07:31 23/04/2024

Chương trình 9+Cao đẳng: Rút ngắn thời gian đào tạo, chất lượng khó đảm bảo

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, khi năng lực học vấn hạn chế, thời gian đào tạo lại bị rút ngắn thì sẽ thiếu kiến thức nền tảng và không đảm bảo chất lượng đầu ra.

Những năm gần đây khi kết thúc chương trình học bậc THCS, nhiều gia đình lựa chọn cho con theo hướng 9+Cao đẳng, vừa học văn hoá bậc PTTH vừa học nghề. Đây là một định hướng tốt, góp phần giải quyết thực chất vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, tuy nhiên cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo ổn định chất lượng, tránh gây ra hệ luỵ lâu sau này.

Chương trình 9+ là gì?

9+ là tên thường gọi của mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, chương trình văn hóa là khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, lịch sử. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý.

Sau 3 năm học, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được học nghề miễn học phí, theo quy định của Chính phủ.

Học sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT (nếu đủ điểm tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT) và có bằng tốt nghiệp trung cấp. Học tiếp 1-1,5 năm, tùy từng trường, học sinh sẽ được liên thông và có bằng tốt nghiệp CĐ.

Trên thế giới chương trình 9+Cao đẳng được nhiều nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, Singapore… áp dụng và được học sinh, phụ huynh đặc biệt là doanh nghiệp đánh giá rất cao khi nó không chỉ giữ vai trò lớn trong công tác phân luồng, mà còn giải quyết được bài toán thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng cao.

Hiện nay, ở Việt Nam, chương trình 9+Cao đẳng đang được triển khai khá nhiều tại các trường nghề. Theo đó, nguồn tuyển của chương trình này các em tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9), 2 năm sau (tương đương lớp 11) được cấp bằng trung cấp, năm học tiếp theo (lớp 12) tập trung học văn hóa để hoàn thành thi trung học phổ thông quốc gia, 0,5 năm cuối lấy được bằng cao đẳng. Sau đó người học có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm. Nhìn vào điều này cho thấy mô hình đào tạo rất kinh tế, tiết kiệm thời gian để giúp học sinh vừa sớm gia nhập thị trường lao động, vừa đạt trình độ cao (kỹ sư thực hành).

Tuy nhiên khi đối chiếu với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy rằng chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” như trên đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ở Việt Nam, chương trình “9+Cao đẳng" của các trường cao đẳng tuy chỉ kéo dài 3,5 năm nhưng vẫn cấp cho người học các bằng trung cấp, trung học phổ thông và cao đẳng. Việc rút bớt thời gian đào tạo một cách “khó hiểu” như vậy đặt ra câu hỏi: Các trường làm sao có thể đảm bảo chất lượng đào tạo?

Thiếu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn

Theo dõi quá trình đào tạo liên thông hơn 20 năm qua, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, mục đích của chương trình “9+Cao đẳng” là để phân luồng, nhưng cách làm lại cho thấy, lấy phương tiện thay vì mục đích bằng cách treo cái văn hoá bằng cấp lên cao (đáp ứng với tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt) để phân luồng là thiếu cơ sở khoa học (về lý luận và thực tiễn).

doi-dieu-trao-doi-voi-dai-bieu-quoc-hoi-bui-sy-loi
TS. Hoàng Ngọc Vinh (Ảnh: Vietnamnet).

Bởi lẽ, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh: “Bản chất học sinh muốn vào học nghề chủ yếu là có việc làm và thu nhập đảm bảo. Vì sao các khóa học nghề ngắn hạn 3-6 tháng học phí cao mà người ta vẫn vào học như các nghề làm tóc, làm đẹp, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị, nội thất gia đình hoặc các lớp trồng hoa cây cảnh lai ghép... là bởi vì học xong họ có việc làm ngay bằng cách đi làm thuê hay mở tiệm”.

Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhận định, cần tính toán kỹ lưỡng về thời gian đào tạo, nếu rút quá ngắn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nhân lực, không tương xứng với khung trình độ quốc gia và không thể hội nhập được về lao động và giáo dục - đào tạo. Điều này cũng rất phản sư phạm vì gây ra sự quá tải cho người học.

Ông lấy ví dụ, ở Trung Quốc, học sinh phải mất 4 năm mới được cấp một bằng tốt nghiệp THPT và một bằng trung học nghề. Họ vẫn đề cao chất lượng chứ không đặt yếu tố thời gian đào tạo ngắn là tiên quyết.

"Dù là thí điểm nhưng khi đào tạo thiếu chuẩn mực rồi cấp bằng cho người học, hệ thống sẽ rối loạn về văn bằng và trình độ không tương đương với tên gọi văn bằng", ông Vinh nói, đồng thời nêu vấn đề nổi cộm hiện nay: “Chuyện một số trường nói vừa dạy văn hoá trung học phổ thông và nghề sau 4 năm để có bằng cao đẳng theo tôi là khó chấp nhận. Học làm sao một lúc có hai văn bằng trong khung thời gian là 3 năm? Chả lẽ người Việt Nam giỏi nhất thế giới về sức học?”.

Quả thực không khó để tìm thấy những quảng cáo tuyển sinh "có cánh", còn chất lượng đào tạo thực sự ra sao thì các gia đình phải có sự thẩm định thận trọng và quyết định chính xác.

Thí dụ như Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội quảng cáo như sau "Cao đẳng 9+ là mô hình đào tạo riêng biệt cho học sinh tốt nghiệp THCS ( lớp 9) tại Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội. Sinh viên theo học mô hình này tích hợp song song kiến thức văn hoá và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là mô hình ưu việt được Nhà nước khuyến khích, mục đích để phân luồng học sinh có định hướng sớm về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS. Với tôn chỉ đào tạo chú trọng thực hành, sinh viên sau 3 năm 5 tháng được nhận bằng Cao đẳng chính quy và ra nhập thị trường lao động luôn".

caodangvietmy
Các trường thường có quảng cáo gây ấn tượng thu hút thí sinh.

Trường này cũng khẳng định: Sứ mệnh của chương trình đào tạo sinh viên hệ 9+ tại Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội, phát triển TOÀN DIỆN, tôn trọng sự khác biệt. Cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng giúp sinh viên HỌC NHANH - LÀM SỚM đáp ứng nhu cầu nhân lực ngay tại quê hương và vươn tầm Thế giới. 

Cũng thuộc nhóm các trường đào tạo 9+, Trường Cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh thậm chí còn quảng cáo Các ngành Chất Lượng Cao

Điện công nghiệp (Liên kết Trường Đại học Bách Khoa).

Quản trị kinh doanh (Liên kết Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).

Quản trị Nhà hàng khách sạn (Liên kết Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).

Hướng dẫn viên Du lịch (Liên kết Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).

Marketing thương mại (Liên kết Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).

Bằng được cấp: Cao Đẳng Chất Lượng Cao. Sau khi tốt nghiệp được liên thông lên tiếp bậc đại học.

truongcaodangquoctetphcm
Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM quảng cáo "các ngành chất lượng cao" và "bằng được cấp: Cao đẳng chất lượng cao".

Đặc biệt, Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM còn quảng cáo tại thông tin tuyển sinh lớp 10, 11, 12 (chương trình đào tạo quốc tế): Là hệ đào tạo song song văn hóa rút gọn 7 môn và chương trình Cao đẳng được chuyển giao từ các trường Đại học Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

- 19 tuổi lấy bằng Cao đẳng tại trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM ở Việt Nam theo chương trình chuyển giao từ ĐH của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.- 21 tuổi lấy bằng Đại học và làm việc tại Hoa Kỳ hoặc Hàn Quốc.

  • Đặc biệt, 22 tuổi có thể lấy bằng Thạc sĩ tại Hoa Kỳ hoặc Hàn Quốc qua mô hình học 4+2+2:
  • Giai đoạn 1 (4 năm): lấy bằng THPT và Cao đẳng tại Trường Cao đẳng Quốc Tế TP. HCM ở Việt Nam.
  • Giai đoạn 2 (2 năm): lấy bằng Đại học tại Hoa Kỳ hoặc Hàn Quốc.
  • Giai đoạn 3 (2 năm): lấy bằng Thạc sĩ tại Hoa Kỳ hoặc tại Hàn Quốc.
caodangquoctetphcm
Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM quảng cáo chương trình đào tạo lấy bằng tại Hoa Kỳ hoặc Hàn Quốc.

Có vô vàn những quảng cáo tuyển sinh rất hấp dẫn, tuy nhiên điều quan trọng là các gia đình cần phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin đào tạo, chương trình có phù hợp với năng lực của trẻ hay không? Chất lượng đào tạo có tương xứng với thời gian, công sức và học phí bỏ ra hay không? Thậm chí có thể tìm hiểu tới sự phản hồi của các cơ sở sử dụng lao động hoặc những học sinh đã từng theo học các khóa trước để biết được thực chất về chất lượng đào tạo có như quảng cáo tuyển sinh hay không?

Nếu có ý định học đào tạo liên kết với chương trình nước ngoài, phụ huynh cần tìm hiểu xem đó là chương trình gì, được liên kết với trường nào và có được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận hay không, để tránh tình trạng học lấy bằng "Tây" nhưng chất lượng thì không biết phải kiểm chứng ra sao.

Nếu trường cam kết đảm bảo chuẩn chất lượng đào tạo, có văn bản ký cam kết tới từng học sinh và gia đình hay không?

caodangviendong2024
Một quảng cáo của trường Cao đẳng Viễn Đông, 18-19 tuổi có tới 3 bằng: Tốt nghiệp THPT chính quy, bằng Trung cấp, Bằng Cao đẳng chính quy. Thậm chí "Học cao đẳng Viễn Đông, nhận bằng đại học Top trên".

Khá phổ biến hiện nay là các trường cao đẳng cũng đào tạo nhiều ngành nghề và không biết thế mạnh chính xác của trường là gì, khi mà ngành nào cũng nói rằng rất tốt. Thí dụ như Trường Cao đẳng Viễn Đông tại TPHCM, đào tạo ngành: Tài chính – Ngân hàng, Quan hệ công chúng, Quản trị Marketing, Quản trị kinh doanh,… nhưng cũng đào tạo cả Sư phạm mầm non, Giáo dục mầm non, tiếng anh Sư phạm. Thậm chí trường này còn quảng cáo "Học cao đẳng Viễn Đông, nhận bằng đại học Top trên"?

Không thể áp dụng nếu thiếu đội ngũ giảng viên chất lượng

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, cung cấp lao động cho xã hội chia ra làm hai nhóm: Một nhóm gắn với hệ thống giáo dục để dẫn đến các trình độ khác nhau đòi hỏi thiết kế khá chặt chẽ để có thể giúp người học học suốt đời. 

Nhóm còn lại tập trung vào đào tạo kỹ năng cho những người thuộc diện chính sách xã hội, sống lang thang, không có việc làm hoặc cần nâng cấp kỹ năng để tránh thất nghiệp ở doanh nghiệp khi thị trường có thay đổi. Nhóm này được coi là đào tạo lao động thường xuyên cho lao động trong doanh nghiệp nên rất quan trọng.

Theo ông Vinh, Bộ LĐ-TB&XH nên gánh việc này bởi nó phù hợp với chức năng của Bộ về chính sách xã hội và việc làm. Hơn nữa, điều này cũng đỡ có sự chồng lấn chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà khi đó hệ thống giáo dục rất mạch lạc.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống trình độ văn bằng quốc dân, còn Bộ Lao động, Thương binh và xã hội kiểm soát và quản lý việc đánh giá kỹ năng cho người lao động. Hai Bộ cùng hợp tác để làm việc phân luồng mới hiệu quả trên cơ sở phân định rõ chức năng của từng Bộ”, ông Vinh nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, giáo viên trong mô hình học sinh tốt nghiệp THCS học cao đẳng thường có chất lượng rất cao. Chẳng hạn, trong các giáo viên dạy chương trình KOSEN của Nhật, trên 80% là các giáo sư, phó giáo sư. Tiêu chuẩn trình độ giáo viên của KOSEN ngang bằng tiêu chuẩn trình độ giảng viên của các trường đại học nước này.

Ông Vinh cho rằng thành công gần như sẽ không thể có nếu Việt Nam áp dụng mô hình này mà thiếu đội ngũ giảng viên chất lượng.

"Tài nguyên thiên nhiên rồi sẽ cạn kiệt, chỉ có nguồn lực con người và sự sáng tạo của con người là vô tận. Vì thế rất cần phát triển hài hòa cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, không nên "nhất bên trọng nhất bên khinh", tránh làm méo mó hình ảnh giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, ông Vinh nhấn mạnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận