11:44 20/10/2022

Cha mẹ làm gì giúp bảo vệ con khi tham gia mạng xã hội?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Kim Anh

Không gian mạng chưa bao giờ được coi là an toàn bởi sự tràn lan của những nội dung không phù hợp, chưa qua kiểm duyệt một cách chặt chẽ. Cách bảo vệ con khỏi mạng xã hội độc hại không phải là hình thức cấm đoán triệt để, mà là trang bị cho con đầy đủ kỹ năng, kiến thức về an toàn an ninh mạng.

Internet bao gồm các trang mạng xã hội như một con dao hai lưỡi. Đây là nền tảng cung cấp những kiến thức mới mẻ, là nơi hội nhập, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Tuy nhiên nếu chỉ sử dụng mà không chọn lọc thông tin thì người dùng dễ bị tuyên truyền và thao túng bởi những quan điểm độc hại, đặc biệt là trẻ em. 

unnamed (2)
Ảnh minh họa

Theo kết quả khảo sát về việc trẻ em sử dụng mạng xã hội trong 3 tháng mới đây của Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng mạng internet và có 87% các em sử dụng mạng xã hội như một công cụ giải trí hàng ngày. Trung bình trẻ em Việt Nam thường dành 5-7 giờ đồng hồ cho việc sử dụng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ có 36% trong số đó là đã được trang bị kiến thức về an toàn an ninh mạng.

Một thống kê khác từ Tổng đài Bảo vệ Trẻ em 111, các cuộc điện thoại xin tư vấn có khuynh hướng ngày càng tăng. Cụ thể, có 422 cuộc gọi vào năm 2021, mà trong 7 tháng đầu năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận gần 300 cuộc gọi, bao gồm xin tư vấn về xâm hại tình dục không gian mạng (31%), cách sử dụng mạng an toàn (31,1%) và tư vấn khi bị người lạ dụ dỗ (>7%). 

Vấn đề trẻ em bị xâm hại trên thực tế, đặc biệt là trên không gian mạng ngày càng trở nên nhức nhối, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, của mọi cá nhân, tổ chức xã hội. Nhưng thực tế, trẻ em sẽ trở nên thông minh, nhạy cảm và tư duy sắc bén hơn khi sử dụng Internet an toàn, hiệu quả. Thay vì cấm trẻ tham gia các mạng xã hội, hãy đồng hành cùng trẻ xây dựng một mạng Internet văn minh, an toàn. 

Một số cách bảo vệ trẻ mà phụ huynh nên làm 

Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân 

Hãy dạy con cách đánh giá đâu là trang web uy tín/lừa đảo. Ngày nay có một số web yêu cầu nhập một số thông tin cá nhân liên quan để truy cập hoặc tạo tài khoản,... Tuyệt đối không cho con tiết lộ những thông tin bảo mật như địa chỉ nhà, số căn cước công dân, hoặc cho web truy cập vị trí. Nếu đó là trang web lừa đảo, tất cả thông tin cá nhân đã được hệ thống xử lý lưu lại và sẽ bị rao bán cho một bên thứ ba hòng trục lợi bất hợp pháp. 

Không tin các mối quan hệ trên Internet 

Tuy rằng Internet là nơi giao lưu kết bạn toàn cầu nhưng cha mẹ chỉ nên để con vui chơi một cách có chừng mực. Phải luôn cẩn trọng với mọi mối quan hệ ảo trên mạng xã hội. Chỉ cần vài lời đưa đẩy, dăm ba câu hỏi han, những trẻ em không được trang bị kỹ năng về an toàn mạng sẽ rất dễ bị cuốn vào câu chuyện của người lạ, dần dần bị dụ dỗ, moi móc thông tin cá nhân. 

Tuyệt đối không cho con đi gặp người lạ mà không có sự giám sát, đồng hành của bố mẹ. Rất nhiều trường hợp các bé gái bị “bạn ảo” dụ dỗ đi gặp mặt, uống vài cốc cà phê có chứa thuốc kích thích và rồi bị kẻ xấu lợi dụng, xảy ra những chuyện vô cùng xót xa. 

Cha mẹ cũng dạy con không cung cấp hình ảnh nhạy cảm cho người lạ hay bạn bè trên mạng, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau.

Tử tế và lịch sự 

Hãy cùng con tạo ra không gian mạng văn minh và tử tế bằng cách hướng dẫn con về việc để lại bình luận một cách lịch sự.

Con cần phải cẩn trọng về lời nói của mình kể cả ngoài xã hội lẫn khi tham gia Internet, bởi một lời nói đùa vô ý của mình cũng có thể gây ra sự tổn thương sâu sắc đối với người khác.

Mặt khác, những câu nói ác ý, xúc phạm sẽ khiến người khác thù hằn, ganh ghét dẫn đến việc kích động bạo lực, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận