công cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, giúp cơ quan báo chí phát triển đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều đại biểu cùng nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với kinh tế báo chí như: Thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo... Đồng thời đề xuất Nhà nước cần có “cơ chế đặt hàng” với cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách giúp cơ quan báo chí vừa tăng doanh thu, vừa đảm bảo tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất