14:29 11/02/2024

Trẻ em như búp trên cành

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nhà giáo Trần Trung Hiếu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ví “Trẻ em như búp trên cành” và Người vẫn thường dành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở, thăm hỏi, tặng quà các cháu thiếu niên, nhi đồng mỗi khi đến dịp Tết Trung thu, Tết độc lập, Tết nguyên đán.

Giáo dục cho trẻ em, gia đình chính là môi trường đầu tiên và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên. Ngày Tết cổ truyền là “thời gian vàng” để chúng ta làm điều đó.

Tuổi thơ tôi với Tết xưa và con cháu với Tết nay

Cái thời ấu thơ của thế hệ chúng tôi, gia đình, quê hương, đất nước đều nghèo khó. Mong nhanh hết năm để đến Tết. Ngày thường thường đói, nên mong đến Tết sẽ được ăn no hơn, ngon hơn. Mùa đông, trời lạnh, mong đến Tết để cha mẹ mua cho áo mới. Mong đến Tết để được nghỉ học, ở nhà để được ăn kẹo, mặc bộ áo quần mới đi chơi những trò chơi dân gian với lũ trẻ ngoài ngõ, trong làng. Đến Tết là được người lớn chiều hơn, nếu lỡ có sai sót hay ngỗ nghịch thì thường vẫn không bị nạt nộ, đòn roi từ cha mẹ. Những ước mơ bình dị, những mong ước nhỏ nhoi của trẻ con thời gian khó thật đáng trân quý nhưng không phải ai cũng có.

Với dân tộc Việt, Tết cổ truyền là một bản sắc văn hóa được lưu giữ và phát huy trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Tết là hướng về cội nguồn, tổ tiên, là những ngày đoàn viên, sum vầy cùng gia đình, dòng họ. Dù điều kiện kinh tế, xã hội bây giờ đã có nhiều sự thay đổi, quan niệm về Tết, về ăn Tết, chơi Tết đã có nhiều sự biến thiên nhưng trẻ em trong mỗi gia đình vẫn luôn được người lớn quan tâm.

Có lẽ, thiệt thòi của trẻ em ngày nay, đặc biệt ở nhiều đô thị khi đón Tết là ít khi có cơ hội chơi những trò chơi dân gian ngày xưa như chơi ô ăn quan, nu na nu nống, bịt mắt bắt dê, đánh đu, kéo co, trốn tìm, chơi bi, đánh đáo, pháo đất... Những trò chơi dân gian đó hầu hết được bắt nguồn, gắn kết với các bài đồng dao, những câu vè hay những câu văn vần rất độc đáo và dễ thuộc. Những trò chơi không chỉ đơn thuần là thú vui tiêu khiển mà còn giúp trẻ em duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mỗi dịp đến Tết cổ truyền. Cả xóm làng, khối phố đều luôn có không khí náo nhiệt, ngập tràn tiếng cười đùa bởi những trò chơi ngày Tết. Với trẻ em, chơi mà học, học trong chơi và những trò chơi đó sẽ mãi là một phần ký ức khó phai.

Ngày nay, cái quay cuồng, tất bật của cuộc sống hiện đại đã làm cho con người trong mỗi gia đình trở nên xa cách, dường như đã làm cho Tết cổ truyền trở nên phai nhạt hơn. Tết ngày nay bị chi phối bởi smartphone, Facebook, Zalo mà mọi người đã quá lạm dụng và lệ thuộc vào những thứ đó. Khi gặp nhau, người ta dành thời gian vào mạng nhiều hơn là sum vầy, hàn huyên, tâm sự.

Hoài niệm về ký ức của Tết xưa mà thế hệ chúng tôi đã trải qua là được quây quần bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng trong tiết trời se lạnh, thích nghe mùi hương trầm ngào ngạt lan tỏa từ nhà ra ngõ, được xem mẹ nấu kẹo lạc, làm mứt gừng, háo hức cùng cha quét dọn, lau chùi nhà cửa, cắm đào, treo câu đối...

Tiếc là những giá trị đó đang dần mai một và nhiều trẻ em bây giờ không còn thấy hứng thú những gì mà ông bà, cha mẹ mình đã từng trải qua và quan tâm.

treemnhubuptrencanh (2)
Tết là hướng về cội nguồn, tổ tiên, là những ngày đoàn viên, sum vầy cùng gia đình, dòng họ. Ảnh: Bùi Doanh

Tết là “thời gian vàng” của người lớn cho trẻ em

Với người Việt, khi con cái chưa ngoan hay hư hỏng, các cụ vẫn răn dạy “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” và “Dạy con từ thuở còn thơ”. Gia đình chính là nhân tố đầu tiên, quan trọng và quyết định đến việc giáo dục ý thức, nhân cách cho một con người trưởng thành. Sau một năm học với nhiều kiến thức từ sách vở, từ nhà trường, những ngày Tết là khoảng thời gian vàng để các em được học, được hành tại gia đình từ ông bà, cha mẹ. Những bài học nhỏ,  bình dị, dễ thuộc, dễ nhớ, rất thân quen nhưng lại thiêng liêng.

Bài học đầu tiên mà trẻ em cần được học trong ngày Tết là biết về nguồn cội. Cùng cha mẹ, ông bà đi tảo mộ, cùng người lớn thắp hương khấn vái tổ tiên trước bàn thờ gia tiên, họ tộc trong bữa cơm chiều 30 Tết, sáng mồng 1 Tết. Đứng trước phần mộ của tổ tiên và bàn thờ gia tiên, người lớn giải thích cho con cháu hiểu không có ông bà thì không có cha mẹ, không có cha mẹ thì không có các con. Một sợi dây vô hình nhưng bền vững của bất kỳ gia đình nào để con cháu cần phải biết. Học để thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn và tình yêu thương mọi người. Tình yêu Tổ quốc mà các em chỉ có được phải là sự hun đúc và cộng hưởng từ tình yêu gia đình, dòng họ, quê hương.

Từ chiều 30 Tết đến phút giao thừa, khoảng thời gian vô cùng quý giá để ông bà, cha mẹ dạy cho con cháu những kiến thức mà có thể trong sách vở không có, thầy cô không dạy, người ngoài không bày. Cha mẹ giới thiệu và giải thích những món ăn sẽ được bày trên mâm cỗ dâng lên bàn thờ gia tiên, cách gói bánh chưng và ý nghĩa của chiếc bánh chưng, của câu chuyện cổ tích “Bánh chưng, bành dày” có từ thuở Hùng Vương dựng nước.

Trong một không gian đầy đủ, ấm áp bởi sự có mặt của các thành viên trong gia đình, cả nhà sẽ cùng háo hức, hồi hộp chờ đợi đón giao thừa. Các con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ nói về ý nghĩa của cụm từ “Tống cựu, nghinh tân” làm nên khoảnh khắc thiêng liêng  Trong mỗi gia đình ngày Tết, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết và bữa cơm tân niên ngày mồng 1 Tết bao giờ cũng thấy ấm áp, xúc động và thiêng liêng.

Sau phút giao thừa, sáng mồng 1 Tết, cha mẹ dành những câu chúc Tết với ông bà trước mặt các con, mừng tuổi ông bà, dạy con biết nói từ “cảm ơn” khi được ông bà, cha mẹ hay người lớn chúc và mừng tuổi đầu năm. Hãy dạy cho các con thấu hiểu chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Trước khi trở thành người trưởng thành, các con luôn biết khắc ghi và cảm ơn những người đã sinh thành dưỡng dục, chia sẻ, giúp đỡ mình trong học tập và cuộc sống. Qua lời chúc Tết với đấng sinh thành, những người lớn hãy dạy cho con cháu đừng bao giờ vô cảm, vô ơn những người đã mang lại cho mình niềm vui và hạnh phúc.

Cứ sau mỗi cái Tết đi qua, người lớn chúng ta sẽ thấy vui hơn khi được thấy con em mình trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ và hành động. Điều mà người lớn chúng ta mong muốn, đợi chờ với con cháu khi ăn Tết, chơi Tết là luôn nhớ về cội nguồn, tri ân ông bà, tổ tiên; biết được nét đẹp trong văn hóa truyền thống và biết cảm ơn, biết trân quý, nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hóa.

Làm thế nào con cái chúng ta được trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị từ Tết cổ truyền, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình, trường học. Tết là “thời gian vàng” để chúng ta dạy con cháu biết cội nguồn, biết cảm ơn, biết yêu thương. Biết chào hỏi, biết chúc Tết, biết nói lời cảm ơn khi nhận lời chúc Tết và lì xì của người lớn, đó là những cử chỉ nhỏ nhưng vô cùng cần thiết mà các con cần được học trong những ngày Tết.

"Trẻ em như búp trên cành" nên luôn non tơ, dễ gãy nếu thiếu đi sự chăm sóc, dạy bảo từ người lớn. Tết cổ truyền chính là cơ hội để con cháu chúng ta được trải nghiệm, học hỏi giá trị bất biến của ngày Tết để những “búp trên cành” đó sẽ dần phát triển, đơm hoa, kết trái.​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận