07:12 22/03/2023

Thông tin học sinh, phụ huynh bị rao bán công khai: Nhiều lỗ hổng để lọt, lộ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Thông tin của học sinh, phụ huynh bị mua bán công khai khiến nhiều phụ huynh bức xúc, trong khi nhiều nhà trường chưa biết thông tin này lọt, lộ ra ngoài từ đường nào.

Phụ huynh bất ngờ và bức xúc

Sau khi có các danh sách học sinh, phụ huynh, PV Thanh Niên đã tiến hành xác minh tính xác thực của thông tin này. Đáng chú ý, trong danh sách 39 học sinh lớp 1 trường tiểu học P.M (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), đa phần phụ huynh xác nhận con họ đang học trường này. Địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp của các phụ huynh đều đúng như trong danh sách.

Qua điện thoại, chị N. giật mình khi nghe PV nói đúng ngày tháng năm sinh, tên tuổi, giới tính, nơi sinh, trường học của con, số bạn học cùng lớp của con; tên và nghề nghiệp của chị và chồng. Chị N. bức xúc và lo lắng khi được PV cho hay thông tin lớp học của con chị bị rao bán trên mạng xã hội.

"Tôi cũng không biết vì sao thông tin của lớp học con tôi bị lộ và càng đau lòng khi bị rao bán. Trong khi đó, thời gian qua, tình trạng phụ huynh bị kẻ gian gọi đến thông báo con họ bị tai nạn giao thông, lừa chuyển tiền để chữa trị rồi chiếm đoạt. Thật sự quá nguy hiểm và không thể lường được hậu quả", chị N. nói và đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

hoc-sinh-1679413533994299
hoc-sinh1-167941353411221
Danh sách thông tin học sinh, phụ huynh các trường tiểu học, THCS tại Hà Nội (trái) và các trường quốc tế tại TP.HCM bị rao bán trên mạng xã hội Chụp màn hình

Tương tự, phụ huynh L.V.S cũng tỏ ra bất ngờ khi được PV cung cấp hình ảnh danh sách lớp học của con anh. Anh S. bức xúc khi danh sách lớp học bao gồm nhiều thông tin của học sinh, phụ huynh bị lộ và được rao bán trên mạng xã hội.

Theo danh sách học sinh lớp 1 trường tiểu học T.T (Q.11, TPHCM), PV liên hệ phụ huynh bé L.B.M.K qua số 0981654xxx. Qua điện thoại, bà S. (mẹ của bé K.) xác nhận bé K. đang học lớp 1 trường tiểu học T.T. Bà S. cũng bất ngờ khi biết được thông tin cá nhân của bé K. đang bị mua bán trên mạng. Theo bà S., thông tin về ngày tháng năm sinh của bé K. và số điện thoại người nhà, bà chỉ khai với tổ dân phố trước khi bé vào lớp 1. Bên cạnh đó, thông tin chi tiết về bé K. và gia đình cũng được khai đầy đủ khi học ở trường. "Gia đình chúng tôi chỉ cung cấp thông tin ở địa phương, trường học. Vậy tại sao lại lọt lên mạng xã hội để họ mua bán? Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ", bà S. nói.

PV cũng đã liên hệ 5 phụ huynh theo danh sách của trường tiểu học T.V.O (Q.Tân Bình, TPHCM). Tất cả đều bất ngờ khi PV đọc rõ họ tên con, địa chỉ cụ thể từng phụ huynh. "Việc để lộ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà kèm theo số điện thoại phụ huynh ra ngoài rất nguy hiểm. Không chỉ tội phạm lừa đảo tấn công mà còn nhiều việc riêng tư cá nhân, an toàn gia đình cần phải tính tới", một phụ huynh lo lắng nói.

Danh sách học sinh, phụ huynh bị mua bán là thật

Liên quan đến danh sách học sinh, phụ huynh mà PV Thanh Niên thu thập được từ các hội nhóm trên mạng xã hội, qua xác minh từ phía nhà trường là thật 100%. Cụ thể, hai danh sách 116 phụ huynh, học sinh lớp 1 đăng ký học tiếng Anh tích hợp, tăng cường của trường tiểu học T.T (Q.11) là trùng khớp với của trường. Thầy P.V.T (Ban giám hiệu trường tiểu học T.T) cho biết, sau khi nhận được phản ánh của PV, phía nhà trường đã cho kiểm tra lại quy trình tiếp nhận, bảo mật thông tin học sinh, phụ huynh. Hai danh sách mà PV cung cấp trùng khớp với danh sách của trường.

"Nhà trường từ trước đến nay tuân thủ các quy định tiếp nhận, bảo mật thông tin của học sinh, phụ huynh tại trường. Khi công bố thông tin học sinh thì đã tuyển lựa, cắt bỏ những thông tin về địa chỉ, nghề nghiệp của phụ huynh", thầy T. khẳng định. Theo thầy T., phía nhà trường sau khi tiếp nhận thông tin học sinh, phụ huynh sẽ tập hợp báo cáo về phòng giáo dục. Danh sách học sinh, thông tin phụ huynh từng lớp được chuyển giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp. "Nhưng thông tin cụ thể, chi tiết về ngày tháng năm sinh, môn học của học sinh và số điện thoại của phụ huynh trong danh sách bị mua bán, hiện chúng tôi chưa biết được vì sao lọt ra ngoài", thầy T. nói và cho biết thêm, từ sau những việc lừa đảo nhắm vào phụ huynh, học sinh gần đây, nhà trường đã cảnh báo với tất cả phụ huynh của trường.

Thông tin học sinh, phụ huynh bị rao bán công khai: Nhiều lỗ hổng để lọt, lộ - Ảnh 3.
Bài viết giới thiệu bán dữ liệu học sinh, sinh viên trên mạng (Ảnh: Chụp màn hình).

Danh sách 671 tên, ngày tháng năm sinh của học sinh, kèm địa chỉ, số điện thoại phụ huynh của trường tiểu học T.V.O (Q.Tân Bình) bị mua bán công khai trên mạng cũng được lãnh đạo trường này xác nhận là đúng. Trao đổi với PV, thầy Đ. (Phó hiệu trưởng trường T.V.O) cho hay: "Từ lâu trường thực hiện đúng quy định bảo mật thông tin, học sinh và phụ huynh. Nhà trường không đưa danh sách học sinh lên trang web của trường, không chia sẻ ra bên ngoài. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, không biết danh sách học sinh từ đâu mà lại bị bán công khai trên mạng". Theo thầy Đ., hằng năm, UBND phường phối hợp Phòng giáo dục quận lập danh sách học sinh vào lớp 1 trên địa bàn. Sau đó, danh sách này được chuyển xuống cho trường quản lý, theo dõi và thực hiện tuyển sinh. Danh sách học sinh, thông tin phụ huynh được trường bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm quản lý. Giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng không có chủ trương chia sẻ danh sách lớp mình cho các phụ huynh.

"Từ trước đến nay, nhà trường công khai số điện thoại Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh trao đổi liên quan đến các vấn đề học tập, đời sống của con em mình tại trường. Sau các vụ lừa đảo, nhà trường đã họp và quán triệt tất cả giáo viên, phụ huynh về mức độ nguy hiểm nếu để thông tin học sinh và gia đình lọt ra ngoài", thầy Đ. thông tin.

Nhiều phụ huynh chủ quan, chưa ý thức được nguy hiểm

Thầy P. (hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Thủ Đức, TPHCM) cảnh báo, hiện có nhiều phụ huynh chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm về bảo mật thông tin cá nhân mình và con. Chính vì điều này, nhiều phụ huynh dễ dàng để lại tên, ngày tháng năm sinh của con kèm theo số điện thoại của mình tại các cửa hàng, khu trò chơi, trung tâm tiếng Anh, kỹ năng sống… Chính từ đây, thông tin học sinh được tập hợp và mua bán để rồi nhiều phụ huynh bị các số điện thoại lạ gọi đến chào các lớp học, mua sản phẩm…

Không chỉ thế, quá trình thu thập, quản lý thông tin học sinh của các nhà trường, UBND phường vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác thu thập thông tin học sinh lớp 1 đều do các tổ dân phố thực hiện bằng tay rồi gửi về UBND phường tổng hợp. Nhiều trường đưa thẳng danh sách học sinh kèm theo thông tin phụ huynh lên website của trường để tiện cho phụ huynh theo dõi. Phụ huynh ở từng lớp dễ dàng trao đổi danh sách học sinh kèm theo thông tin gia đình qua lại với nhau.

Thầy P. cho rằng, các quy định bảo mật thông tin học sinh, phụ huynh là có, nhưng trong quá trình thực hiện ở từng khâu vẫn còn nhiều điều cần phải chấn chỉnh bằng các hướng dẫn cụ thể. Quan trọng nhất là phụ huynh, giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý trong ngành giáo dục phải nhận thức được sự nguy hiểm khi để thông tin học sinh, phụ huynh lọt ra ngoài.

"Thông tin cá nhân học sinh, phụ huynh đang được mua bán công khai. Nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cần nhanh chóng bịt lại các lỗ hổng để thông tin này không lọt ra ngoài. Việc này sẽ giúp ngành giáo dục ứng phó được các thủ đoạn tiếp theo của tội phạm lừa đảo nhắm vào giáo viên, phụ huynh, học sinh", thầy P. góp ý.

(còn tiếp) 

Theo Mã Phong - Trần Duy Khánh
Thanh Niên

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận