Những nữ hộ sinh làm việc xuyên Tết mang mùa xuân đến với các em bé sơ sinh
Với nhiều ngành nghề đặc thù như nghề hộ sinh, ngành đường sắt, điện lực,... những ngày Tết đồng nghĩa với làm việc xuyên Tết, xa người thân trong khoảnh khắc đón năm mới. Dù vậy, với họ đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong năm khi được cống hiến, tận tâm, tận lực, góp phần đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà.
Niềm đam mê xuất phát từ tình yêu con trẻ
Chăm sóc bé là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, đặc biệt phải có kỹ năng và tình yêu trẻ mới có thể đảm nhận được. Ngày Tết khi mọi người quây quần bên mâm cỗ, dành nhiều thời gian cho gia đình, đi thăm họ hàng và đi du xuân, thì có những người tận tâm với nghề, đi làm xuyên Tết.
Đó là công việc đặc biệt của chị Nguyễn Thị Tâm (Khoa Sản, Bệnh viện Vinmec, Hà Nội). Đến nay, chị đã có 18 năm trong nghề. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã ước ao được làm trong ngành y, đến với nghề hộ sinh như một cái duyên.
“Khi vào bệnh viện thăm người nhà mới sinh, tôi được chứng kiến hình ảnh các mẹ bầu, em bé mới chào đời. Sau đó, tôi tình được gặp các y bác sĩ, y tá, các chị hộ sinh, thấy mọi người vất vả nhưng luôn tươi cười, tôi bắt đầu cảm thấy công việc của họ thật đáng ngưỡng mộ. Từ đó, tôi dần hình thành mong muốn được làm cùng những “thần tượng” của mình”, chị Tâm chia sẻ.
Chị vui vẻ kể lại những ngày đầu mới vào nghề: “Hồi còn ngồi trên ghế giảng đường, ngày nào tôi cũng sáng, chiều đi học, tối đi trực ở viện, tuần hai buổi đều đặn như thế, vất vả không có thời gian nghỉ ngơi, người gầy như “xác ve”. Nhưng khi được thông báo có ca nào sắp đẻ là “xông vào tận nơi”. Lần đầu tận mắt chứng kiến các chị hộ sinh đỡ đẻ, về nhà tôi bị ám ảnh mấy ngày, tối còn ngủ mơ đỡ đẻ cho bạn, có đứa bạn tôi còn mơ đang đi đẻ”.
Thời gian làm việc tại bệnh viện không thua kém gì chị Tâm, chị Nguyễn Thị Hải Nhung đang làm công việc hộ sinh cho Khoa sản, Bệnh viện 198 từ năm 2006 tính đến nay đã được 16 năm.
Chị bồi hồi nhớ kỷ niệm trong những ngày đầu bén duyên với nghề: “Trước đây, sau khi ra trường, tôi làm ở Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Lần đầu tiên tôi đỡ đẻ cho sản phụ là khi học năm thứ hai, trường nữ hộ sinh. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu được sang khoa Phụ sản, Bệnh viện Hải Dương thực tập, ngay buổi đầu tiên thầy trưởng bộ môn đã cho đi đỡ đẻ”.
Chị cho hay, cảm giác lần đầu tiên đỡ đẻ hồi hộp khó tả, về đến ký túc xá tay vẫn còn run, bạn bè xúm lại hỏi cảm nhận lần đầu tiên đỡ đẻ như thế nào.
“Thiệt thòi” khi ngày Tết đến
Tết là khoảng thời gian mọi người dành trọn cho gia đình. Tuy nhiên đối với những người làm nghề chăm sóc trẻ sau sinh thì dường như không có ngày nghỉ Tết. Đó chính là vì trách nhiệm trong công việc và hơn cả là tình cảm đối với mỗi sinh linh mới chào đời.
Trong suốt 18 năm làm nghề, hầu như năm nào chị cũng xung phong đảm nhiệm trực Tết. Hồi chưa có gia đình thì trực ngày nào chị cũng thấy thoải mái, dù là 30 Tết hay mùng một, mùng hai,...
Tuy nhiên, khi có gia đình rồi, năm nào bị phân công trực vào ngày 30 Tết, chị buồn lắm vì thương chồng và các con. “Người người ra đường đi chơi đêm giao thừa, người thì ở nhà quây quần bên gia đình, còn mình thì tối đến lủi thủi xách xe để đi trực”, chị Tâm ngậm ngùi.
Nhưng may mắn là hai bên gia đình nội ngoại đều hiểu và thông cảm cho chị, chấp nhận như một thói quen của công việc. “Tính chất công việc mình làm như vậy, mọi người đành phải thông cảm chứ thực tế chắc không ai thích đâu”, chị giãi bày.
Chị Nhung kể, có đợt chị trực vào dịp Tết, việc đón khoảnh khắc giao thừa nhiều khi cũng bỏ lỡ bởi có bệnh nhân vào cấp cứu là ai nấy vào việc. Có khi vừa nâng ly lên định chúc nhau năm mới mọi điều tốt đẹp thì người nhà bệnh nhân gọi.
Vất vả như vậy nhưng với các nữ hộ sinh, họ đã chọn nghề y đồng nghĩa với việc cống hiến hết mình, tận tâm hết sức với công việc đã được phân công, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé…
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất