06:19 22/05/2024

Trẻ nhỏ nghiện mạng xã hội khi nghỉ hè, cha mẹ phải làm gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Kỳ nghỉ hè sắp đến, phụ huynh lại lo lắng trẻ nhỏ sẽ dành nhiều thời gian vào mạng xã hội, nơi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn.

Theo Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024, kỳ nghỉ hè của học sinh sẽ bắt đầu từ 01/6, kéo dài đến trước lễ khai giảng năm học mới. Dự kiến ngày 5/9/2024, các trường sẽ tổ chức khai giảng năm học mới 2024-2025. Trong đó, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 phải chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp và học sinh trường ngoài công lập thường đi học sớm khoảng 1 tháng. Như vậy, đa số học sinh sẽ có kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 3 tháng.

Đau đầu vì con nghiện mạng xã hội

Nhiều phụ huynh hết sức e ngại trước kỳ nghỉ hè kéo dài, những đứa trẻ ở nhà làm bạn với thiết bị điện tử vào mạng xã hội trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng, đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn ở trên không gian mạng, không có năng lực bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu, độc.

Chị Nguyễn Hà Anh, quận Đống Đa (Hà Nội) có con trai đang học lớp 3 cho biết, dịp hè này vợ chồng chị vẫn bận rộn đi làm, không có thời gian sát sao tới con. Gia đình không muốn thuê người giúp việc nên đã đưa con sang ông bà, chiều đón về. Tuy nhiên, ông bà ở nhà chiều cháu nên thường cho dùng Ipad cả ngày, không kiểm soát được những nội dung độc hại con tiếp cận trên mạng xã hội.

Để giải quyết dứt điểm, chị Hà Anh đã họp gia đình để thống nhất quy tắc chỉ được phép sử dụng Ipad 30 phút/1 ngày khi có bố mẹ ở nhà, đồng thời bố mẹ thay nhau kiểm soát và chỉ dẫn cho con những nội dung xem trên mạng, lý giải nội dung nào xấu cần phải tránh.

Chị Triệu Quỳnh Phương, quận Hà Đông, Hà Nội quy định rõ ràng thời gian sử dụng điện thoại, Ipad hay xem tivi: “Xem điện thoại quá nhiều sẽ lấy đi tuổi thơ vui nhộn, làm mất tình cảm và sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình”.

“Sử dụng điện thoại hay mạng xã hội từ sớm sẽ gây ra nhiều vấn đề hệ luỵ, từ việc giảm tập trung, trí nhớ khi học tập, không còn thời gian dành cho gia đình, bạn bè, thông tin xấu độc ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cho trẻ, do đó tôi đặt ra quy tắc với con chỉ được coi mạng xã hội trong vòng 1 tiếng, khi gần hết giờ tôi sẽ báo cho con biết là còn bao nhiêu phút để con chuẩn bị tinh thần, không bị sốc khi thu lại, con chỉ phản ứng gay gắt trong vài lần đầu nhưng cha mẹ phải cứng rắn, kiên định”, chị Phương nói.

Empty
Việc trẻ em sử dụng mạng xã hội quá mức có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý, khả năng nhận thức (Ảnh: Người Lao Động).

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác lại cho rằng: “Thiết bị công nghệ là con dao sắc bén, đương nhiên sẽ đứt tay nếu không cẩn thận nhưng nếu muốn làm bếp tốt thì phải mài dao”.

Anh Trần Đức Thiện, quận Đống Đa, Hà Nội nêu quan điểm, nhiều phụ huynh không có thời gian quản lý lại muốn con ngồi yên một chỗ nên thường bỏ bê cho con nhỏ dùng điện thoại thông minh từ rất sớm. Tuy nhiên, họ không dạy con sử dụng điện thoại, máy tính vào việc tích cực, không chủ động dạy con ngăn chặn và tránh các thông tin độc hại.

Nếu được tiếp xúc với công nghệ từ sớm dưới sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh thì các ứng dụng sẽ phát huy được công dụng của chúng. Điện thoại thông minh và máy tính hỗ trợ tìm kiếm thông tin, dữ liệu cho bài tập, thúc đẩy quá trình hỗ trợ tự học hiệu quả hơn.

“Thực tế phụ huynh không thể cấm đoán được con tiếp xúc với mạng xã hội, do đó nên chủ động giúp con hiểu thông tin nào tốt, cần loại bỏ, bài trừ thông tin phản cảm, thiếu tính giáo dục”, vị phụ huynh này nói.

Cha mẹ cần giúp con nhận diện thông tin xấu, độc

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS. Trần Thành Nam, giảng viên Trường đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam nhận định, nguyên nhân của việc trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ sớm là cha mẹ thường không có thời gian trông coi trẻ nên thường “tạch lưỡi” đưa cho con thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng,... và coi đây như một “thiết bị trông trẻ”. 

nam-tran-9993
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khi đó, phụ huynh lại không dạy cho con những kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng, vô tình đẩy trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: bị lộ thông tin cá nhân, đối mặt với tin giả, tin xấu độc, bị lôi kéo bởi các tệ nạn xã hội​​, bị lừa đảo, bị bắt nạt trực tuyến…

TS. Trần Thành Nam cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, độ tuổi tiếp cận với internet và mạng xã hội của trẻ em Việt Nam trung bình là 9 tuổi, vì vậy cần cho trẻ tiếp xúc với màn hình máy tính, mạng xã hội phù hợp với từng độ tuổi. 

“Trẻ dưới 6 tuổi thì không nên tiếp cận với màn hình máy tính, internet. Đối với trẻ từ 6-10 tuổi, thời gian tiếp cận tối đa là 2 giờ/ngày, còn với học sinh THCS, khi giáo viên có yêu cầu sử dụng máy tính thì tổng thời gian sử dụng không nên quá 6 giờ/ngày. Nếu để trẻ sử dụng quá nhiều thời gian dễ dẫn đến nguy cơ “nghiện” và phụ thuộc vào internet, ảnh hướng đến sức khỏe tâm thần của trẻ”, thầy Nam nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Thành Nam khẳng định, thế giới số là môi trường giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn, tuy nhiên trẻ có thể đối diện nhiều với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị quấy rối tình dục qua mạng xã hội,... Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu và tự nâng cấp kỹ năng an toàn cho chính mình trước thời đại số hiện nay. Khi cha mẹ có kiến thức, kỹ năng đầy đủ sẽ giúp con nhận diện và có cách ứng phó phù hợp khi là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên mạng xã hội.

“Khi bị bắt nạt, trẻ tuyệt đối không nên có phản hồi với đối tượng đang thực hiện hành vi mà cần lưu lại bằng chứng mình để báo cáo với nhà quản lý các nền tảng nhằm ngăn chặn và hạn chế sự tương tác với đối tượng có hành vi bắt nạt. Đồng thời, nếu mức độ nguy hiểm lớn thì có thể báo cơ quan công an nhờ can thiệp”, thầy Nam nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận