12:07 05/12/2024

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Thành Phát

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), đảm bảo cho học sinh đạt được chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp và của cấp học.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 45 trường đang thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt cho học sinh DTTS, đảm bảo cho học sinh đạt được chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp và của cấp học.

Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 8.113 trẻ em mầm non vùng DTTS được tăng cường học tiếng Việt, theo Kế hoạch số 81/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 29/4/2022.

tremamnon
Thái Nguyên tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS.

Sau hiệu quả bước đầu của giai đoạn 1, cùng với cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai giai đoạn II thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, định hướng đến năm 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, với 5/9 huyện, thành phố tham gia. Trong đó, các cơ sở giáo dục đã tăng cường tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số thông qua các đồ chơi, học liệu, tổ chức các hoạt động trong sinh hoạt, vui chơi để học sinh có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nhưng vẫn trên cơ sở bảo tồn được tiếng và bản sắc của dân tộc.

Tại huyện Đồng Hỷ, thực hiện Kế hoạch số 108/KH-UBND, ngày 11/7/2022 của UBND huyện về thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn, huyện lựa chọn Trường Mầm non Văn Lăng, Trường Mầm non Tân Long làm điểm tập huấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ có 100% là người dân tộc Mông. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, nhà trường đã bố trí giáo viên thông thạo cả hai ngôn ngữ, nhằm tạo thuận lợi trong việc giao tiếp và truyền dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Ngoài ra, hoạt động dạy và học cũng được triển khai lồng ghép, thông qua các đồ vật trang trí, các đồ chơi gần gũi để trẻ dễ hiểu và có thêm kỹ năng giao tiếp, nói tròn vành rõ tiếng Việt.

Thực giảng 1 tiết học cho trẻ
Thực giảng một tiết học cho trẻ.

Cô giáo Đỗ Thị Tình, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng chia sẻ, dạy tiếng Việt cho các con ở đây phải kiên trì, sử dụng song ngữ và ngôn ngữ hình thể, tổ chức cho các con những trò chơi nhỏ, chọn cho các con những câu chuyện, bài thơ ngắn dịch ra tiếng mẹ đẻ của các con, qua đó kiên trì dạy các con để cho các con hiểu và nói được tiếng Việt tốt hơn.

Cô giáo Dương Thùy Lê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cây Thị, huyện Đồng Hỷ: "Đại đa số cô giáo là người Kinh, nhà trường cũng đã phối hợp với Hội phụ nữ của xóm mỗi một tuần dạy một tiết học tiếng cho các cô giáo để các cô có vốn từ của người dân tộc để qua đó sẽ thuận lợi trong việc chăm sóc cũng như là tuyên truyền với các bậc phụ huynh về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ".

Tại huyện Võ Nhai, năm 2024 – 2025, toàn huyện có 11.946 học sinh, trong đó có 1.225 cháu huy động vào lớp 1 và 1.444 em vào lớp 6, tỷ lệ huy động đạt 100%. Việc triển khai dạy học tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cũng được địa phương quan tâm, thực hiện.

Bà Hoàng Thị Huyền, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai cho biết: "Phòng Giáo dục Võ Nhai chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND huyện hỗ trợ kinh phí để tăng cường xây dựng bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học và cũng tham mưu đề xuất với các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường kinh nghiệm quản lý cũng như chỉ đạo chung cho toàn cấp học".

Tại huyện Định Hoá, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhằm tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non là người DTTS. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các trường có học sinh là người DTTS đã tích cực xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Định Hóa, cho biết: Hầu hết học sinh trên địa bàn huyện nói, giao tiếp ở trường mầm non, ở gia đình, ở cộng đồng bằng tiếng Việt nhưng cách trình bày và nói chưa đủ ý, một số học sinh nhận diện chữ cái, chữ số tại lớp mầm non còn chưa thuần thục... Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ của thầy, cô tại trường tiểu học là làm thế nào để trẻ vào lớp 1 được chuẩn bị tiếng Việt một cách tốt nhất.

Theo bà Hoài, các trường đã cử giáo viên tăng cường bồi dưỡng cho học sinh làm quen với cách cầm bút, cách sử dụng sách, vở, đồ dùng học tập, làm quen với các hoạt động nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt... Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT Định Hóa đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp, cụ thể như: Tổ chức dạy học tăng cường, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS vào lớp 1 trong 2 tuần sau ngày học sinh tựu trường, trước khi khai giảng năm học mới. Giáo viên thực hiện tăng cường, chuẩn bị tiếng Việt là giáo viên biên chế, được dự kiến phân công dạy lớp 1 trong năm học.

Theo cô giáo Đinh Thị Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, trường đã lập các nhóm Zalo, Facebook để tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, quay những đoạn video ngắn về nói tiếng Việt chuẩn với các cháu để gửi cho các cô giáo và từ đó thì các cô giáo biết được là các cháu đang nói tiếng Việt chuẩn hay chưa để cùng hướng dẫn các cháu nói tiếng việc chuẩn.

Năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Đồng Thịnh (huyện Định Hóa) có tổng số 224 học sinh, với 10 lớp, trường có 1 điểm chính và 1 điểm trường lẻ là An Thịnh, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 80%. Học sinh ở độ tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quá trình học nói và khi vào lớp 1, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng DTTS, việc nói tiếng Việt tương đối hạn chế. Vì thế, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh được Nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.

Với sự phối hợp với phụ huynh, các hội, đoàn thể địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non đã chủ động và xây dựng được cảnh quan môi trường cho trẻ vùng DTTS một cách phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa vùng DTTS, đáp ứng nhu cầu học tập và tăng cường tiếng Việt. Tính đến nay, 100% trẻ DTTS đến lớp đều được tăng cường tiếng Việt; 100 % trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS ra lớp được đánh giá hoàn thành chương trình và được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy vùng DTTS đều tham các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ em DTTS, nhờ đó năng lực và phương pháp, kỹ thuật tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ DTTS được nâng lên đáng kể.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận