06:05 16/11/2022

Bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội thảo Tập huấn về bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em cho Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em và các luật sư, luật gia khu vực phía Bắc.

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội, ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội, ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch Hội cùng đại diện cơ quan quản lý Nhà nước như: Toà án Nhân dân Tối cao, các hội viên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là luật sư ở các tỉnh, thành phía Bắc.

hội thảo bảo vệ trẻ em
Các luật sư, khách mời tham dự cuộc hội thảo (Ảnh: Hương Giang).

Phát biểu tại cuộc họp, bà Hoàng Thị Song Mai - Trưởng phòng hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên, Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Toà án Nhân dân Tối cao đánh giá, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên).

Hiện nay, ngoài Hiến pháp, Việt Nam có 30 Bộ luật, Luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên và 23 Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, Nghị quyết của các bộ, ban, ngành được ban hành có nội dung liên quan đến người chưa thành niên.

Từ quy định về hệ thống, tổ chức, hoạt động của các cơ quan quản lý chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thiết lập từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch nhằm đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa các hành vi vi phạm quyền của trẻ em, đến hệ thống các văn bản phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên đều được hoàn thiện phù hợp với thời đại, cam kết quốc tế.

Bà Hoàng Thị Song Mai - Trưởng phòng hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên
Bà Hoàng Thị Song Mai - Trưởng phòng hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên, Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Toà án Nhân dân Tối cao phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Hương Giang).

Chia sẻ về những quy định mới, bà Mai cho biết, Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề ra những nguyên tắc định hướng mới nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, đối xử với người chưa thành niên một cách bình đẳng, công bằng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi, tăng cường xử lý tại cộng đồng, hạn chế giam giữ, xử lý nhanh chóng người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật nêu trên cũng yêu cầu ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý không chính thức thay thế cho xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù Việt Nam cơ bản đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Hệ thống pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa phù hợp với nguyên tắc pháp quyền, thực tiễn xã hội và còn lạc hậu so với thế giới.

Một số nội dung của các công ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên chưa được nội luật hoá.

Chưa có các thiết chế, cơ chế phù hợp để thi hành; việc thi hành pháp luật chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Nguồn lực vật chất và con người còn hạn chế; nhận thức, quan niệm về trách nhiệm và việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn cứng nhắc, chưa có sự phân biệt rạch ròi với người đã thành niên.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận