Trường tư thục chỉ chạy theo lợi nhuận, nhiệm vụ giáo dục sẽ thất bại
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng đề cập đến “hiện tượng lạ” trong giáo dục, đó là: 1 học sinh đi học trường tư nào đó thì phải đóng phí. Nhưng nếu học sinh đó mời được 3-4 học sinh khác thì được miễn phí, nếu mời được 7-8 học sinh vào trường thì vừa được miễn phí vừa được “hoa hồng”… Đó có phải là đa cấp trong giáo dục không?
Xu hướng thương mại hoá ngày càng lan rộng
Khi mà cánh cửa các trường công không đủ rộng mở để sẵn sàng chào đón lượng học sinh quá lớn, thì việc tạo một thị trường tự do trong giáo dục bằng cách phát triển môi trường giáo ngoài công lập là điều đáng hoan nghênh.
Thời gian qua, xu hướng thương mại hoá giáo dục ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam do lợi nhuận khủng từ hoạt động kinh doanh này mang lại. Đây cũng là lý do vì sao các cơ sở giáo dục ngoài công lập mọc lên như nấm từ các trường tiểu học đến đại học.
Cũng cần phải khẳng định rằng, hệ thống trường tư thục đang và sẽ phát triển mạnh mẽ đồng thời có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân bằng cách cung cấp sự đa dạng và lựa chọn cho phụ huynh và học sinh, giảm tải áp lực cho trường công.
Tuy nhiên, những sự xung đột xảy ra trong các trường tư thục gần đây liên quan đến hệ thống giáo dục tại Việt Nam từ cấp tiểu học cho đến đại học, cho thấy môi trường giáo dục đang bị "thương mại hóa" - một hoạt động kinh doanh mà thiếu kiểm soát sẽ dần dẫn đến những hệ luỵ không thể lường hết.
Tại hội nghị mới đây về hướng dẫn tuyển sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Trần Thế Cương, đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm trọng về các vấn đề liên quan đến thương mại hóa giáo dục tại một số trường tư thục, đồng thời nhấn mạnh rằng tính nhân văn phải được đảm bảo trong môi trường giáo dục và đề cập đến việc một số trường đặt mức phí giữ chỗ cực kỳ cao nhằm "ổn định tuyển sinh".
Với vấn đề thu phí giữ chỗ, ông Cương đã lên án việc thương mại hóa giáo dục, coi đây là một hành động không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục.
Ông Trần Thế Cương cho rằng: “Môi trường giáo dục, môi trường sư phạm cần đảm bảo tính nhân văn. Vẫn biết rằng, phí giữ chỗ là sự thỏa thuận, đồng thuận giữa phụ huynh học sinh và chủ trường nhưng xét khía cạnh sư phạm là không hay. Tôi đề nghị các nhà trường rút kinh nghiệm về việc này”.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề cập đến một “hiện tượng lạ” trong giáo dục, đó là: 1 học sinh đi học trường tư nào đó thì phải đóng phí. Nhưng nếu học sinh đó mời được 3-4 học sinh khác thì được miễn phí; nếu mời được 7-8 học sinh vào trường thì vừa được miễn phí vừa được “hoa hồng”; đồng thời đặt câu hỏi: “Đó có phải là đa cấp trong giáo dục không?”.
Tư lệnh ngành giáo dục Thủ đô thẳng thắn phê bình một trường tư ở Hà Nội khi để xảy ra tình trạng “ký gửi” học sinh, cho học sinh học, có kiểm tra, đánh giá, có điểm nhưng không có mã định danh để thi tốt nghiệp THPT và đề nghị trường này cần chấm dứt việc trên, nếu còn xảy ra thì sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu, thậm chí có thể xem xét, yêu cầu rút giấy phép.
Ông Trần Thế Cương rất chia sẻ với các trường tư thục khi phải cạnh tranh, phải lấy thu bù chi và quá trình vận hành, hoạt động còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông “với lương tâm nhà giáo, lương tâm của nhà làm sư phạm thì không nên và không cho phép làm điều đó trong trường học”.
Từ những câu chuyện và vấn đề nêu trên, Tư lệnh ngành giáo dục Hà Nội đề nghị một số trường tư cần nghiêm túc triển khai theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật hiện hành.
Hoạt động giáo dục không thể chỉ chạy theo lợi nhuận
Bày tỏ quan điểm về hiện tượng một số trường tư thục hiện nay có dấu hiệu chạy theo lợi nhuận nhiều hơn nhiệm vụ tri thức, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu quốc hội khóa 13- Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam: “Trước hết cần phải khẳng định xã hội hóa giáo dục trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết và đó là một chính sách đúng đắn khi tư nhân cùng làm giáo dục với nhà nước.
Tư nhân tham gia giáo dục là cung cấp dịch vụ mà không có lợi nhuận thì giáo dục tư thục không thể tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển và giải quyết những vấn đề bức xúc mãn tính của giáo dục công lập nhiều năm qua.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải khẳng định rõ ràng rằng, mục đích cuối cùng của việc tham gia giáo dục ở khối tư nhân không chỉ là lợi nhuận mà phải là mục đích đào tạo ra con người. Trong đó, mục đích đào tạo ra con người và lợi nhuận giáo dục sẽ song hành cùng nhau.
Sản phẩm của giáo dục là sản phẩm con người, không phải cứ chạy theo lợi nhuận, cung cấp những dịch vụ phục vụ lợi ích của cá nhân, phủ lên đó sự bóng bẩy, hào nhoáng mà quên đi nhiệm vụ giáo dục. Như thế rất dễ sẽ tạo ra sản phẩm lỗi.
Thương mại hóa giáo dục sẽ là điểm tích cực nếu giáo dục tư thục bỏ tiền ra đầu tư và tạo ra môi trường học tập lành mạnh, có tính cạnh tranh và đặc biệt là sản phẩm con người tương xứng với số tiền mà phụ huynh bỏ ra.
Với hiện tượng một số trường gần đây có biểu hiện xa rời tiêu chí giáo dục con người mà bỏ qua mục đích giáo dục, tôi cho rằng chúng ta cần phải kiên quyết loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục quốc dân nếu không khắc phục được.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiện tượng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khối trường tư thục này. Cần xây dựng cơ chế tránh việc các trường “chệnh đường” mà chạy theo lợi nhuận".
Bày tỏ quan điểm với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Giáo sư, Nhà Giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng: "Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững của một quốc gia, là công cụ để nâng cao tri thức và đạo đức của con người. Sản phẩm của giáo dục không giống như những sản phẩm hiện hữu khác mà đó là sản phẩm con người, cách tư duy, cách ứng xử và sự hoàn thiện từ tri thức đến văn hóa của một cá nhân.
Thời của chúng tôi, may mắn được học những thầy giỏi. Thầy giỏi, trò quyết tâm thì dù môi trường giáo dục có thiếu thốn một chút cũng dễ khắc phục. Ngược lại, thầy không giỏi, mà trò không chịu được áp lực học hành thì cũng khó có thể thành công.
Do vậy, học ở công lập hay tư thục gì thì phải có áp lực học tập thì các em mới có thể thành công được. Tất nhiên áp lực ở đây không phải bắt các em học tối mặt, tối ngày không có thời gian để nghỉ ngơi thì thật là tai hại".
John Dewey, một nhà triết học giáo dục nổi tiếng của Mỹ, từng cảnh báo về hiện tượng thương mại hóa giáo dục. Ông Dewey cho rằng giáo dục không chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà chính là cuộc sống.
Ông lấy một quan điểm rất nhân văn khi cho rằng mục đích của giáo dục không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức mà là hình thành con người, đem lại sự hoàn thiện cho bản thân.
Thực tế đang xảy ra là một số trường tư thục đang áp đặt các khoản phí cao nhằm thu hút học sinh và tăng doanh thu, mà không hề quan tâm đến tính nhân văn hay chất lượng giáo dục mà họ cung cấp.
Cùng với đó, hiện tượng "đa cấp" trong giáo dục, nơi mà học sinh phải mời đủ số lượng bạn học mới được miễn phí, là một minh chứng rõ ràng cho việc thương mại hóa giáo dục đang ngày càng trở nên phổ biến.
Có thể thấy, việc xem giáo dục là một lĩnh vực thương mại sẽ làm mất đi những giá trị cốt lõi của giáo dục và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
Nhu cầu lợi nhuận cao hơn chất lượng giáo dục đang đẩy dần các nhà giáo, các trường học vào tình trạng "thương mại hóa" giáo dục, làm mất đi sứ mệnh cao cả của giáo dục là hình thành con người.
Về mặt đầu tư, đành rằng, việc bỏ tiền ra kinh doanh tất phải thu lợi nhuận, tuy nhiên việc thu lợi nhuận này phải đòi hỏi sự cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và sứ mệnh cao cả của giáo dục.
Bởi khi giáo dục trở thành một món hàng thương mại, với mục tiêu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, nó đã mất đi bản chất nhân văn và sứ mệnh cao cả của mình.
Thay vì tập trung vào việc truyền đạt kiến thức và đạo đức cho học sinh, các trường tư thục đang chạy theo lợi nhuận, khiến cho giáo dục trở thành một cuộc chơi thương mại đầy tranh đấu lợi ích.
Việc kinh doanh trong giáo dục có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cung cấp nguồn tài chính để đầu tư vào các cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, và thu hút nhân tài giảng dạy. Điều này có thể góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống giáo dục và đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.
Tuy nhiên sự mệnh cao cả của giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững của một đất nước, và sứ mệnh của nó là hình thành con người với tri thức và đạo đức.
Khi giáo dục trở thành mục tiêu chính để kiếm lời, nguy cơ thương mại hóa giáo dục sẽ làm mất đi những giá trị cốt lõi của nó.
Các nhà kinh doanh trong giáo dục nên đặt trọng tâm vào chất lượng và tính nhân văn của giáo dục. Lợi nhuận chỉ nên được xem như một phần phụ thuộc vào việc đảm bảo sứ mệnh chính của giáo dục.
Các trường học và các tổ chức giáo dục tư thục cần tuân thủ các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm và công bằng trong hoạt động kinh doanh, tránh các hành vi thương mại hóa giáo dục như tăng mức phí không minh bạch, hay thiếu tính đạo đức trong tuyển sinh và quản lý.
Với rất nhiều vấn đề tồn tại và nguy cơ phát sinh thêm những hệ luỵ mới, các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh, giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa nguy cơ thương mại hóa giáo dục. Bởi thương mại hóa giáo dục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo và phát triển bền vững của xã hội.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất