Nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng: Khó xử lý
Internet đã lan rộng khắp từ thành thị cho tới nông thôn, cùng với những lợi ích, internet cũng mang lại nhiều rủi ro khiến nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, thay vì cấm đoán trẻ dùng, cha mẹ và nhà trường cần đồng hành cùng trẻ.
Cần gia đình và nhà trường vào cuộc
Nguyễn Hồng Nhung (8 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết em rất thích tạo clip và đăng lên Tiktok. Có thời gian rảnh là em hay lên mạng internet để xem và theo dõi những tài khoản mình ưa thích.
Tuy nhiên, cô bé thường xuyên xem phải những video và hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi học trò. "Con thấy có những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của chúng con, nhiều clip tình cảm, ăn mặc hở hang, ăn nói tục tiêu, thậm chí là chém giết" - Hồng Nhung nói.
Báo cáo nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng" mới nhất do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy trẻ em ở Việt Nam đang bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em không báo hay trình báo về việc đó.
"Để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, mà cần sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Ông Đặng Hoa Nam
Báo cáo cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng khá lớn. 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua. Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững MSD nhận định: "Chưa bao giờ xâm hại trẻ em dễ dàng như thế nhờ có sự hỗ trợ của môi trường mạng. Trong khi đó qua thống kê cỡ trung cho thấy chỉ hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; gần 9% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng".
Khó xử lý...
Ông Đào Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả nặng nề. Nguy cơ các em bị xâm hại cũng cao hơn so với ngoài cuộc sống. "Lý do là bởi giờ công nghệ phát triển, em nào cũng có thể truy cập mạng. Trong khi đó, môi trường mạng thường rất ảo, khi bị xâm hại thì khó phát hiện xử lý ngay được"- ông An nói.
Còn theo đại tá Phan Mạnh Trường - Phó cục Trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng, cần có mô hình những nhóm phản ứng nhanh để phát hiện liên tục, đối phó với những trang web xấu, độc tại Việt Nam. "Chúng ta phải rà soát thường xuyên những website độc, xấu, có hình ảnh khiêu dâm thì phải chặn các dải IP đó, có thể xuất phát từ nước ngoài, có thể là ở Việt Nam để các em không có điều kiện tiếp cận các website đó nữa. Ngoài ra, phải cập nhật thường xuyên, sự thay đổi các trang để xử lý nhanh nhất có thể"- ông Trường cho hay.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết Thủ tướng đã ban hành chương trình và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 thực hiện bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em và các đối tác, cơ quan thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và vận hành một mạng lưới bảo vệ trẻ em môi trường mạng, bao gồm một số cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan vệ pháp luật, một số tổ chức xã hội và một số doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng.
Ông Nam cũng cho biết Cục Trẻ em đang triển khai xây dựng quy trình, để có thể kết nối bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kết nối với các dịch vụ về các điều kiện chăm sóc một cách nó đầy đủ và toàn diện để giảm tổn hại cho trẻ.
Theo Dân việt
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất