08:51 13/12/2022

Rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên: Hiểu đúng để cùng vượt qua

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Khi con gặp khủng hoảng tinh thần, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ tưởng tượng ra, trẻ 'sướng quá sinh tệ' và không đưa con đi khám, điều trị kịp thời.

Khi con mắc bệnh thể chất, phụ huynh luôn vội vàng đưa con đến bệnh viện, làm theo mọi yêu cầu của bác sĩ với mục đích duy nhất là trẻ mạnh khỏe. Nhưng khi con gặp khủng hoảng tinh thần, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ tưởng tượng ra, trẻ 'sướng quá sinh tệ' và không đưa con đi khám, điều trị kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo, quan niệm này là sai lầm và dẫn đến nhiều hệ lụy; phụ huynh cần đồng hành và chia sẻ cùng con.

c2860a972cdac5849ccb
Bác sĩ đang trao đổi và hướng dẫn hợp tác điều trị cho phụ huynh có con bị rối loạn tâm lý. Ảnh: HUỲNH GIAO

Xóa bỏ rào cản

Lan Anh (14 tuổi, ngụ TPHCM) đến phòng khám tâm lý trong tình trạng “cảm giác như mình đang ở tù, chỉ muốn tự tử”. Nguyên nhân là do cha mẹ kiểm soát, bảo bọc Lan Anh quá mức từ nhỏ tới lớn: sẽ đón đưa cho tới khi Lan Anh học xong đại học, bắt buộc con phải chọn ngành học theo ý cha mẹ, không cho con đi chơi riêng, không cho con đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, can thiệp mọi mặt từ quần áo đến tóc tai của con…

Sau khi trao đổi với Lan Anh, bác sĩ gặp riêng gia đình để đề nghị phối hợp nhưng gia đình không chấp nhận con mình có vấn đề, cho rằng gia đình đang “định hướng” tốt cho con, họ hàng dòng tộc nhiều thế hệ đều làm thế… Một trường hợp khác là Minh Hằng (15 tuổi, ngụ TPHCM) bị bạn bè bạo hành trên mạng, đặt điều nói xấu, bị cả lớp tẩy chay. Gia đình đưa em đến Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM trong tình trạng khủng hoảng, không dám đến trường, trầm cảm. Được bác sĩ kê toa thuốc, khuyên hạn chế dùng mạng xã hội, thay đổi lối sống, chia sẻ với gia đình… Sau vài tháng, tình hình của Minh Hằng đã tốt hơn.

Theo BSCK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM, những năm gần đây, độ tuổi các bệnh nhân bị mắc vấn đề rối loạn tâm lý ngày càng trẻ hóa, số lượng thanh thiếu niên có biểu hiện căng thẳng, lo âu, trầm cảm… tăng lên rất nhiều. Xã hội phát triển, các khủng hoảng tâm lý cũng tăng lên theo nhịp độ cuộc sống. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và chính bản thân trẻ coi việc thừa nhận mình có vấn đề tâm lý, phải đến các phòng khám là điều đáng xấu hổ.

Rất ít phụ huynh hiểu biết về bệnh tâm lý; đa số phụ huynh không tin, không hiểu con đang gặp vấn đề. Các em không nói chuyện được với phụ huynh chủ yếu do khoảng cách gây nên bởi áp lực gia đình. “Nhiều em rạch cổ tay đầy sẹo; thế nhưng dù bác sĩ kê đơn, phụ huynh vẫn không chấp nhận, cho rằng trẻ đang ở tuổi dậy thì, thích thể hiện, làm quá lên. Hoặc có khi phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ nhưng trẻ lại không hiểu tình trạng của mình. Thường bác sĩ phải dặn phụ huynh nói với con đây chỉ là buổi tư vấn, trò chuyện bình thường, vì nếu nói đi khám tâm lý thì các em không hợp tác”, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho biết.

Gia đình phải là điểm tựa

Theo Th.S Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, trẻ có vấn đề tâm lý là điều bình thường, và việc hỗ trợ con vượt qua các khó khăn tâm lý là điều phụ huynh phải làm. Mỗi cá nhân là một chỉnh thể thống nhất về 3 mặt (thể chất, tâm lý và xã hội). Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến hai mặt còn lại.

Việc các bậc phụ huynh không biết cách làm bạn với con, áp đặt góc nhìn từ trên xuống, la mắng, cấm đoán, hỏi những câu tiêu cực về điểm số… là những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và khiến trẻ dần xa cách với cha mẹ hơn. Th.S Phan Thị Cẩm Giang thông tin: “Phụ huynh không chấp nhận vấn đề của con, để trẻ loay hoay một mình sẽ khiến các em tự làm hại bản thân, sụt giảm các mối quan hệ, tự sát… Với trẻ đã thực hiện hành vi tự sát mà được cứu sống thì khả năng lặp lại hành vi này vẫn rất cao”.

Th.S Phan Thị Cẩm Giang cũng cho biết, môi trường giáo dục đặt nặng thành tích có thể xảy ra bạo lực như tẩy chay, bạn bè bắt nạt, giáo viên “đì”, bạo lực mạng… Những tác nhân rất cũ nhưng chưa được người lớn quyết tâm loại bỏ khiến trẻ luôn sống trong áp lực, sợ đến trường và cũng sợ về nhà.

Khi trẻ mới gặp vấn đề, thường các em không tâm sự với thầy cô, phụ huynh mà hay vào các hội nhóm trên mạng xã hội của những người có bệnh giống mình chia sẻ, xin lời khuyên để một mình chịu đựng, vượt qua. Những hội nhóm này thường mang rất nhiều năng lượng tiêu cực, dễ khuyên các em theo những cách chữa trị không chính quy, hoặc lôi kéo nhau làm những hành động tổn hại thân thể. Ngoài ra, các em không biết khi nào cần gặp các chuyên gia tâm lý, khi nào cần gặp bác sĩ. Nhiều người học qua tâm lý, không có bằng cấp y khoa nhưng cứ tự nhận mình là bác sĩ và chữa trị, vì thế nhiều em dù có can thiệp vẫn không hết bệnh, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Còn theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, đối với các rối loạn tâm lý ở lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, sự giúp đỡ của gia đình là cực kỳ quan trọng. Gia đình phải được hướng dẫn để tìm hiểu bệnh của trẻ có diễn biến, hậu quả như thế nào. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ giúp trẻ tìm ra gốc rễ của bệnh. Đặc biệt, nếu các nguyên nhân từ gia đình thì bác sĩ càng phải gặp người nhà để tìm được tiếng nói chung.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2021, cứ 7 trẻ từ 10-19 tuổi trên thế giới thì có 1 trẻ bị mắc vấn đề rối loạn tâm lý, chiếm 13% tỷ lệ các bệnh trẻ em ở lứa tuổi này. Nguyên nhân do yếu tố môi trường gia đình, trường học và cộng đồng ảnh hưởng lớn đến tinh thần trẻ.​

Theo SGGP.ORG.VN</p>

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận