11:35 09/11/2022

Phòng ngừa tội phạm trẻ em: Phải từ cái 'gốc' giáo dục

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên có xu hướng gia tăng, do vậy, cần điều chỉnh chế tài, hạ độ tuổi trẻ em, hay siết chặt quản lý thế nào?

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Một trong các vấn đề được quan tâm, đó là tội phạm mạng và tội phạm do ảnh hưởng từ các thông tin xấu độc trên mạng ngày càng phức tạp.

Trong đó tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên có xu hướng gia tăng. Cần điều chỉnh chế tài, hạ độ tuổi trẻ em, hay siết chặt quản lý thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã đối thoại với PGS. Nguyễn Trọng An, Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến cho tội phạm liên quan đến trẻ em, bao gồm cả phạm tội với trẻ em và trẻ em gây ra hành vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng?

PGS. Nguyễn Trọng An: Bây giờ những nạn nhân cũng trẻ và những kẻ gây ra tội ác cũng trẻ hóa. Nguyên nhân gốc rễ là vấn đề giáo dục trong gia đình. Chúng ta đã buông lỏng giáo dục trong gia đình nhiều năm nay.

Ở nhà trường cũng ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, kỹ năng pháp luật và tình dục mà chỉ chú tâm vào kiến thức và thành tích.

PV: Vậy để phòng ngừa tội phạm liên quan đến trẻ em, cần các giải pháp nào thưa ông?

PGS. Nguyễn Trọng An: Pháp luật hiện hành đã có rất nhiều điều khoản đảm bảo tính răn đe, đã có những tranh luận cần phải hạ tuổi trẻ em xuống, thực ra đây không phải là nguyên nhân gốc.

Để giảm thiểu vấn đề này, trong các văn bản pháp luật cần cố gắng đẩy mạnh, tăng cường giáo dục gia đình và giáo dục ở nhà trường về đạo đức, tình dục, pháp luật và phải được đưa vào trong nhà trường.

Đồng thời đẩy mạnh đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ các bậc cha mẹ các kỹ năng, kiến thức về vấn đề này để giáo dục con cái – đó mới là vấn đề chính.

Việc tăng hình phạt, hạ thấp tuổi trẻ em xuống không phải là vấn đề gốc mà gốc là vấn đề giáo dục tại gia đình và tạo các cơ hội, điều kiện để các bậc cha mẹ có kiến thức, có kỹ năng về pháp luật để bảo vệ trẻ em, hỗ trợ con cái mình chấp hành luật pháp, không vi phạm pháp luật.

Vấn đề nữa là quản lý nhà nước và quản lý các chất kích thích. Hiện nay các loại rượu, bia, thuốc lá đã bị tiêm nhiễm vào trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên.

phong-ngua-toi-pham-tre-em-phai-tu-cai-goc-giao-duc
Công an Hà Nội vây bắt hơn 40 đối tượng tụ tập đua xe trái phép vào ngày 21/11/2021. Ảnh: Công an TP Hà Nội

PV: Ngoài công tác tuyên truyền giáo dục, việc quản lý các thông tin xấu độc trên môi trường mạng cần được siết chặt thế nào, thưa ông?

PGS. Nguyễn Trọng An: Việc quản lý các văn hóa phẩm, từ YouTube, internet, tình dục và bạo lực trên mạng và rất nhiều vấn đề… Luật Trẻ em đã quy định rất rõ 17 cơ quan bảo vệ trẻ em; đặc biệt trong Nghị định số 56 về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng đã quy định rất rõ cơ quan nào cung cấp các sản phẩm trên mạng, có trách nhiệm quản lý thế nào, bảo vệ ra sao và nội dung thế nào… thật ra chúng ta đang buông lỏng.

Nếu chúng ta không quản lý được thì cực kì nguy hiểm. Bây giờ các văn bản pháp luật cần phải quy định rất rõ trách nhiệm, đạo đức công vụ của những người được giao nhiệm vụ này.

Song song đó nhanh chóng kiện toàn mạng lưới công tác xã hội, hỗ trợ các bậc cha mẹ, thầy cô giáo để chăm sóc hỗ trợ cho trẻ em.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận