10:19 05/10/2023

Phụ huynh 'than trời' con phải làm bài tập về nhà tới tận đêm

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Đầu năm học mới, các em học sinh đã quay trở lại trường để học tập, rèn luyện. Nhiều phụ huynh đau đáu mối lo, việc trẻ được giao quá nhiều bài tập về nhà sẽ khiến trẻ quá tải, áp lực học hành dẫn đến căng thẳng, không còn thời gian để các em nghỉ ngơi để nạp năng lượng cho ngày mới.

1222
Học sinh tiểu học bị giáo viên giao rất nhiều bài tập về nhà, mặc dù đã học 2 buổi mỗi ngày.

Bài tập dồn ứ từ cơ bản tới nâng cao

Gần đây, nhiều phụ huynh ở Hà Nội thắc mắc, tại sao mới đầu năm học mà học sinh tiểu học trên địa bàn lại bị giao rất nhiều bài tập về nhà. 

Đang có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, chị Nguyễn Thuỳ Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Con tôi mới vào lớp 2 thôi mà bài nhiều vô kể, từ cơ bản rồi đến nâng cao, có những bài đến bố mẹ còn không giải được. Đỉnh điểm là hôm trung thu cô giáo cũng không miễn bài tập cho các cháu, không hiểu học cả ngày ở trên lớp thì học những gì mà các cô lại cố nhồi nhét kiến thức khi về nhà như vậy?”.

Chị Dương bày tỏ thêm: “Thật sự mong rằng, các yêu cầu chấm dứt việc làm bài tập về nhà sẽ sớm được Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai, chứ 12h đêm mà trẻ vẫn phải làm bài tập về nhà thì không những con khủng hoảng mà mẹ cũng sắp trầm cảm tới nơi rồi”.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Bùi Luân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Tôi cũng đang ở trong hoàn cảnh y chang nên tôi rất đồng cảm với vị phụ huynh trên. Con tôi cũng là học sinh tiểu học, ngày nào hoàn thành xong bài sách giáo khoa, bài vở bài tập, xong bài nâng cao cũng đến 11 đêm. Nhiều bài sử dụng mẹo không cần thiết, bố mẹ còn không biết làm huống chi là con. Nhiều lúc thương con quá mà không biết phải làm sao". 

Chị Nguyễn Thuý Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) gợi ý, các bậc phụ huynh nên có ý kiến với giáo viên và nhà trường về vấn đề này. “Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi nói, đã có quy định giáo viên không được giao bài tập về nhà, bố mẹ nào thích thì tự cho con học thôi. Tuy nhiên, theo tôi, học sinh nếu chơi nhiều quá đâm ra không có thói quen học bài, tốt nhất nên có bài tập cuối tuần và không áp lực việc đó”, vị phụ huynh này nói. 

Tại họp báo thường kỳ của TP HCM chiều 28/9, khi đề cập thực trạng một số nơi vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình hiện hành là không giao bài về nhà cho học sinh tiểu học. Theo đó, học sinh đã học ở trường hai buổi mỗi ngày, giáo viên phải cho các em làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, giáo viên khuyến khích học sinh tự giác ôn lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu thấy cần.

Bài tập về nhà vừa đủ và phù hợp với năng lực của từng học sinh

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô Lê Phương Thu - Giáo viên trường Tiểu học Gia Thượng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tại trường, giáo viên cần giao bài tập về nhà cho các em học sinh để đảm bảo mỗi học sinh có thể rèn luyện, củng cố thêm kiến thức đã được học trên lớp, tránh tình trạng học trước quên sau. Có nhiều trường hợp, phụ huynh còn giục giáo viên giao bài tập để nhắc nhở con học bài. 

“Trên lớp, các em học sinh được tìm hiểu bài học qua nhiều hình thức khác nhau, kết hợp với các thiết bị hỗ trợ thông minh kiểu bảng tương tác,... làm sao để các em có thể hoàn thành bài tập ngay trên lớp. Để giảm tải bài tập về nhà, giáo viên chúng tôi chỉ giao bài tập trọng tâm vừa đủ và phù hợp với năng lực của từng học sinh. Khi giao bài tập chỉ lựa chọn dạng bài phù hợp với từng đối tượng học sinh yếu, khá, giỏi, không giao quá nhiều dễ dẫn đến áp lực cho học sinh”, cô Thu nhấn mạnh. 

Trên lớp, học sinh tiểu học được học kỹ năng sống trong các tiết hoạt động trải nghiệm được lồng ghép vào trong chương trình học chính khoá ở trên lớp để cung cấp kĩ năng sống cơ bản, cần thiết cho học sinh.

Theo cô Thu, giáo dục nên tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Quan trọng nhất là thời gian trẻ tự học. “Phụ huynh nên quan tâm, động viên tránh gây áp lực và hình thành cho con thói quen suy nghĩ, tự giác làm bài, thời gian đầu trẻ chưa quen cha mẹ có thể định hướng cho con, do đó, cần kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở con làm lại bài nếu con làm chưa đúng”, cô Thu đưa ra lời khuyên. 

Phụ huynh nên khuyến khích con tự học 

Bà Đinh Thị Bích Hảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lương II (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã quán triệt giáo viên không được giao bài tập về nhà cho các em học sinh nhằm hướng đến việc giảm tải áp lực học tập.

Theo đó, các nội dung bài giảng, giáo án, bài soạn của giáo viên khi lên lớp luôn đảm bảo phải truyền tải đầy đủ kiến thức theo yêu cầu. Phần lớn, học sinh luôn nắm được bài học với lượng kiến thức vừa phải ngay từ khi trên lớp. 

"Tuy nhiên, có một số gia đình cảm thấy con học vẫn còn yếu kém, chưa theo kịp các bạn trên lớp thì có nhờ cô giáo giao thêm bài tập về nhà cho con luyện tập thêm. Việc này nhà trường không quá khắt khe vì đó là quyền tự do, nhu cầu cá nhân của mỗi gia đình", bà Hảo thông tin.

Theo bà Hảo, phụ huynh không nên ép buộc con phải học quá nhiều hay giao thêm bài tập cho các con làm thêm ở nhà mà hãy khuyến khích học sinh tự giác trong việc tự ôn tập lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước cho bài mới nếu thấy cần. Bên cạnh đó, nên cho các con hoạt động, tham gia câu lạc bộ bóng rổ, bóng đá,... để nâng cao thể lực. 

Về phía phụ huynh, không ép buộc các con làm bài tập, quan tâm con đúng cách, để con có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đúng với lứa tuổi của mình. Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lương II khuyến khích, phụ huynh nên cho con học thêm kỹ năng sống, kỹ năng mềm ở các trung tâm ngoài trường hoặc các trung tâm giảng dạy trực tiếp trong trường ngoài giờ học như trung tâm đàn, hát, nhảy, học Tiếng Anh,...

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận