09:27 25/11/2024

Thái Nguyên ưu tiên triển khai xây dựng trường học số

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Thành Phát

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tích cực xây dựng trường học số nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giáo dục hiện đại...

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Trường học số đang trở thành xu hướng tích cực, được chú trọng và phát triển cùng với chuyển đổi số trong giáo dục.

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên

Hiện, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng các phần mềm quản lý như quản lý nhà trường, kế toán, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn tỉnh, hỗ trợ cho các nhiệm vụ quản lý và giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị giáo dục trong tỉnh đã đầu tư hệ thống mạng internet, wifi đến từng lớp học, trang bị máy chiếu và tivi thông minh. Điều này không chỉ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến mà còn nâng cao khả năng học tập và nghiên cứu cho học sinh.

Ngành giáo dục đã xây dựng đội ngũ cốt cán gồm hơn 1.500 cán bộ và giáo viên ngay tại các cơ sở giáo dục hỗ trợ triển khai chuyển đổi số tại các trường học. Ngoài ra, hàng loạt lớp tập huấn và hội nghị đã được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng số được tổ chức cho hơn 17.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành.           

Toàn bộ các cơ sở giáo dục đã thực hiện dạy học trực tuyến, với gần 6 triệu tiết học được thực hiện qua các nền tảng số. Đồng thời, ngành giáo dục cũng xây dựng và phát triển học liệu số với 7.878 tài liệu phục vụ cho việc dạy học và tự nghiên cứu của học sinh. Tiến tới xây dựng các mô hình trường học áp dụng công nghệ số và trường học thông minh.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 687 cơ sở giáo dục, trường học.

Sở đang xây dựng trường học số trên địa bàn tỉnh gắn với kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của các trường học trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030. Trong năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai xây dựng mô hình điểm tại 4 trường tại TP. Thái Nguyên: Mầm non Đồng Quang, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, THPT Chuyên Thái Nguyên. Sau đó tiếp tục lan toả, nhân rộng mô hình trường học số trên địa bàn...

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên -2

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, việc xây dựng trường học số là việc chuyển đổi từ việc tiếp thu tri thức thụ động sang vận dụng và kiến tạo tri thức; đồng thời, đòi hòi sự tương tác liên tục. Tại trường học số, các chương trình học được thiết kế sẵn, kết hợp tạo thành hệ sinh thái, để việc học trên môi trường số an toàn hiệu quả. Bởi vậy, trước mắt, Sở chỉ đạo các nhà trường ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lực số, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên...

Một trong những thuận lợi cơ bản để triển khai trường học số trên địa bàn tỉnh đó là trường học đã được quan tâm ưu tiên nguồn lực triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin trong dạy học. Nhiều trường đã được trang bị hệ thống máy tính và thiết bị phục vụ dạy học số, tạo nền tảng ban đầu cho việc triển khai mô hình trường học số. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh tại các trường đều tích cực và chủ động tiếp cận công nghệ mới. Hầu hết giáo viên đã áp dụng công nghệ vào bài giảng qua các nền tảng học trực tuyến.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp phải một số khó khăn nhất định, do hạ tầng công nghệ - thông tin, mạng Internet ở một số trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Kinh phí, ngân sách đầu tư cho việc chuyển đổi số và xây dựng trường học số còn hạn chế. Khả năng ứng dụng công nghệ chưa đồng đều, một số giáo viên và học sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong việc sử dụng các công cụ công nghệ và học tập trực tuyến...

Bởi vậy, để thực hiện mục tiêu trường học số trên địa bàn, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tham mưu với địa phương quan tâm ưu tiên mở rộng mạng Internet đến các khu vực trường học vùng sâu, vùng xa, trang bị thêm thiết bị học tập số.

Tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên và học sinh nhằm đào tạo kỹ năng số, sử dụng thành thạo các công cụ số trong dạy và học. Tích cực ứng dụng phần mềm quản lý và học tập trực tuyến, triển khai các phần mềm quản lý học sinh, sổ liên lạc điện tử, quản lý học bạ trực tuyến, các lớp học ảo, giúp kết nối hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tập trung bố trí kinh phí đầu tư và nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị công nghệ cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, đảm bảo kết nối đồng bộ và liên tục cho các hoạt động dạy học số. Tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo kỹ năng số, tập huấn sử dụng công nghệ cho giáo viên và học sinh, nhất là ở các trường khu vực khó khăn, giúp họ tự tin và thành thạo trong ứng dụng số.

Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội, kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ thiết bị, tài liệu số hóa và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các trường học, nhất là ở vùng khó khăn. Đặc biệt, cần phát triển nội dung học liệu số, xây dựng học liệu phong phú, dễ tiếp cận, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng cấp học, từ đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và đánh giá hoạt động dạy học, đảm bảo chất lượng triển khai trường học số...

Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngành giáo dục không chỉ là nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển chính quyền số, cải cách hành chính công của tỉnh Thái Nguyên. Nhờ các thành tựu đã đạt được, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đang dần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số toàn diện, hướng tới mục tiêu không chỉ phục vụ tốt hơn cho người dân, mà còn đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên số.

Mới đây, trong buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu ngành GD&ĐT cần tập trung xây dựng các trường học số, xanh, hạnh phúc, chú trọng việc ứng dụng các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, học liệu trực tuyến mở… tạo cơ hội cho học sinh và người dân có môi trường, cơ hội học tập, tiếp cận tri thức tốt nhất.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận