Từ thảm nạn ở Seoul: Cần dạy kỹ năng sơ cứu trong học đường
Trong những clip hiện trường vụ thảm nạn tại khu Itaewon, thủ đô Seoul của Hàn Quốc tối 29.10, có nhiều bạn trẻ tích cực tham gia sơ cứu các nạn nhân. Điều này cho thấy sơ cứu là kỹ năng rất cần được phổ biến.
Trong tình huống nguy cấp, với hàng loạt người đang trong tình trạng bất tỉnh, thậm chí ngưng tim, ngưng thở do bị ngạt lâu vì chèn ép, đè, lấn mà lực lượng cứu hộ, y tế chưa thể lo xuể thì sự hỗ trợ của những người dân thuần thục kỹ năng sơ cứu là vô cùng quý giá. Đáng chú ý là họ khá đông đảo và phần lớn đều còn trẻ.
Nội dung bắt buộc trong chương trình học ở nhiều nước
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, giảng viên bộ môn Cấp cứu hồi sức chống độc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), phân tích: “Xét về mặt chuyên môn, trong sự việc ở Itaewon, các bạn trẻ sơ cứu rất chuẩn: đặt tay thẳng, động tác ép tim dứt khoát, kiên trì và vẫn bình tĩnh. Họ phải được học bài bản mới xử lý đúng đắn, phối hợp nhịp nhàng và thực hiện tốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Họ hiểu những động tác đó có thể cứu được mạng người nên ra sức làm, với hy vọng mang lại kỳ tích”.
Du học sinh Việt ở Hàn Quốc: “Mình thoát chết khi đến Itaewon chơi trễ giờ”
“Cuộc chiến giành sự sống”
Hằng năm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đều tổ chức chương trình “Cuộc chiến giành sự sống” dành cho không chỉ sinh viên trường y và những đại học khác, đến nay đã được 5 mùa. Trong chương trình này, sinh viên sẽ được học về sơ cứu rồi trải qua các vòng thi: vòng 1 là trắc nghiệm kiến thức; vòng 2 là kỹ năng sơ cứu cơ bản; vòng 3 là kỹ năng cấp cứu chấn thương và cấp cứu nâng cao; vòng 4 là tự xây dựng một kịch bản về ứng phó thảm họa (tai nạn liên hoàn; chiến trường…). Mục đích của cuộc thi là nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về sơ cứu, từ đó lan tỏa nhận thức này đến người thân, bạn bè...
Những bạn trẻ được đào tạo tốt về sơ cứu đã trở thành một mắt xích tích cực để phối hợp nhịp nhàng với hệ thống an ninh - y tế, giúp tăng tính hiệu quả cho việc cấp cứu. Nếu thiếu những “cánh tay” đắc lực này, nhất là ở giai đoạn đầu khi lực lượng cứu hộ và y tế chưa có mặt đông đảo, hậu quả có lẽ còn nghiêm trọng hơn.
Những hình ảnh thực tế về cấp cứu nạn nhân ở Itaewon đã chứng minh vì sao tại nhiều nước, sơ cứu được dạy rất phổ biến, thậm chí là một phần bắt buộc trong chương trình học ở trường. Chẳng hạn, các nước như Áo, Đức, Na Uy... có đến 80% dân số đã được học qua sơ cứu.
Theo bác sĩ Trường, để những người thành thạo sơ cứu chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng thì cần một quá trình lâu dài, với những định hướng cụ thể, từ việc nâng cao nhận thức của công chúng cho đến xây dựng một chương trình đào tạo rộng rãi từ bậc phổ thông cho đến đại học.
Tổ chức dạy sơ cứu như dạy nghề
Ở nước ta, số người biết sơ cứu bài bản vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp trong cộng đồng vì nhiều lý do như nhận thức chưa cao, cho rằng sơ cứu chỉ là “chuyện vặt không đáng để học” hay sơ cứu là chuyên môn của nhân viên y tế. Mặt khác, hiện vẫn chưa có nhiều cơ sở, nhóm đào tạo sơ cứu một cách bài bản nên không phải ai muốn học cũng biết cần “gõ cửa” nơi nào.
Với nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp dạy sơ cứu cho cộng đồng và đội ngũ hướng dẫn sơ cứu, bác sĩ Trường nhận định: “Chúng ta chỉ mới ở những bước khởi đầu nên sẽ còn một chặng đường rất dài để đạt được phổ cập sơ cứu”.
“Nếu có định hướng cụ thể thì mục tiêu này vẫn khả thi. Chẳng hạn, lâu nay học sinh phổ thông vẫn được lựa chọn học nghề. Nếu xem sơ cứu như một kỹ năng cần thiết và tổ chức như dạy nghề thì sẽ có nhiều học sinh có cơ hội được học. Mà học sơ cứu phổ thông thì chỉ cần mất một buổi, không tốn nhiều thời gian”, ông Trường nói.
Cụ thể, chương trình sơ cứu phổ thông có thể được dạy trong vòng từ 3 - 6 giờ, gồm những nội dung: thái độ khi bắt gặp tình huống khẩn cấp (không hoảng loạn, ghi nhận được hiện trường ban đầu…); gọi hỗ trợ như thế nào (biết số điện thoại khẩn cấp, biết cách mô tả đầy đủ hiện trường, tình trạng nạn nhân…); trong lúc chờ hỗ trợ đến thì phải tạo hiện trường an toàn, tránh nguy cơ nạn nhân bị tổn thương thêm; thực hành xử lý khi gặp những trường hợp: bỏng, co giật, chảy máu do chấn thương, dị vật gây tắc đường thở, ngưng tim, ngưng thở…
Chủ lực: Ngành y và sư phạm
Một vấn đề khác khi muốn phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ cứu cho cộng đồng là đội ngũ những người hướng dẫn hiện vẫn còn rất mỏng.
Bác sĩ Trường cho biết: “Trong một lớp sơ cứu, thường sẽ có một người dạy chính, điều phối, đảm bảo chất lượng cho buổi học và một nhóm những trợ giảng chia nhau ra hướng dẫn các học viên”.
Ý KIẾN
Trong kế hoạch hoạt động giáo dục, nhà trường đã xây dựng và triển khai chuỗi hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài những kỹ năng xã hội như sử dụng mạng xã hội, thuyết trình và thuyết phục… thì nhà trường còn mời chuyên gia hướng dẫn học sinh kỹ năng thoát hiểm. Cụ thể, cán bộ công an PCCC hướng dẫn giáo viên, học sinh cách di chuyển khi gặp sự cố trong các nhà cao tầng. Và trong đó, kỹ năng sơ cấp cứu sẽ được các chuyên gia hướng dẫn học sinh một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để các em có thể áp dụng.
Đỗ Minh Hoàng (Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, Q.5, TP.HCM)
Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống được nhà trường tổ chức thường xuyên để hỗ trợ giáo viên cũng như học sinh. Trong đó, Hội Chữ thập Đỏ TP.HCM có tập huấn cho giáo viên, cán bộ y tế những kỹ năng sơ cấp cứu. Sau đó giáo viên sẽ thực hiện hướng dẫn lại cho học sinh một vài kỹ năng cơ bản, phù hợp với lứa tuổi.
Ngoài ra, trong chương trình còn hướng dẫn học sinh kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, các hướng dẫn viên cũng hướng dẫn học sinh một số thao tác chọn vị trí, đường đi phù hợp hay sơ cứu trong trường hợp cần thiết.
Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM)
Hiện nay nhà trường mới chỉ mời các chuyên gia về hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, lực lượng bảo mẫu, chăm sóc học sinh những kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh khi gặp vấn đề trong lúc ăn, ngủ, nghỉ, vận động... Bên cạnh đó, giáo viên cũng chỉ mới hướng dẫn học sinh những kỹ năng cơ bản, có khả năng thực hiện khi bị trầy xước, khi vận động mạnh... chứ chưa có hoạt động giáo dục kỹ năng sơ cấp cứu bài bản, chi tiết, cụ thể.
Nguyễn Văn Lợi (Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Theo đúng chuẩn của y khoa, những người dạy chính cần được đào tạo từ một đến một năm rưỡi và đa phần là người trong ngành y. Trong khi đó, những người hướng dẫn ở mức độ phổ thông, đóng vai trò trợ giảng, thì không nhất thiết phải làm trong lĩnh vực y khoa và chỉ cần được học thực hành, tập huấn một tuần/năm.
Nếu các trường sư phạm dạy sơ cứu cho sinh viên một tuần/năm như môn tự chọn thì sau khi tốt nghiệp, nhiều giáo viên trẻ hoàn toàn có thể trở thành người hướng dẫn phổ thông. Từ đó, các trường phổ thông có thể chủ động mở khóa sơ cứu, với đội ngũ hướng dẫn là các giáo viên. Đây là một mô hình có thể xem xét để huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc phổ biến sơ cứu, theo bác sĩ Trường.
Một giải pháp khác để có thể mở thêm nhiều lớp sơ cứu cho cộng đồng là khuyến khích các sinh viên ngành y theo học khóa đào tạo để trở thành người hướng dẫn và tham gia các lớp dạy như một hoạt động thiện nguyện. Muốn được như vậy, sơ cứu cần được phổ cập tại các trường y trong cả nước.
Do đó, bác sĩ Trường lưu ý, trên hành trình còn rất dài để sơ cứu trở nên phổ biến ở nước ta, rất cần những bước đi vững chắc đầu tiên từ “chủ lực” là các trường y, sư phạm.
“Sơ cứu còn có thể được dạy từ độ tuổi tiểu học, thậm chí những điều đơn giản như nhận biết số 1 và số 5 để gọi cấp cứu (115) thì có thể dạy cho trẻ mẫu giáo. Nhưng trong lúc chưa có đủ nhân lực để dạy, ban đầu, những chương trình phổ biến sơ cứu có thể tập trung vào học sinh phổ thông trung học và sinh viên rồi dần mở rộng ra khi điều kiện cho phép”, bác sĩ Trường kết lại.
Theo Thanh niên
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất