Phòng, chống bạo hành trẻ em: Bắt đầu từ người thân
Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020 - 2021 do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (MICS) toàn cầu của UNICEF cho thấy, hơn 72% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 10-14 đã từng bị kỷ luật bạo lực.
68,4% bị bạo hành bởi cha, mẹ hoặc người thân
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Trong những năm qua, Chính phủ đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra với mức độ và tính chất đáng lo ngại.
Khảo sát trên cho thấy: kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Còn theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra…Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp của nam giới và củng cố nam tính. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình có những ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hãi, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác. Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà ra đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có trẻ đã tự tử…
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho rằng: do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này. Mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.
Kỹ năng làm cha, mẹ
Ngăn chặn và ứng phó với bạo lực đối với trẻ em là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động của (UNICEF) nhằm tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em của Việt Nam. Một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động để loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em của UNICEF là góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan như Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn. Thực tiễn sau gần 5 năm thực hiện Luật này cho thấy, những quy định tính đột phá, rõ trách nhiệm của chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực cho những trẻ đang có nguy cơ đã phát huy tác dụng trên thực tế.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan thì việc nâng cao năng lực và khả năng chống chịu, tăng cường giáo dục kỹ năng làm cha mẹ đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội để hỗ trợ các gia đình giải quyết được các yếu tố dẫn đến bạo lực đối với trẻ em cũng được tổ chức này chú trọng. Ngoài ra cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng được hỗ trợ để khuyến khích và bảo vệ con em mình khỏi bị bạo hành từ đó giúp các em chuyển tiếp một cách an toàn sang bậc học mầm non và tiểu học.
Từ góc tiếp cận nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha, mẹ người chăm sóc nhiều mô hình gắn kết, nâng cao nhận thức như: Câu lạc bộ làm cha, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ làm cha mẹ, Câu lạc bộ nói không với bạo lực trẻ em … đã được hình thành ở hầu khắp các tỉnh, thành, địa phương với thông điệp lan tỏa yêu thương, không dùng bạo lực.
Mới đây nhất, UNICEF, UN Women và UNFPA đồng hành cùng chính phủ và các tổ chức quốc tế như Plan International, ChildFund, Save the Children, World Vision đã phát động chiến dịch truyền thông Trái Tim Xanh nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam trong các bối cảnh khẩn cấp, kêu gọi người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em cũng như các nhà hoạch địch chính sách chống lại bạo lực.
Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào.
Trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có buổi tiếp Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về phòng, chống bạo lực trẻ em, TS.Najat Maalla M'jid. Tại buổi tiếp, cả hai bên đã trao đổi về đầu tư hợp lý đối với nhiều dịch vụ xã hội hỗ trợ trẻ em như: giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới tính; tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ tư pháp hỗ trợ trẻ em; dịch vụ một cửa hỗ trợ trẻ em và mô hình chăm sóc thay thế tại các gia đình đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ. Hy vọng những chương trình cụ thể thiết thực với sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương, cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế sẽ góp phần hạn chế bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo Đại biểu Nhân dân
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất