23:12 11/03/2024

Sở GD&ĐT Hải Phòng chấn chỉnh tình trạng thu tiền của học sinh và phụ huynh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Ngày 11/3, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hải Phòng, cơ quan này vừa ban hành liên tiếp 2 văn bản để điều chỉnh hoạt động giáo dục.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng phát đi văn bản  số 671/SGDĐT-VP và văn bản số 266/TB-SGĐT điều chỉnh các hoạt động đối với trường các đơn vị trực thuộc và  xác minh sự việc tại trường THPT Đồng Hòa.

Chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường

Tại văn bản số 671/SGDĐT-VP, Sở GD&ĐT Hải Phòng gửi người đứng đầu các Phòng GD&ĐT quận/huyện, các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.

Văn bản cho biết, thời gian gần đây một số cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động dạy học tích hợp liên môn và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bên ngoài nhà trường (gọi tắt là hoạt động trải nghiệm) chưa hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây lãng phí, chưa phù hợp với mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc mất an ninh, an toàn, gây dư luận xấu trong xã hội.

Trai-Nghiem-Hai-Phon[1]
Hiện trường vụ việc xe khách chở học sinh Trường THCS Hoà Nghĩa đi học tập trải nghiệm bị va chạm giao thông. Ảnh: Page Hải Phòng

Theo phản ánh của một số phụ huynh, hiện có tình trạng tổ chức cho học sinh, nhất là học sinh khối cuối cấp đi du lịch kết hợp “chụp ảnh kỷ yếu”, dâng hương “cầu cúng xin điểm” tại các tụ điểm du lịch tâm linh trong và ngoài TP Hải Phòng, có dấu hiệu trá hình hoạt động trải nghiệm, chi phí tốn kém tạo gánh nặng cho các phụ huynh và mang tính phản giáo dục.

Để đảm bảo hoạt động trải nghiệm được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không tổ chức hoạt động trải nghiệm tự phát; nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi tham quan, du lịch, dâng hương; thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định.

Văn bản của Sở GD&ĐT Hải Phòng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp phải theo đúng các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đảm bảo phù hợp với các chủ đề, đáp ứng yêu cầu và tình hình đặc điểm của nhà trường và địa phương.

Được biết, gần đây trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra một số vụ việc gây dư luận xã hội không tốt liên quan đến hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, như việc lùm xùm ở trường THPT Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng), hoặc vụ việc xe chở học sinh trường THCS Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) đi trải nghiệm gặp tai nạn khiến 4 học sinh phải nhập viện vào ngày 7/3 vừa qua.

Yêu cầu kiểm điểm Hiệu trưởng trong vụ vận động nhà xe gần 1 tỷ đồng

Tại văn bản số 266/TB-SGĐT, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có thông báo kết quả kiểm tra, yêu cầu trường THPT Đồng Hòa (quận Kiến An) dừng kế hoạch vận động tài trợ sửa chữa nhà gửi xe. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân.

Theo văn bản xác minh cho thấy, ngày 1/6/2023, ông Trần Văn Nhường, Hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa cho rà soát toàn bộ cơ sở vật chất nhà trường và nhận thấy một số hạng mục công trình xuống cấp, đặc biệt là cổng trường và khu vực nhà để xe học sinh cần phải sửa chữa ngay.

Từ đó, nhà trường ra chủ trương sửa chữa và mở rộng nhà gửi xe, nguồn kinh phí xã hội hóa, vận động phụ huynh ủng hộ.

Tuy nhiên, việc triển khai này bị Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa hạn chế trong việc phổ biến, thông tin đến phụ huynh.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch vận động, tài trợ để sửa chữa, mở rộng nhà xe học sinh, nhà trường chưa giải thích rõ với phụ huynh việc sửa chữa đầu năm học 2023-2024 chỉ là giải pháp tạm thời, phục vụ kịp thời cho năm học mới, về lâu dài cần phải sửa chữa và mở rộng nhà xe để đáp ứng nhu cầu và an toàn.

Về nội dung phụ huynh phải “tự nguyện” đóng 800.000 đồng/học sinh để sửa chữa nhà xe. Theo báo cáo của nhà trường, Kế hoạch vận động tài trợ mới chỉ ở bước triển khai sau khi được phê duyệt, nhà trường khẳng định chưa triển khai thu tiền.

4d059e30f0af5df104be-1709263833[1]
Trường THPT Đồng Hòa. Ảnh: CTV

Tuy vậy, trường THPT Đồng Hòa đã có khuyết điểm trong quy trình triển khai thực hiện. Sở nhận định trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm nêu trên trước tiên thuộc về hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu.

“Trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm nêu trên trước tiên thuộc về Hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu; sau đó là trách nhiệm liên quan của lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân trong nhà trường với vai trò tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn sai sót khi tổ chức triển khai thực hiện”, văn bản của Sở GD&ĐT.

Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng nhà trường khẩn trương tổ chức phổ biến, công khai tới toàn thể hội đồng trường, phụ huynh và học sinh để hiểu đúng về việc sửa chữa nhà xe.

Sở cũng yêu cầu trường báo cáo việc dừng thực hiện kế hoạch vận động tài trợ đã được phê duyệt, làm đúng các thủ tục tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật theo đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong nhà trường đối với sự việc nêu trên.

Trước đó, theo phản ánh của phụ huynh, tại buổi họp toàn phụ huynh giữa năm học, hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa đã vận động phụ huynh góp 800.000 đồng/học sinh để sửa chữa nhà gửi xe.

Với tổng số hơn 1.300 học sinh, nếu vận động một lần với mức 800.000 đồng, nhà trường sẽ thu được khoảng 1 tỷ đồng. Nhiều phụ huynh bức xúc vì liên tiếp phải đóng góp nhiều khoản tiền lớn nên đã kiến nghị, phản ánh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận