Biến tướng lạm thu trong trường học, nhiều đứa trẻ đang bị lợi dụng?
Lạm thu trong trường học dường như đã trở thành một căn bệnh trầm kha núp dưới vỏ bọc tự nguyện, xã hội hóa. Phụ huynh tiếp tục bức xúc, phải chăng nhiều đứa trẻ đang bị lợi dụng?
Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc tự nguyện, xã hội hóa
Ngày ngày, hàng triệu các bậc cha mẹ hàng ngày lo đến thắt ruột vì chuyện học hành của con cái. Ngoài chuyện ký tên vào đơn để "học thêm", nay lại đến những khoản thu mang danh tự nguyện, xã hội hóa.
Cuối tháng 2/2024, một phụ huynh có con theo học tại Trường Mầm non Xuân Tảo B (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh chụp đoạn tin nhắn với nội dung vận động cha mẹ học sinh đóng góp chi phí nâng cấp thảm cỏ sân chơi, mức tối thiểu mỗi em cần đóng là 1 triệu đồng.
“Để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỷ niệm ngày 8/3, nhà trường sẽ tổ chức tiệc buffet (tiệc đứng) cho các con, mỗi lớp sẽ trích 300.000 đồng tiền quỹ nộp về nhà trường”, đây cũng là dòng thông báo khác về việc vận động kinh phí phục vụ một hoạt đòng của Trường Xuân Tảo B.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Tảo B xác nhận vụ việc đang được thực hiện ở trường nhưng khẳng định: "Nhà trường có kêu gọi xã hội hóa việc sửa chữa lại thảm cỏ ở sân chơi cho học sinh, tuy nhiên, việc này là hoàn toàn tự nguyện".
Về nội dung mỗi lớp phải đóng 300.000 đồng tổ chức buffet ngày 8/3, cô Mai cho hay: "Năm nào trường cũng tổ chức các ngày hội, ngày lễ. Nếu phụ huynh không đồng ý cho con ăn buffet thì trường vẫn tổ chức các hoạt động vui chơi bình thường".
“Dự kiến làm sân cỏ ở 2 khu vui chơi với diện tích khoảng hơn 400m2. Việc này do hội phụ huynh tự tìm hiểu, kêu gọi hỗ trợ vì trường mới xây dựng 4 năm chưa có kinh phí”, cô Mai giải thích.[1]
Cũng tại trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng), phụ huynh trường này đã bức xúc khi được Hiệu trưởng nhà trường thông báo, huy động tài trợ 800.000đồng/học sinh để xây dựng nhà gửi xe, trong khi nhà gửi xe đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều tháng trước.
Phản ánh với truyền thông, nhiều phụ huynh cho biết từ đầu năm các phụ huynh lớp con chị đã đóng góp nhiều khoản tiền... Trong đó, có khoản quỹ hội cha mẹ học sinh (2,5 triệu đồng/2 kỳ), gần Tết nhà trường tổ chức cho các cháu đi tham quan ngoại khóa tại Ninh Bình (1,9 triệu đồng/học sinh)…
Ông Trần Văn Nhường – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hòa thừa nhận, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà trường tổ chức buổi họp toàn thể phụ huynh, vận động tài trợ nhằm sửa chữa nhà gửi xe cho học sinh.
Tuy nhiên, ông Nhường phủ nhận việc vận động cào bằng 800.000 đồng/học sinh ở tất cả các khối.
Sự việc đã được Sở GD&ĐT Hải Phòng đã vào cuộc đồng thời có văn bản chỉ ra và giúp Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THPT Đồng Hòa đã nhận thức rõ về những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm như trên.[2]
Cũng tại Hải Phòng, nhiều phụ huynh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong bày tỏ bức xúc khi giáo viên chủ nhiệm của một lớp thông báo số tiền phải đóng gồm: tiền học trong tháng 2 là 872.000 đồng và tiền đi dâng hương, học tập trải nghiệm là 2.830.000 đồng.
Tổng số tiền hơn 3,7 triệu đồng, phụ huynh phải đóng cho con đến ngày 9/3/2024 để giáo viên chủ nhiệm nộp về trường.[3]
Phụ huynh, học sinh có bị ép dưới danh nghĩa tự nguyện?
Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Và để thực hiện quốc sách này thì phải thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP ban hành năm 2008 đã xác định lĩnh vực xã hội hóa bao gồm: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép thu hai khoản: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Tới năm 2014, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP tiếp tục khẳng định rõ các nội dung nêu trên.
Cần phải nhấn mạnh rằng, xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn, vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, việc này không chỉ phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa giáo dục đang bị không ít cơ sở giáo dục, hội phụ huynh học sinh hiểu chưa đúng dẫn đến sự biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hơn nữa, lạm thu trong trường học thường gây ra sự tranh cãi và bức xúc từ phụ huynh, học sinh và dư luận, tạo ra môi trường học tập căng thẳng. Điều này còn dẫn đến sự không công bằng xuất phát từ việc một số phụ huynh phải trả tiền nhiều hơn so với khả năng tài chính của họ, gây ra sự bất công trong tiếp cận giáo dục.
Việc lạm thu trong giáo dục có vẻ như đã có nhiều ‘biến tướng’ khi thay vì những năm trước nhiều bậc phụ huynh "nín thở" chờ nhà trường công bố các khoản thu đầu năm thì gần đây đã được dàn trải thành từng khoản nhỏ trong suốt cả năm học. Những khoản nhỏ “vặt” trong năm gộp lại đã thành khoản lớn.
Không phải ngẫu nhiên năm học 2023 – 2024 đã đi qua được nửa chặng đường chuyện lạm thu trong trường học lại bùng lên như vậy.
Bộ GD&ĐT từ cuối năm học 2021-2022 đã gửi văn bản tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học tới. Trong đó, nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học". Bộ cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, thay vì tập chung cả các khoản vào đầu năm học, các trường đã có sự “tuân thủ” hơn khi các khoản thu được dàn trải suốt năm.
Mỗi địa phương có những giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Tiền Giang… đã có những biện pháp cụ thể ngăn chặn nạn lạm thu đầu năm học.
Tuy nhiên, tình trạng các khoản thu gây bức xúc trong phụ huynh vẫn cứ diễn ra bằng cách này hay cách khác, mà phổ biến là núp dưới danh nghĩa tự nguyện của các phụ huynh và mỗi lần bị phát hiện thì Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu cũng chỉ bị nhắc nhở, phê bình, rút kinh nghiệm... rồi tới năm học sau tình trạng lạm thu lại tái diễn, không có hồi kết.
- Tài liệu tham khảo:
[1].https://danviet.vn/truong-mam-non-xuan-tao-b-ha-noi-keu-goi-moi-phu-huynh-dong-1-trieu-dong-sua-tham-co-20240226194447571.htm
[2].https://giaoduc.net.vn/so-gd-hai-phong-chi-ro-khuyet-diem-cua-thpt-dong-hoa-trong-van-dong-sua-nha-xe-post241185.gd
[3].https://tienphong.vn/hai-phong-phu-huynh-buc-xuc-vi-dong-gan-3-trieu-dong-cho-con-di-trai-nghiem-post1616465.tpo
Quý độc giả phản ánh về các vụ việc: Xâm hại trẻ em; Mất an toàn thực phẩm với trẻ em; Bạo lực học đường; Ép buộc học thêm; Gian lận thi cử; Tiêu cực trong thu chi tại các trường học gây ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh... có thể gửi tới địa chỉ: toasoantevn@gmail.com - Hotline: 0865.221168 - 0912.024.390
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất