Hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì. Cha mẹ cần hành động ngay lập tức!
Tuổi dậy thì là lứa tuổi rất phức tạp, bởi cả tâm, sinh lý của trẻ đều thay đổi. Chính vì vậy, giai đoạn này các em dễ rơi vào các hội chứng tâm lý nếu phát triển trong một môi trường không lành mạnh.
Vì sao độ tuổi này dễ mắc phải bệnh tâm lý?
Đây là giai đoạn mà các em có sự thay đổi về bề ngoài rất lớn. Đối với nam thì giọng ồm, bắt đầu mọc ria mép, xuất hiện hiện tượng mộng tinh. Ở nữ giới thì ngực nở, có kinh nguyệt,... Những điều này đều là sự phát triển hoàn toàn bình thường của con người, nhưng một số bạn có dấu hiệu dậy thì sớm hơn thì lại bị các bạn chế giễu. Có những em bị mụn dậy thì trên mặt nhiều dẫn đến việc bị chê bai, hay bị rơi vào trạng thái bối rối vì tốc độ phát triển quá nhanh về mọi mặt trên cơ thể,...
Bởi độ nhạy cảm tâm lý trong độ tuổi này rất cao nên các em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực khi tiếp nhận những lời nói, phán xét độc hại. Từ đó, thanh thiếu niên có suy nghĩ nghi ngờ vào bản thân, tin sự phán xét thiển cận của mọi người là đúng, dẫn đến tình trạng không làm chủ được hành vi. Đặc biệt có sự xúc tác của các nền tảng mạng xã hội không lành mạnh, phim ảnh bạo lực,... khiến trẻ dễ mắc các bệnh về tâm lý.
Biểu hiện khi bị rối loạn tâm lý
Mỗi người bị mắc bệnh tâm lý lại có một biểu hiện khác nhau, sau đây là những triệu chứng, biểu hiện dễ nhận thấy nhất đối với một bệnh nhân có vấn đề về tâm lý:
- Khả năng học hành bị giảm sút, không tập trung, hay bị xao nhãng khi đang làm việc;
- Luôn trong trạng thái căng thẳng, bứt rứt, gây ra sự hỗn láo với người lớn tuổi;
- Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài: ngủ quá nhiều, mất ngủ, ngủ chập chờn hoặc rơi vào trạng thái lo âu;
- Hành vi mất tự chủ như bỏ nhà, đánh nhau, cảm xúc lên xuống thất thường (hưng phấn, trầm cảm).
Tình trạng rối loạn tâm lý sẽ có thể tiến triển thành các bệnh lý tâm thần. Hai loại bệnh tâm lý phổ biến hiện nay chính là hội chứng trầm cảm và hưng cảm, cực kỳ dễ gặp ở tuổi vị thành niên.
Một số hội chứng dễ gặp ở tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc
Đây là một tình trạng rối loạn tại não bộ, đặc biệt là trong giai đoạn tâm sinh lý biến đổi khiến cảm xúc của trẻ trong độ tuổi này trở nên nhạy cảm, bất ổn về mặt tinh thần. Có hai tình trạng rối loạn cảm xúc chính mà trẻ em thường hay gặp phải, đó chính là trầm cảm và hưng cảm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm, phổ biến nhất là do sang chấn tâm lý (stress), đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các rối loạn tâm lý khác. Sang chấn tâm lý ở độ tuổi này có thể bắt nguồn từ sự mâu thuẫn với gia đình, bạn bè trên trường lớp,... hay sự thay đổi hoặc mất mát đột ngột của một ai đó vốn từng mang lại cảm giác an toàn tuyệt đối cho trẻ. Sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... cũng là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm.
Ngược lại với trầm cảm, hưng cảm là hội chứng đặc trưng bởi tình trạng hưng phấn của cơ thể, biểu hiện rõ như cảm xúc hưng phấn, khí sắc tăng, hoạt động tăng, tư duy hưng phấn. Nguyên nhân chính xác của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa rõ ràng. Nếu trong gia đình từng có người mắc chứng này, các thế hệ sau cũng có khả năng mắc phải. Rối loạn lưỡng cực cũng có thể liên quan đến sự mất cân bằng hóa học của não bộ.
Rối loạn tâm lý hành vi
Mắc phải chứng rối loạn tâm lý hành vi, trẻ em và trẻ vị thành niên thường gặp khó khăn khi phải tuân theo các nguyên tắc hành xử thông thường được xã hội chấp nhận. Khi tiếp nhận quá nhiều lời chỉ trích, trẻ sẽ không còn tự tin vào bản thân của mình mà bắt đầu có những biểu hiện tự cô lập bản thân mình, hay cãi lộn khi bị áp đặt quan điểm khác với suy nghĩ của mình, tự làm tổn thương bản thân vì nghĩ mình quá yếu ớt và kém cỏi,... Thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm… bởi bản chất không muốn chấp nhận những quy tắc bị áp đặt.
Hành động của cha mẹ
Những biểu hiện nêu trên đều là những căn bệnh tâm lý phổ biến, nếu phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì trẻ vẫn có khả năng khỏi bệnh. Chính vì vậy, các em đang khi nhận thức được mình đang bị mắc bệnh tâm lý phải chủ động yêu cầu sự trợ giúp từ gia đình hoặc các tổ chức xã hội tư vấn tâm lý.
Cha mẹ cần phải ý thức được rằng, đây không phải là những “triệu chứng bình thường” của tuổi dậy thì (hay cả khi con đã trưởng thành), đây là “bệnh tâm lý”, nghiêm trọng và cấp thiết hơn rất nhiều so với bệnh thể chất, bởi nó có thể không có biểu hiện gì rõ ràng kể cả khi con đang trong một trạng thái rất chấp chới.
Chính vì vậy khi nhận ra con đang có những dấu hiệu của bệnh tâm lý thì phải lập tức đưa con đi gặp các chuyên gia tâm lý để có phác đồ điều trị phù hợp.
Thái độ của cha mẹ trong khi con đang điều trị bệnh cũng rất quan trọng. Hãy trở thành một người bạn thân với con, cùng con tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời để con giải tỏa tâm lý. Tránh cho con tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, văn hoá phẩm đồi trụy, đặc biệt là hạn chế sử dụng mạng xã hội có tính độc hại, tiêu cực.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất